Phóng to |
Phim chiếu "giờ bạc" (20g từ 25-3) trên "kênh bạc" (VTV1), nhưng sức hút hình như không thua kém, thậm chí lời chê còn ít hơn. Lý do có vẻ cũng dễ hiểu, đằng sau Chàng trai đa cảm là giám đốc Đông A - một người quá quen thuộc với màn ảnh: đạo diễn Trần Lực. Nhưng câu chuyện với chàng đạo diễn một thời từng là ngôi sao màn bạc này không chỉ là chuyện đa cảm của những chàng trai thành thị - vốn đã hơi nhiều trên màn ảnh và các tạp chí dành cho thị dân.
Phải biết "ăn dè” tiếng cười
* Phim về những chàng trai đa cảm - có nghĩa là đào hoa và lận đận đường tình duyên, bối cảnh thành thị, thể loại tâm lý hài - quá hợp với anh cả về tay nghề đạo diễn lẫn ngoại hình diễn viên. Sao anh không tự đạo diễn hay chí ít là dành cho mình một trong hai vai chính?
- Phải biết mình là ai và đứng ở đâu thì hợp chứ! Chúng tôi đang học làm việc theo dây chuyền công nghệ. Tôi đặt Đỗ Trí Hùng - anh chàng bạn thân (từng công tác từ phim đầu tay Chuyện nhà Mộc) viết một kịch bản "vui vẻ, nhẹ nhàng, cười được, không dạy dỗ, không rẻ tiền, nhân vật chính không phải một mà là hai người đàn ông trẻ”. Hùng phác thảo ý tưởng và có cả một êkip biên kịch trẻ thực hiện. Biên tập là tôi và chị Trịnh Thanh Nhã. OK rồi thì mời anh Trần Trung Dũng đạo diễn. Tất cả đều vào guồng, và việc của tôi không phải là chường mặt lên hình hay hò hét can thiệp vào diễn xuất của người khác. Tôi thấy đạo diễn đã chọn được hai nam diễn viên chính rất hợp: Công Dũng và Viết Anh đều rất ăn hình và diễn rất tốt. Họ đẹp trai đấy chứ!
Phóng to |
Cảnh trong phim Chàng trai đa cảm đang phát sóng trên VTV1 |
- Lúc còn đóng phim, "nghề chuyên môn" của tôi là bị thương và leo lên nóc tủ ngồi (liệt sĩ mà), tôi cũng đã lấy nước mắt thiên hạ kha khá qua nhiều phim thương tâm kiểu Đời hát rong. Nhưng sau này mới biết để cù cho thiên hạ cười được khó lắm lắm, khó hơn lấy nước mắt nhiều. Và những chi tiết gây cười thì quí hiếm lắm, phải biết "ăn dè”, tiết kiệm nó, tung ra đúng lúc đúng chỗ, liều lượng hợp lý, nhiều quá thành vừa nhàm vừa nhảm ngay. Phim dài 19 tập, chỗ nào cũng cười thì "có mà chết" à? Hơn nữa mạch chính của phim là tâm lý, có cả thân phận con người, tình yêu, tình cha con, chồng vợ, cười nhiều quá là phá hết tuyến chính của phim.
* Cùng từng là "sao" màn bạc, rồi cùng chuyển sang làm nhà sản xuất, giờ lại tình cờ cùng tung phim lên sóng, nhưng Ngọc Hiệp vẫn diễn ngon lành dù vai xấu xí, còn anh không xuất hiện, cảm giác của anh ra sao?
- Tôi thấy Hiệp diễn tốt, chừng ấy tuổi mà vào được vai thiếu nữ vậy là giỏi. Tôi bây giờ chắc chỉ vào được vai cha chú, tôi mừng thấy bạn có được một đoàn làm phim cực kỳ chuyên nghiệp, có thể nói là chuyên nghiệp nhất ở VN hiện nay. Nhưng còn tổng thể phim thì… tôi thích phim của tôi hơn nhiều.
"Đông A đang chuẩn bị một dự án phim trường khoảng 5ha đất ở ngoại ô Hà Nội, sẽ dựng lại làng cổ VN… Chúng tôi sẽ thực hiện loạt phim về nông thôn VN đầu thế kỷ 20 ở đây, và sau đó chắc chắn sẽ cho thuê phim trường với các phim dã sử khác" |
* Lần đầu tiên làm phim nhiều tập, lại xuất hiện ngay giờ đẹp, và cho tới nửa phim vẫn chưa bị chê bai gì nhiều, nhà sản xuất phim Trần Lực có vẻ may mắn không kém diễn viên và đạo diễn Trần Lực?
- Có vẻ thế thôi. Đông A sinh sau đẻ muộn, trước nay mới làm phim quảng cáo và truyền hình ngắn tập, nay đụng đến phim nhiều tập là phức tạp rồi. Chúng tôi làm xong từ tháng 11-2007, mà đến giữa tháng 3-2008 mới được chiếu thì biết là khó khăn thế nào. Cũng chả phải phim có vấn đề gì ghê gớm hay ai làm khó dễ gì, đơn giản chỉ vì "cơ chế nó thế" - như nhiều người hay nói.
Chúng tôi là đơn vị đầu tiên ở phía Bắc làm phim xã hội hóa nên cũng hơi thiệt thòi, bây giờ ổn hơn rồi. Nhưng phim được chiếu chậm, có nghĩa là thu hồi vốn chậm, tiền thì chúng tôi tự bỏ ra, nhiều khi đi vay ngân hàng. Vào được giờ này cũng là mừng rồi, hi vọng sau xêri này có "vốn liếng" để ăn nói với đài truyền hình và đối tác quảng cáo, những phim sau sẽ tốt hơn và vào giờ đẹp hơn.
* Có nghĩa là còn có những phim sau? Lại phim tâm lý hài, và lại nhằm vào thị hiếu khán giả trẻ thành phố?
- Chúng tôi đã vào guồng rồi và đương nhiên sẽ không dừng lại. Dù yếu hơn về tiềm lực kinh tế nhưng chúng tôi có nhiều thế mạnh khác. Trước tiên là vốn trí tuệ và chất xám... tại gia. Tôi đã đặt vợ chồng nhà biên kịch Lê Phương - Trịnh Thanh Nhã xâu chuỗi các tác phẩm của ông nội tôi - nhà văn Trần Tiêu, một thành viên của Tự Lực văn đoàn - thành khoảng 60 tập phim về nông thôn.
Đông A đang chuẩn bị một dự án phim trường khoảng 5ha đất ở ngoại ô Hà Nội, sẽ dựng lại làng cổ VN, với dinh cơ đồn điền địa chủ, nhà ngói năm gian, nhà tường đất mái rạ, đình chùa, ao làng, bến nước... Chúng tôi sẽ thực hiện loạt phim về nông thôn VN đầu thế kỷ 20 ở đây, và sau đó chắc chắn sẽ cho thuê phim trường với các phim dã sử khác.
* Làm sao anh dám chắc phim về đề tài nông thôn sẽ có khách mà xây dựng kế hoạch phiêu lưu như vậy?
- Đơn giản vì phim về đời sống thị dân đã quá nhiều. Cứ nhìn cả ba phim đang phát sóng cùng lúc trên VTV1 và VTV3 sẽ thấy, chưa kể HTV. Cái gì nhiều thì cũng dễ chán. Dòng phim mà tôi lựa chọn cũng không phải là về nông thôn VN đơn thuần, đó là dòng phim về phong tục của cha ông xưa. Tôi cũng đã đọc kỹ lại những tác phẩm của ông nội mình và thấy rằng đó là một cái nền tốt cho kịch bản. Văn chương của các cụ đẹp và trau chuốt, sinh hoạt thôn quê khi đó diễn ra cũng êm đềm, đầy tình nghĩa chứ thật ra không quá gay gắt như tác phẩm của các nhà văn hiện thực phê phán.
Những tiểu thuyết và truyện ngắn của ông tôi: Con trâu, Chồng con, Ký ức con Vện, Sau lũy tre… là những câu chyện cảm động về thân phận con người, qua đó có thể chuyển tải được rất nhiều chi tiết, hình ảnh về thuần phong mỹ tục. Tác phẩm của ông bác tôi - Khái Hưng, anh ruột Trần Tiêu - cũng vậy. Trong nhà lại có "cố vấn phong tục" là cha tôi (GS-NSND Trần Bảng), không làm thì thật không phải chút nào. Hơn nữa, dòng phim phong tục là dòng phim không bao giờ cũ. Khi tôi lập hãng phim riêng, nhờ cha đặt tên, cha tôi đặt tên là Đông A, ngoài cái nghĩa chiết tự họ Trần, hình như cũng có chút tự hào và hi vọng ngấm ngầm trong đó. Vậy thì mình phải cố thôi!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận