03/09/2022 10:07 GMT+7

Trần Ly Ly và câu chuyện không chỉ về những tác phẩm múa 'cháy vé'

NGHỆ SĨ TRẦN LY LY
NGHỆ SĨ TRẦN LY LY

TTO - Tôi nghĩ đến giờ múa vẫn chảy trong huyết quản của tôi rất mạnh mẽ. Tuy nhiên múa trong từng thời điểm đối với một con người là rất khác nhau.

Trần Ly Ly và câu chuyện không chỉ về những tác phẩm múa cháy vé - Ảnh 1.

NSƯT Trần Ly Ly hiện là cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, trước đó chị làm giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Trần Ly Ly là một trong những nghệ sĩ múa đương đại hàng đầu Việt Nam

Tôi nghĩ mỗi một con người, hay nhìn rộng ra là một thế hệ đương nhiên sẽ có những tư duy khác biệt với thế hệ trước. Đó không hẳn phải là sự đối nghịch với truyền thống mà có tính kế thừa cũng như có hướng phát triển riêng biệt với năng lực của mỗi cá nhân, năng lực riêng của thế hệ, cộng đồng.

Hết sức vất vả để trở thành một người có kỹ năng múa điêu luyện, nhưng tôi luôn nghĩ, dù múa có luôn hiện diện trong từng hơi thở thì không có nghĩa mình chỉ là một diễn viên múa.

Thời điểm này tôi chuyển sang làm đạo diễn múa, đạo diễn sân khấu và làm tổng đạo diễn các chương trình. Tôi phải tư duy một tổng thể lớn, đường dây hay concept, khung của một chương trình lớn hơn là làm một bài múa độc lập.

Kế thừa chứ không đối nghịch

Khi trở về Việt Nam sau khi học ở Úc và làm việc tại Pháp, tôi nghĩ sân khấu múa ở ta cần có những diện mạo mới. Tôi cùng các biên đạo múa khác mong muốn tạo ra một không khí mới cũng như những tác phẩm múa mang hơi thở đương đại.

Thời điểm đó tôi đã làm những vở múa lớn như One day, Living in the box, tiếp đến là 7x, Yes yes no no, Một và hai... Khi ấy những vở múa đương đại rất ít nhưng cũng bắt đầu len lỏi dần tạo thành làn sóng lớn ở Việt Nam những năm 2005 - 2015.

Sau thập niên tạm gọi là bản lề, giờ đây múa đương đại đã trở thành một phần sâu rộng của nghệ thuật múa ở Việt Nam. Tuy nhiên, để những tác phẩm múa thực sự mang màu sắc đương đại thì ở ta vẫn đang trên con đường tìm tòi đầy hy vọng ở các biên đạo trẻ.

Là con nhà nòi, tức là tôi được sống trong môi trường nghệ thuật nói chung và múa nói riêng. Là tôi được tư duy múa cũng như sống trong môi trường âm nhạc cổ điển, âm nhạc truyền thống, múa cổ điển từ rất sớm. Khu nhà tập thể trong khu văn công Mai Dịch thời ấy đã luôn ở trong ký ức của tôi.

Nhớ lại khi mới về nước làm những tác phẩm đương đại khác biệt, tôi cũng nhận được nhiều ý kiến phản biện cả tích cực và tiêu cực.

Tôi đón nhận tất cả bởi tôi cho rằng sự phát triển cần có những suy nghĩ đa chiều thậm chí là đối lập. Tôi cho rằng những lời chê, những sự phản ứng ban đầu không phải tiêu cực mà cần có để tạo ra sự phát triển nói chung.

Trần Ly Ly và câu chuyện không chỉ về những tác phẩm múa cháy vé - Ảnh 3.

Không khó để có khán giả dù giá vé cao

Từng bước, từng bước theo năm tháng múa Việt Nam đã phát triển lên đến những đỉnh cao. Nghệ sĩ múa trẻ, tôi tin vào các em, tin vào sự thông minh nhạy bén khi xem họ thể hiện tinh thần ấy ở trong các tác phẩm múa.

Tuy nhiên, tôi vẫn hy vọng chờ đợi thêm ở chiều sâu trong tư duy sáng tạo, sự đào xới tìm tòi từ ngôn ngữ đến cách thể hiện, đề tài. Tôi thấy sự phát triển của múa Việt Nam hiện tại, về kỹ năng các bạn làm tốt nhưng để có những tác phẩm múa lớn mang tính biểu tượng, đặc trưng thì chưa nhiều.

Đây vừa là câu hỏi vừa là thách thức lớn đối với múa hiện tại. Múa lễ hội có nhưng tác phẩm chiều sâu chưa nhiều, đó là cái mà chúng ta phải suy nghĩ một cách định hướng cho tương lai.

Tôi cảm ơn những ai đã cho rằng tôi không chỉ là một nghệ sĩ, biên đạo sáng tác tài năng, mà còn được biết đến là một trong những đạo diễn có khả năng làm... "cháy vé" những đêm diễn múa. Vừa rồi tôi làm tổng đạo diễn khai mạc và bế mạc SEA Games, đây là một vinh dự cũng như là một thành quả mà cá nhân tôi cảm thấy rất tự hào.

Tôi tự hào bởi vì 2 chương trình này tôi đã quy tụ được những con người tài năng thành một tập thể cùng tham gia vào sự thành công của sự kiện ghi dấu ấn Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Tương tự, việc có những tác phẩm múa hay nhạc kịch sân khấu "cháy vé" với khán giả, tôi luôn tin tưởng sẽ làm được, như khi tôi làm giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, chúng tôi đã có những Rock Symphony "cháy vé", khán giả đứng lên cả ghế đầy hào hứng vì sự đẹp đẽ mà âm nhạc cùng các nghệ sĩ mang lại.

Khi chúng tôi diễn vở Hồ thiên nga, đã có hơn 10.000 lượt khán giả đến xem. Hay như khi tôi làm tổng đạo diễn vở nhạc kịch Những người khốn khổ, một vở nhạc kịch kinh điển, cũng luôn "cháy vé" với hơn 5.000 lượt khán giả đến xem.

Những ví dụ đó cho thấy nếu chúng ta thực sự làm tốt thì không khó để có khán giả dù giá vé có cao đến mấy. Thị trường đã có và đã sẵn sàng. Các vở diễn thực cảnh hiện tại, hay balê như Kiều, Hàm lệ minh châu đều bán vé rất tốt. Tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn lạc quan về điều này.

Khán giả đã hào hứng yêu thương trân trọng nghệ sĩ. Nghĩa là nghệ sĩ có thể sống được bằng nghề. Thị trường vẫn đón nhận. Sân khấu của nghệ thuật kinh điển vẫn có chỗ đứng trong lòng khán giả.

Đưa nghệ thuật vô trường phổ thông

Trong nghệ thuật, cũng phải thừa nhận sự đào thải rất lớn. Nghệ sĩ không phải chỉ học rồi có kỹ năng mà còn cần phải có năng khiếu thiên phú, đồng thời phải lao động không ngừng nghỉ để tạo ra những kỹ năng không phải ai cũng làm được.

Rõ ràng đây là sự khác biệt lớn nhất giữa học nghề và học nghệ thuật. Từ góc độ nhà quản lý, tôi thấy việc đãi ngộ với nghệ sĩ ở ta còn chưa tốt, điều này sẽ dẫn đến việc mất chất xám, mất đi sự động viên cần thiết với nghệ sĩ.

Múa Việt Nam hiện đã có độ phủ rộng nhưng về chiều sâu như một nghệ thuật cao cấp đúng nghĩa thì chưa đủ. Đây là điều tôi đã thấy, trong cả biểu diễn phục vụ chính trị. Chúng tôi suy nghĩ nhiều để sao vẫn giữ được sự phủ rộng nhưng cũng phải phát triển về độ sâu.

Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta cần phát triển nghệ thuật từ trường phổ thông, cho trẻ nhỏ. Các nước phát triển đã coi nghệ thuật không thể thiếu được, nghệ thuật và cảm thụ nghệ thuật phải là một hệ kiến thức liên kết chặt chẽ với hệ kiến thức cơ bản để đem đến cho mỗi con người một tổng thể tinh thần hoàn chỉnh, cân bằng, một đời sống phong phú, văn minh.

Tôi nghĩ rất nên đưa nghệ thuật vào chính khóa trong trường học, tất nhiên với liều lượng phải phù hợp để các em có thời gian tiếp thu cũng như tự tìm ra cho mình những niềm yêu thích riêng đối với từng bộ môn nghệ thuật, nếu thực sự có đam mê cùng năng khiếu sẽ đi theo con đường chuyên nghiệp.

Trẻ em ở bất kỳ nơi nào trên thế giới đều cần tiếp xúc và học nghệ thuật. Âm nhạc hay điệu múa sẽ có trong bản năng con người rồi, chỉ có là mình tìm cách gợi nó lên. Tôi tin con người ta nhìn nhận cảm xúc thế nào, có bao dung có đa chiều có sâu sắc hay không thì nghệ thuật góp một phần không nhỏ.

Giám đốc Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam Trần Ly Ly làm cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Giám đốc Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam Trần Ly Ly làm cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn

TTO - NSƯT, giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam Trần Ly Ly vừa nhận quyết định bổ nhiệm quyền cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn ngày 27-1, trở thành nữ cục trưởng đầu tiên của cục này.

NGHỆ SĨ TRẦN LY LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Trần Ly Ly
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp