Phóng to |
Chương Tử Di sẽ giúp Trần Khải Ca thực hiện giấc mơ Oscar? |
Trong lứa đạo diễn thế hệ thứ năm của điện ảnh Trung Quốc, cũng như Trương Nghệ Mưu, tên tuổi của Trần Khải Ca thường được xướng lên tại các liên hoan phim (LHP) quốc tế với những phim gắn liền tài năng của ông như Hoàng thổ địa, Vừa đi vừa hát, Vua gõ đầu trẻ, Bá Vương biệt Cơ, Phong nguyệt, Cây vĩ cầm vàng...
Năm 2001, Trần Khải Ca còn giành được cơ hội thực hiện bộ phim Hollywood Killing me softly - điều mà rất nhiều đạo diễn châu Á mong ước. Thế nhưng cho đến nay, cái tên Trần Khải Ca chưa một lần xuất hiện tại giải thưởng Oscar. Chính vì vậy, ông đã đầu tư tâm huyết vào tác phẩm Vô cực.
Áp lực của thất bại
Chi phí sản xuất lên đến 340 triệu NDT, kỹ xảo được vận dụng tối đa, dàn diễn viên toàn những gương mặt ngôi sao đang ăn khách cùng một câu chuyện mang màu sắc thần thoại, đạo diễn Trần Khải Ca hi vọng bộ phim Vô cực sẽ “làm nên chuyện”. Nhất là trước đó, dòng phim cổ trang Trung Hoa với ba tác phẩm Ngọa hổ tàng long, Anh hùng và Thập diện mai phục “làm mưa làm gió” trên màn ảnh nước Mỹ và các nước Bắc Mỹ. Tiếc thay, Vô cực đã gặp thất bại nặng nề, cả về “miếng” lẫn “tiếng”.
Khi biết Chương Tử Di rất ngưỡng mộ nữ nghệ sĩ Mạnh Tiểu Đông - người tình đầu của Mai Lan Phương, đạo diễn Trần Khải Ca quyết định cho sửa lại kịch bản, thêm đất diễn cho vai diễn này để thuyết phục Chương Tử Di. Tuy đang bận rộn với bộ phim hợp tác Hàn - Mỹ Chiến binh sa mạc (đóng cặp với Jang Dong Gun) nhưng Chương Tử Di vẫn đồng ý tham gia. Theo đại diện hãng phim tiết lộ, để phối hợp thời gian của Chương Tử Di, Mai Lan Phương đã được dời lịch quay sang tháng bảy thay vì tháng năm như dự tính. |
Dốc sức cho giấc mơ
Không còn là truyện thần thoại nhiều kỹ xảo, cũng không “chạy đua” theo trào lưu phim võ hiệp - cổ trang, Mai Lan Phương là bộ phim về cuộc đời nam nghệ sĩ Kinh kịch danh tiếng của Trung Quốc, người đã có công đưa nghệ thuật Kinh kịch ra giao lưu với văn hóa thế giới.
Thật ra, đạo diễn Trần Khải Ca đã chuẩn bị dự án làm phim Mai Lan Phương ngay sau khi hoàn thành Bá Vương biệt Cơ (1992, tác phẩm duy nhất đoạt giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes, cũng nói về những nghệ sĩ Kinh kịch). Tuy nhiên, do nhận thấy những gì mình hiểu về người nghệ sĩ tài ba này chưa đủ nên phải mất 15 năm, ông mới tự tin bắt tay thực hiện. Vả lại, “khẩu vị” của các vị giám khảo Oscar hiện nay đang mặn mà những tác phẩm “người thật việc thật” nên Trần Khải Ca muốn nắm lấy cơ hội để thực hiện giấc mơ Oscar.
Có thể thấy rất rõ mục tiêu của đạo diễn Trần Khải Ca trong dự án làm bộ phim thứ mười của mình. Tuân thủ qui định của giải Oscar đối với những bộ phim “người thật việc thật”, ngoài nhân vật chính Mai Lan Phương được dùng lại tên họ thật, tất cả nhân vật khác trong phim đều được Trần Khải Ca thay tên đổi họ. Việc mời Chương Tử Di tham gia đảm nhận vai người tình “thanh mai trúc mã” của Mai Lan Phương cũng nằm trong kế hoạch của Trần Khải Ca. Bởi vì cô diễn viên Trung Quốc này hiện đang rất được Hollywood chú ý, sự hiện diện của cô có thể khiến bộ phim ghi thêm điểm hi vọng.
Kịch bản phim đã hoàn chỉnh sau sáu lần sửa chữa với sự giúp đỡ, cung cấp, bổ sung thông tin của gia đình nghệ sĩ Mai Lan Phương. Bối cảnh phim cũng đã được chọn tại Bắc Kinh và Thượng Hải. Lúc đầu, Lương Triều Vỹ là người Trần Khải Ca hài lòng nhất cả về diễn xuất lẫn ngoại hình cho nhân vật chính Mai Lan Phương, nhưng tiếc rằng vốn tiếng phổ thông của anh quá kém nên cuối cùng vai diễn thuộc về nam ca sĩ Lê Minh.
Dù đã là một ngôi sao nhưng Lê Minh phải trải qua nhiều vòng diễn thử mới được chọn. Anh tâm sự: “Tôi thật sự cảm phục tài nghệ của Mai Lan Phương và từ lâu ngưỡng mộ đạo diễn Trần Khải Ca. Chính vì vậy, tôi chấp nhận bỏ nhiều công việc khác dành thời gian cho tác phẩm này. Hiện tôi đang theo học và đi tìm “khí chất” của một nghệ sĩ Kinh kịch”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận