Vừa bầu HĐQT VPF mới cách đây 9 tháng, nay các CLB lại đòi xóa xổ để bầu người mới - Ảnh: VPF
Hiện ông Trần Anh Tú - chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) VPF - đang là trưởng đoàn futsal VN tập huấn tại Tây Ban Nha chuẩn bị cho FIFA Futsal World Cup 2021 nên việc tiến hành đại hội cổ đông bất thường chưa thể tiến hành.
Từ tung hô đến chỉ trích
Cuối năm 2017, chủ tịch HĐQT VPF là ông Võ Quốc Thắng rút lui và ông Trần Anh Tú được đại hội đồng cổ đông bổ nhiệm làm chủ tịch HĐQT (2017 - 2020). Trong 3 năm nắm giữ vị trí này, ông Tú được đánh giá là làm được khá nhiều việc cho bóng đá VN.
Cụ thể, V-League có thời điểm là giải đấu được nhiều thương hiệu "tranh" nhau để trở thành nhà tài trợ chính. Thành quả này giúp ông Trần Anh Tú tái đắc cử chức danh chủ tịch HĐQT VPF khóa 4 (2020 - 2023).
Thế nhưng khi nhiệm kỳ này mới đi được 9 tháng, chính các cổ đông của VPF lại lên tiếng đòi thay ông Tú và một số thành viên HĐQT. Nhiều CLB cách đây vài tháng còn tung hô VPF hết lời, nay lại chĩa mũi dùi chỉ trích về phía VPF.
Bất đồng từ việc dừng V-League 2021
Bất đồng giữa các CLB với VPF xung quanh phương án lùi V-League 2021. Khi trưng cầu ý kiến, hầu hết CLB không đồng ý lùi V-League 2021 đến năm 2022. Nhưng do chưa thực sự lắng nghe các CLB và cũng là cổ đông của mình, VPF đã vội vàng trình phương án sang VFF phê duyệt.
Thời gian qua VPF còn ban hành một số văn bản không cần thiết, như văn bản "tố" chủ tịch CLB Hải Phòng công kích, bôi nhọ mình và dọa xử lý kỷ luật. Điều này đã khiến cho mối quan hệ giữa VPF với các CLB càng trở nên căng thẳng.
Những ngày qua, 6 CLB gồm HAGL, Bình Dương, Sông Lam Nghệ An, Hải Phòng, Quảng Nam đã có văn bản đề nghị tổ chức đại hội cổ đông bất thường để bầu lại lãnh đạo VPF. Nhiều ý kiến góp ý, chỉ trích của CLB với cách điều hành của VPF thời gian qua là đúng nhưng cũng có nhiều ý kiến sai, thậm chí mạt sát cá nhân. Điều này đã gây tổn hại đến hình ảnh của các CLB và bóng đá chuyên nghiệp VN.
Lãnh đạo CLB nắm quyền điều hành giải đấu là... tai hoạ
Trong HĐQT Công ty VPF hiện nay có 7 thành viên, trong đó có 3 thành viên là đại diện cổ phần của LĐBĐVN (VFF), 4 thành viên đại diện cổ phần cho các CLB. Trong số 7 thành viên HĐQT, hiện đã có 2 thành viên "tê liệt" bởi họ đã nghỉ việc tại CLB mà họ đại diện cổ phần là ông Trần Mạnh Hùng (không còn là chủ tịch CLB Hải Phòng) và ông Lê Minh Dũng (đã nghỉ việc tại CLB Phố Hiến).
Với việc có 6 CLB đã gửi đơn đề nghị tổ chức đại hội cổ đông bất thường, theo điều lệ VPF, việc này chắc chắn phải diễn ra. Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, chủ tịch một CLB ở V-League nói: "Cách điều hành của VPF thời gian qua có nhiều cái không ổn, nhưng không thể vì thế phủ nhận hết nỗ lực của VPF và cá nhân ông Trần Anh Tú. Việc một số CLB muốn thay chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc VPF bằng người của các CLB mới là tai họa.
Một giải đấu mà chủ tịch, giám đốc công ty điều hành giải là lãnh đạo của CLB tham dự giải thì "vừa đá bóng, vừa thổi còi" liệu có đảm bảo công bằng cho các CLB khác không? Chưa kể có những thành viên nhăm nhe muốn nhảy vào điều hành VPF nhưng năng lực lại có hạn và điều này đã được kiểm chứng ở CLB mà họ điều hành. Theo điều lệ VPF, có thể mời một cá nhân không phải cổ đông tham gia HĐQT và làm chủ tịch. Thế nhưng người có khả năng thì ai chịu vào VPF?".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận