Trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng còn 4,25%/năm từ ngày mai, 13-5 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Cụ thể, theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước, kể từ ngày 13-5, lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,5%/năm xuống 0,2%/năm.
Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng tối đa mà ngân hàng được phép huy động cũng giảm từ 4,75%/năm xuống 4,25%/năm.
Mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng tại quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô cũng giảm từ mức 5,25%/năm xuống 4,75%/năm.
Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND với các lĩnh vực ưu tiên xuống 0,5%/năm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm.
Song song đó, Ngân hàng Nhà nước cũng giảm hàng loạt lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng, lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở với mức giảm 0,5%/năm.
Theo lý giải của Ngân hàng Nhà nước, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp diễn biến phức tạp và gây suy thoái kinh tế toàn cầu, Chính phủ và ngân hàng trung ương nhiều nước cắt giảm lãi suất điều hành và thực thi nhiều giải pháp kích thích kinh tế, hỗ trợ tài khóa với quy mô lớn.
Do vậy, việc giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19 theo chủ trương của Chính phủ.
Đây là lần thứ hai Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi trong vòng 2 tháng qua. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng nên có biện pháp mạnh tay hơn như giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc nhằm tạo ra nguồn vốn rẻ và dồi dào hơn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.
Hiện tỉ lệ dự trữ bắt buộc vẫn giữ nguyên ở mức 3%, dù Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc lên mức 1%/năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận