Phóng to |
Chứng chỉ và bằng cấp giả được sử dụng tại doanh nghiệp DN - Ảnh: N.P. |
* Mang cả một bao chứng chỉ đào tạo nghề đi xác minh, chỉ có 50-60 chứng chỉ là thật.
Đã đến lúc cần báo động về tình trạng chứng chỉ đào tạo nghề "nhân viên xoa bóp" giả tràn lan ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Chứng chỉ dỏm được mua trả góp (?!)
Đầu tháng 3-2006, tại doanh nghiệp tư nhân hành nghề xông hơi, xoa bóp DN (Q.5, TP.HCM) đã xảy ra một cuộc cãi vã và tranh chấp giữa tám cô gái và chủ doanh nghiệp này. Các cô gái này cho rằng chủ doanh nghiệp không trả hồ sơ lao động và tiền lương cho nhân viên. Vụ việc được chuyển cho UBND phường 7 để giải quyết, vì đây là tranh chấp lao động giữa doanh nghiệp và người làm.
Ngày 26-3-2006, tại buổi hòa giải đã xảy ra một tình huống hết sức khó lường. N.H. - một trong các nhân viên - kể lại: "Trước đó chủ doanh nghiệp tập trung nhân viên lại và nói thời buổi bây giờ khó khăn lắm, bằng này hiện nay không sử dụng được nữa, do đó các nhân viên phải đóng lại 1 triệu đồng tiền thế chân và 2,5 triệu để chủ doanh nghiệp "rước" thầy về dạy lại.
Chúng tôi ngạc nhiên lắm, vì khi vào làm ở cơ sở này chúng tôi bị bà chủ bắt đóng tất cả 2,7 triệu đồng là tiền học nghề và tiền bằng. Vì không có tiền đóng một lúc nên phải trả góp, mỗi ngày 100.000 đồng, trả trong vòng một tháng, tất cả là 3 triệu đồng. Do đó, chúng tôi quyết định nghỉ việc. Thậm chí chúng tôi cũng không biết bằng thật hay giả, mà chỉ nghĩ rằng bà chủ gạt chúng tôi, muốn moi tiền thêm ở chúng tôi". Và tám nhân viên này đã đề nghị xác minh bằng và chứng chỉ là thật hay giả.
Một nhân viên khác cầm trên tay giấy chứng nhận trúng tuyển kỳ thi hết cấp II bổ túc văn hóa, tại hội đồng thi Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.1 năm 1999 do giám đốc Sở GD-ĐT Trương Song Đức ký. Khi được hỏi "đã học hết lớp mấy ?", cô nhân viên này cho biết chưa học hết lớp 5. "Chưa học hết lớp 5 mà lại có giấy trúng tuyển kỳ thi hết cấp II bổ túc văn hóa thì không làm giả là gì?" và hầu hết nhân viên đều có một câu trả lời chung là: "Đến bây giờ mới thấy hồ sơ, vì bà chủ làm và giữ hết giấy tờ của mọi người (!)”.
Đụng đâu cũng thấy giả!
Tại phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM, khi nghe nói đến chứng chỉ nghề nhân viên xoa bóp giả, hầu như ai cũng lắc đầu ngán ngẩm. BS Hoàng Anh, cán bộ của phòng, cho biết: "Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương là nhiều nhất. Có lần Đà Nẵng nhờ chúng tôi xác minh khoảng 250 trường hợp thì chỉ có vài chục trường hợp là thật, còn lại đều giả".
Tiếp chúng tôi tại ban đào tạo của khoa điều dưỡng - kỹ thuật y học (ĐH Y dược TP.HCM) - đơn vị duy nhất tại TP.HCM được phép đào tạo nhân viên xoa bóp, bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt trưởng ban cũng đưa ra hàng chục công văn đề nghị xác minh chứng chỉ này.
Công an Bình Thuận nhờ xác minh bốn trường hợp thì giả mạo hết bốn. Công an Nam Định nhờ xác minh, cả 14 trường hợp đều dùng chứng chỉ giả. Công an Q.10, TP.HCM nhờ xác minh 10 trường hợp thì chỉ có một trường hợp thật, còn lại là giả. Công an Vĩnh Long nhờ xác minh bốn trường hợp, cả bốn đều chưa học ở đây khóa nào. BS Nguyệt kể chuyện thật mà nghe cứ như... bịa: "Dưới Vũng Tàu mang một bao tải lên nhờ xác minh, cả một bao mà chỉ có 50-60 trường hợp là thật”.
Làm sao chấn chỉnh tình trạng này từ phía quản lý nhà nước ? BS Nguyệt nói thật ngắn gọn: "Chúng tôi đã từng nói với các nơi rằng muốn biết chứng chỉ thật hay giả không cần phải lên đây. Cứ gọi điện cho chúng tôi, đọc họ tên, số cấp bằng, ngày cấp... là chúng tôi sẽ trả lời ngay". Thế nhưng rất ít cơ sở nào thực hiện lời đề nghị ấy, trong khi các cơ quan chức năng khi đi kiểm tra cũng không thực hiện động tác này. Có lẽ vì thế mà loại chứng chỉ giả này xuất hiện nhiều như nấm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận