Theo một số chủ bè ở TP Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), hiện nay trên mạng xã hội việc mua bán tôm hùm giống diễn ra nhan nhản. Các lô hàng chính ngạch rất khó khăn để nhập về, nhưng các đầu nậu vẫn có tôm hùm giống để bán với số lượng lớn.
"Muốn bao nhiêu cũng có"
Chị Lê Phương Dung (phường Cam Linh, TP Cam Ranh) cho hay các tháng 7 và 8-2023, giá tôm hùm giống rất cao (khoảng 60.000 đồng/con). Nhưng hiện tại thì giá giảm nhiều, còn khoảng 40.000 đồng/con.
"Nhà tôi ngoài mua mối quen cũng hay đặt giống qua mạng nhưng số lượng không nhiều vì cũng sợ dịch bệnh. Giá bán qua mạng thì khá rẻ, mua bán nhanh. Mình cũng chỉ nghe người bán nói là tôm nhập từ Indonesia hay Philippines… chứ không rõ lắm" - chị Dung nói.
Còn ông Phạm Ngọc Thanh (phường Cam Thuận) cho hay: "Thả xuống nước mới biết tôm khỏe hay không, nuôi cũng rất hên xui, trúng đợt giống xấu hay con nước không tốt là chết gần hết cả lô giống. Khi đã thả xuống dù xảy ra sự cố người nuôi cũng không được hoàn tiền".
Trong vai người mua hàng, phóng viên Tuổi Trẻ đã liên hệ một chủ tài khoản mang tên H.Ng.. Người này cho hay: "Giá tôm giống loại xanh trắng là 36.000 đồng/con, xanh lam là 33.000 đồng/con, tôm bông xô 40.000 đồng/con nhập từ Indonesia… Tôm được đóng thùng xốp có sục khí giao tận bè, số lượng lớn, muốn bao nhiêu cũng có. Giao ra Phú Yên, Bình Định đều được".
Khi được hỏi về chất lượng, người này ấp úng nói: "Chuyện giấy tờ, kiểm dịch tụi tôi không biết, miễn tôm giao tới tay khách khỏe mạnh là được".
Nhiều nguy cơ dịch bệnh
Ông Lê Văn Hoan - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa - cho hay đang làm tổng hợp để báo cáo lên tỉnh về việc thiếu hụt tôm giống.
Trước đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố ngăn chặn nhập lậu, buôn bán, vận chuyển tôm hùm giống trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam qua đường bộ và đường hàng không và qua một số địa phương có chung biên giới với Campuchia.
Tôm hùm giống vận chuyển trái phép dẫn đến nguy cơ xâm nhiễm mầm bệnh đốm trắng và bệnh sữa, có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành nuôi tôm Việt Nam.
"Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh giống tôm hùm thực hiện các quy định về quản lý giống thủy sản, các cơ quan sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vận chuyển, buôn bán con giống không rõ nguồn gốc" - ông Hoan nói.
Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa cho hay từ cuối tháng 6-2023 đến nay không có lô giống nào được nhập về địa phương. Việc các chủ cơ sở hay người bán đăng các thông tin rao bán trên mạng sẽ được chi cục, các bộ phận liên quan tổng hợp thông tin báo cáo lên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để có hướng kiểm tra, xử lý.
Ông Nguyễn Tấn Sỹ - phó viện trưởng Viện Nuôi trồng thủy sản (Trường đại học Nha Trang) - cho hay bệnh đốm trắng trên tôm vô cùng nguy hiểm, có khả năng làm tôm chết 100% trong thời gian ngắn.
Mầm bệnh có trong tôm hoặc xâm nhập từ bên ngoài qua nguồn nước, các ký chủ trung gian. Khi lượng chất thải nuôi tôm nhiều, môi trường nuôi bị ô nhiễm hay thời tiết thay đổi sẽ tạo điều kiện cho các loại vi rút bùng phát gây dịch bệnh trên diện rộng, nhất là khi giao mùa.
Một số đơn vị nhập khẩu về Khánh Hòa không tuân thủ việc cách ly tập trung mà tìm cách trốn cách ly hoặc cách ly không đúng quy định dẫn đến nguy cơ mắc bệnh cho con giống cao.
Theo ông Sỹ, tại Indonesia có lệnh tạm dừng xuất khẩu tôm hùm giống. Vì vậy sắp tới Viện Nuôi trồng thủy sản sẽ sang hợp tác với một vài công ty bên Indonesia để ký kết, thông qua sự hỗ trợ của chính phủ để xuất con giống theo đường chính ngạch về Việt Nam, việc ký kết lâu dài đảm bảo số lượng, chất lượng giống cho người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận