Đạo diễn Trần Lực.
Tôi là một trong những người lập hãng phim tư nhân sớm nhất miền Bắc, giờ lại là người đầu tiên lập đoàn kịch tư nhân. Chúng tôi đang tìm một đường đi ngắn nhất đến với khán giả.
Đạo diễn Trần Lực
Ngày 23-11, đoàn kịch LUC team của anh chính thức ra mắt vở mới Cơn ghen của Lọ Lem, được làm theo phương pháp sân khấu biểu hiện ước lệ, mà theo quảng cáo của Trần Lực là "tối giản, mới, lạ, hấp dẫn".
Đạo diễn Trần Lực (ngoài cùng bên phải) cùng dàn diễn viên "Cơn ghen của Lọ Lem" trong đêm ra mắt vở diễn hôm 23-11-2017 - Ảnh do nhân vật cung cấp.
* Giai đoạn này, các công ty sản xuất phim tư nhân ở miền Bắc gần như đã ngừng hoạt động. Có người nói Trần Lực chuyển sang kịch vì… quẫn?
Vở Quẫn là vở hài kịch do tác giả Lộng Chương viết từ năm 1960.
Dựng lại "Quẫn" theo cách mới, Trần Lực cùng các học trò đã giành giải Bạc tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2016. Ngoài ra, tác phẩm còn giành ba giải cá nhân: Đạo diễn xuất sắc nhất cho NSƯT Trần Lực, một giải Vàng, hai giải Bạc cho các diễn viên.
- Không phải điện ảnh khó khăn quá mà tôi chuyển sang sân khấu. Thành lập một đoàn kịch tư nhân là ước mơ của tôi khi trở về Việt Nam sau chuyến du học nước ngoài về ngành sân khấu.
Nhưng những năm 1990 không được phép lập đoàn kịch tư nhân. Đến những năm 2000, tôi cầm kịch bản sân khấu của anh Lê Hoàng mà vẫn không làm được.
Khi tôi dạy khóa 33B tại Đại học Sân khấu - Điện ảnh, tôi đã đưa phương pháp biểu hiện ước lệ vào chương trình dạy. Cả thầy lẫn trò đều rất thích thú.
Vở Quẫn đoạt giải là động lực để thầy trò tôi tiếp tục tiến lên. Tôi đã nghĩ tại sao mình không thực hiện ước mơ lập đoàn kịch.
Trần Lực và các diễn viên tập vở Cơn ghen của Lọ Lem
* Đầu tư cho đoàn kịch có tốn kém như đầu tư cho đoàn làm phim không?
- Chúng tôi cứ làm thôi, cứ phải tin đã, cũng xác định là tự lao vào bụi rậm và vẫn đang tìm đường đến với khán giả. Chúng tôi đã sẵn sàng chấp nhận bị gai đâm, nhưng vẫn quyết tâm tạo đường để đi.
* Liệu đây có phải là giai đoạn hào hứng nhất trong cuộc đời Trần Lực?
- Đúng thế, tôi cảm thấy như trẻ lại. Tôi sinh ra ở khu văn công Mai Dịch (Hà Nội), nghe chèo, tuồng từ trong bụng mẹ. Lớn lên chút, tôi xem các cụ nghệ nhân Nam Ngũ, Cả Tam, cụ Tốn, bà Bạch Trà, bà Ngà biểu diễn, hoặc đi diễn theo mẹ.
Có lần, ngồi sau cánh gà xem mẹ diễn Việc làng, đến cảnh mẹ bị đánh, tôi khóc ầm lên. Diễn xong, mẹ tôi phải chạy vút vào, bế con đi nhờ người khác trông.
Rồi những buổi tôi hóng hớt nghe bố tôi dựng vở, làm việc với biên đạo, họa sĩ, tác giả kịch bản. Họ nói về phương pháp ước lệ, biểu hiện, mà tôi chẳng hiểu gì.
Nhưng tất cả những điều đó ngấm vào đầu tôi lúc nào không hay. Đến khi ra nước ngoài, học về phương pháp biểu hiện ước lệ, thầy nói một cái mình hiểu ngay.
Tôi coi bố mẹ, các cụ nghệ nhân là thầy, dù tôi chưa chính thức học họ ngày nào.
* Cha mẹ anh chắc hẳn mừng lắm khi anh đã trở về với truyền thống gia đình?
- Cả cha mẹ tôi đều muốn tôi nối nghiệp gia đình, dù ông bà vẫn ủng hộ sự nghiệp làm phim của tôi. Ngay cả thầy giáo dạy tôi ở Bulgari khi biết tôi về nước làm diễn viên, ông động viên rất nhiều, nhưng kết bức thư nào ông cũng nhắc: cậu là con nhà nòi, cậu là đạo diễn sân khấu.
Trần Lực tập với diễn viên vở Cơn ghen của Lọ Lem
* Có thể phân biệt sân khấu biểu hiện ước lệ của anh khác với các sân khấu khác ở điểm gì?
- Sân khấu của Việt Nam nhiều năm nay vẫn theo phương pháp hiện thực tâm lý của Konstantin Stanislapxki. Diễn viên bị cấm nhìn vào mắt khán giả. Nếu nhìn họ sẽ bị coi là diễn viên, chứ không phải nhân vật.
Còn với phương pháp biểu hiện ước lệ, diễn viên phải nhìn vào mắt khán giả, tương tác với họ. Theo phương pháp này, diễn viên nghĩ về nhân vật của họ thế nào, họ phải thể hiện ra như thế.
Phương pháp này tôn trọng sự sáng tạo cá nhân của diễn viên, phá vỡ bức tường ngăn cách giữa diễn viên và khán giả, để khán giả tham gia vào câu chuyện. Tương tác với khán giả là bắt buộc.
Sân khấu của tôi mang đậm ước lệ về không gian, thời gian, tối giản, đầy chất đương đại.
Bản thân nghệ thuật chèo, tuồng của Việt Nam đã là sân khấu ước lệ. Chính những đạo diễn sân khấu lớn của phương Tây như Maiekhôn, Becton Brech đã học hỏi văn hóa phương Đông để từ đó thay đổi thế giới kịch.
Đạo diễn Trần Lực
Đạo diễn Maiekhôn chịu ảnh hưởng của kịch Nhật Bản. Đạo diễn Bertolt Brecht chịu ảnh hưởng từ kinh kịch của Trung Quốc.
Còn tôi ảnh hưởng từ sân khấu phương Đông là sự hồn nhiên, yếu tố ngây thơ. Bertolt Brecht từng thốt lên Ngây thơ chính là sân khấu của tương lai.
* Có khó không khi đào tạo cho các diễn viên sự ngây thơ khi người Việt chúng ta ngày càng bớt ngây thơ?
- Rất kì công. Ngày nào chúng tôi cũng phải tập hình thể, tâm lý, bài tập mang tính chơi đùa để giải phóng cơ thể.
Đừng nghĩ ngây thơ ghê gớm quá. Để có được sự ngây thơ trên sân khấu là phải rèn luyện. Chẳng ai nghĩ nghệ sĩ ngoài đời ngây thơ, nhưng lên sân khấu khác. Đó mới là nghệ sĩ chuyên nghiệp đó.
Tôi đang có trong tay các diễn viên mới ra trường, rất thuận lợi để đào tạo.
Trần Lực hướng dẫn cho học trò diễn kịch theo phương pháp biểu hiện ước lệ
* Lấy ví dụ luôn vở mới của anh, "Cơn ghen của Lọ Lem", có thể kể ra những gì là biểu hiện, ước lệ trong đó?
- Tôi cải biên từ một vở kịch của Molière, vẫn giữ đúng chất của ông ấy. Tôi dựng theo phương pháp ước lệ, không gian và thời gian, phong cách biểu diễn theo trường phái biểu hiện đậm chất Á Đông.
Không gian sân khấu được mở, ước lệ, chỉ tả ý. Trang trí sân khấu phải hết sức chắt lọc.
Ví dụ tôi có đạo cụ là một chiếc xe máy, nhưng rất nhỏ, phải có tiếng nổ - âm thanh mà khi ngủ người Việt Nam cũng nghe thấy. Khi xem vở này, khán giả còn ngửi thấy mùi xăng xe máy nữa.
Tôi sử dụng nghệ thuật hóa trang trong tuồng để thể hiện tính cách rõ rệt của mỗi nhân vật. Tôi đã mời các nghệ sĩ face art, body art thực hiện. Diễn viên có người mặc đồ xưa, có người mặc đồ ngày nay.
Đây là một vở lấy chủ đề gia đình. Với sân khấu tối giản, chúng tôi chọn khung cửa để thể hiện. Cái khung cửa ấy có thể di chuyển được, lúc ở trong, lúc ở ngoài, tùy vào cách sử dụng của diễn viên.
Với tôi, phương pháp ước lệ mới có nhiều điều kỳ thú, ở đó khán giả tưởng tượng cùng người nghệ sĩ, cùng hòa vào câu chuyện.
* Anh có tìm diễn viên ngôi sao tham gia đoàn?
- Những học trò của tôi sẽ là những ngôi sao tương lai. Chúng tôi làm có phương pháp, có lý luận, có khoa học, chứ không phải lóe lên rồi thôi.
Thời điểm này, tôi toàn tâm toàn ý để đào tạo các học trò của tôi vững lên. Đoàn kịch muốn tồn tại lâu dài, phải có hướng nghệ thuật và tính kỉ luật. Diễn viên không có kỉ luật thì khó thành tài.
Tôi đang cho họ học 3 tháng xiếc cơ bản, học những tiểu phẩm giải phóng cơ thể. Sắp tới đây các bạn phải học cơ bản tuồng, chèo, học ngôn ngữ hình thể. Tôi mong các em phải sống được với nghề.
Đạo diễn Trần Lực
NSƯT Trần Lực là con trai của NSND Trần Bảng - cây đại thụ của nghệ thuật chèo, và nghệ sĩ chèo Trần Thị Xuân. Trần Lực từng đi Bulgari du học chuyên ngành sân khấu, nhưng khi về nước lại gắn với nghiệp diễn viên, sau đó là đạo diễn phim.
Sau hơn 20 năm, diễn viên - đạo diễn Trần Lực đã tạo ra một bất ngờ trên sân khấu. Vở Quẫn của anh và các học trò giành giải Bạc tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2016.
Đây là lần đầu tiên vở diễn của những sinh viên năm cuối trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh (Hà Nội) giành giải thưởng tại một hội diễn sân khấu chuyên nghiệp. Chiến thắng này đã thổi bùng quyết tâm thành lập một đoàn kịch theo phương pháp biểu hiện ước lệ đầu tiên tại Việt Nam của Trần Lực.
Giờ đây, hãng phim tư nhân của anh chuyển chức năng thành một đoàn kịch mang tên LUC team. Trần Lực trở về với nghề truyền thống của gia đình - là sân khấu - khi đã đi được già nửa cuộc đời.
Một số hình ảnh tập vở Cơn ghen của Lọ Lem:
Một số hình ảnh của vở diễn "Cơn ghen của Lọ Lem"
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận