Thông tin học thuê, thi thuê tràn lan trên các diễn đàn, mạng xã hội
Tham gia vào một nhóm trên mạng xã hội có tên "Người học & Người thi", chúng tôi bất ngờ trước hàng loạt bài đăng cần tìm người học thuê, thi thuê.
Công khai
Khi chúng tôi liên lạc hỏi thông tin để nhận học thuê, V.Đ. (sinh viên Trường ĐH Kinh tế - luật TP.HCM) đã nhanh chóng gửi thời khóa biểu môn học kèm theo những dòng tin nhắn: "Mình phải đi làm nên thuê người học trọn khóa cho tiện.
Ngày 28-12 sẽ bắt đầu học. Mình sẽ gặp bạn trước để đưa thẻ sinh viên vì phải có thẻ mới vào gửi xe và dự lớp học được. Mức giá cho 9 buổi học trong vòng 5 tuần là 1 triệu đồng chưa bao gồm chi phí thi thay".
Hầu hết những người nhận học thuê trên một số diễn đàn chuyên cung cấp và đăng thông tin về dịch vụ này đưa ra các mức giá học thuê nhưng mặt bằng chung là 150.000 - 200.000 đồng/buổi.
P.K. - sinh viên Trường ĐH Sài Gòn - cho biết chỉ nhận học thuê vào thứ năm và thứ bảy hằng tuần để kiếm thêm thu nhập. "Mình đi phụ quán ăn cả ngày nhưng lương có khi lại không bằng một buổi đi học thay cho các bạn sinh viên ở một số trường.
Mình chỉ cần đến lớp để ghi tên điểm danh thay, sau đó ngồi đến hết giờ thì về. Công việc này vừa nhàn vừa không tốn nhiều công sức, lại có thêm khoản tiền ổn định" - K. nói.
Liên lạc với người tên V. (sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) trên diễn đàn dịch vụ học thuê tại TP.HCM để nhờ học thuê và thi hộ một số môn đại cương, V. đề nghị cung cấp thông tin cá nhân, địa điểm và giờ học cụ thể. Sau đó V. liên tục hỏi: "Có bị kiểm tra thẻ sinh viên không? Bạn thi môn gì? Tự luận hay trắc nghiệm? Đề thi có dễ không? Bắt đầu thi khi nào?".
Khi được hỏi về mức giá cho từng buổi học, V. đưa ra những yêu cầu cụ thể: "Mình đã đi học thuê ở rất nhiều trường. Nếu học 4 tiếng và chỉ điểm danh thì 150.000 đồng/buổi. Có khi mình còn được thưởng thêm. Nếu có chép bài nữa thì mình sẽ lấy 180.000 - 200.000 đồng/buổi. Nếu học lâu dài thì mình có thể giảm giá".
Hàng trăm sinh viên nên khó bị phát hiện!
T.T.T. - sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết tình trạng thuê học, học thuê diễn ra thường xuyên ở một số trường ĐH nhưng phần đông sinh viên đều xem đó là điều bình thường!
Cứ cách vài tuần, trên các diễn đàn hội nhóm dành cho sinh viên lại xuất hiện nhiều thông tin đăng tuyển tìm người học thay. Bài vừa đăng cách vài phút đã có hàng loạt bình luận nhận lời đi học thuê kèm theo mức giá đề nghị.
Sinh viên nhờ người đi học hộ với nhiều lý do như bị ốm, bận đi làm thêm, muốn có bằng tốt nghiệp nhưng không có thời gian đi học hay đơn giản là... không thích đi học. Có những sinh viên thuê người học luôn vài tháng các môn chuyên ngành hoặc đại cương.
P.T.V. - sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - chia sẻ: "Đi học thuê giống hệt như lúc mình học trên giảng đường.
Vì học đại cương, lớp đông có cả hàng trăm sinh viên nên việc thầy cô phát hiện chuyện học thay là rất khó. Giảng viên đứng lớp không thể kiểm soát và nhớ rõ hết mặt của từng sinh viên nên mình cũng không quá lo lắng".
Không chỉ học thuê, thuê học, vào một nhóm kín hỗ trợ sinh viên học thuê, thi thuê có hơn 12.000 thành viên để đăng tin tìm người học thuê, chúng tôi còn nhận thêm những lời mời chào hấp dẫn như:
"Mình có thể nhận làm thay tiểu luận, báo cáo thực tập, đánh máy, chỉnh sửa văn bản, Powerpoint thuyết trình. Bài làm uy tín chất lượng, đảm bảo luôn đúng hạn. Giá cả có thể thỏa thuận. Bạn nào có nhu cầu liên hệ trực tiếp số điện thoại...".
Xử lý nghiêm
Quyết định số 42/2007/QĐ-BGDĐT ngày 13-8-2007 ghi rõ: Người học hộ hoặc nhờ người khác học hộ tùy theo mức độ sẽ xử lý từ khiển trách đến buộc thôi học. Người tổ chức học, thi, kiểm tra hộ, tổ chức làm hộ tiểu luận, đồ án, khóa luận tốt nghiệp tùy theo mức độ có thể giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
TS Trần Đình Lý (phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM):
Quản lý chặt
TS Trần Đình Lý
Việc quản lý sinh viên và siết chặt kỷ luật trong phòng thi luôn được trường quan tâm. Sinh viên khi tham dự bất kỳ kỳ thi nào đều phải xuất trình thẻ sinh viên để cán bộ coi thi kiểm tra, đối chiếu.
Thẻ sinh viên có hình ảnh từ hệ thống quản lý ngay từ khi nhập học và được tích hợp đồng thời là thẻ ngân hàng và tài khoản của sinh viên nên hạn chế được hiện tượng làm giả thẻ sinh viên.
Ở Trường ĐH Nông lâm TP.HCM trước đây có 2 kỳ thi quan trọng có xảy ra hiện tượng thi hộ và nhờ thi hộ là kỳ thi đánh giá chuẩn đầu ra ngoại ngữ và chuẩn đầu ra tin học.
Tuy nhiên, hiện nay nhà trường đã tăng cường kiểm tra thẻ sinh viên, đối chiếu với danh sách hình sinh viên khi đăng ký dự thi, đối chiếu với danh sách, hình của sinh viên khi học tại trường, trao đổi các thông tin cơ bản khi phát hiện nghi vấn thi hộ, thi thay.
Quy chế học vụ của trường quy định rất rõ: nếu phát hiện sinh viên có hiện tượng thi hộ và nhờ người khác thi hộ sẽ bị kỷ luật đình chỉ 1 năm học và nếu tiếp tục bị phát hiện lần 2 sẽ bị buộc thôi học.
Ths Hoàng Thị Thoa (phó giám đốc trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM):
Ưu tiên số 1 vẫn là việc học
Ths Hoàng Thị Thoa
Nhiều sinh viên đi làm thêm được va chạm, học hỏi kinh nghiệm từ lý thuyết qua thực tế, đồng thời có thêm thu nhập để trang trải việc học tập và sinh hoạt hằng ngày.
Tuy nhiên cái hại với nhiều sinh viên là không biết cách phân bổ thời gian học tập và đi làm hợp lý sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc học tập cũng như công việc làm thêm. Thực tế có rất nhiều sinh viên đi làm thêm đến mức bỏ bê việc học, thuê người học thuê, thi thuê, thậm chí nghỉ học và lãng phí thời gian 4 năm học.
Sinh viên phải xác định việc đi làm thêm là để hỗ trợ việc học tập nhằm phát triển nghề nghiệp sau này. Ưu tiên số 1 của sinh viên vẫn phải là học tập.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận