17/03/2024 06:47 GMT+7

Trần Đặng Đăng Khoa đang lang thang vòng quanh thế giới trên xe tải nhỏ

Hơn 4 tháng lên đường cùng chiếc xe tải nhỏ tên Sóc, tới nay Khoa đang dừng chân ở đảo Bali (Indonesia). Anh đã trải nghiệm Ngày im lặng của người dân hòn đảo này.

Trần Đặng Đăng Khoa check-in tại núi lửa Bromo - Ảnh: NVCC

Trần Đặng Đăng Khoa check-in tại núi lửa Bromo - Ảnh: NVCC

Trần Đặng Đăng Khoa (38 tuổi) là cái tên không xa lạ với cộng đồng yêu du lịch. Tháng 6-2020, anh hoàn tất 1.111 ngày đi vòng quanh thế giới, khắp 5 châu lục bằng chiếc xe máy mang biển số quê Tiền Giang.

Sau ba năm "gác kiếm", ngày 11-11-2023, Khoa lần thứ hai bắt đầu độc hành với giấc mơ vòng quanh thế giới. Nhưng phương tiện lần này là chiếc ô tô tải được cải tạo lại để tiện di chuyển và có thể chứa nhiều vật dụng cần thiết cho hành trình dự kiến hoàn thành sau 3 năm.

Đổi kế hoạch lưu trú vì… Ngày im lặng

Đăng Khoa giao lưu và chụp ảnh cùng hai cha con người Indonesia. Người cha dẫn con trai đến gặp Khoa để con được truyền cảm hứng theo đuổi giấc mơ làm photographer đi khắp thế giới - Ảnh: NVCC

Đăng Khoa giao lưu và chụp ảnh cùng hai cha con người Indonesia. Người cha dẫn con trai đến gặp Khoa để con được truyền cảm hứng theo đuổi giấc mơ làm photographer đi khắp thế giới - Ảnh: NVCC

Hơn 4 tháng lăn bánh, tới nay Trần Đặng Đăng Khoa đang dừng chân ở đảo Bali (Indonesia) sau khi đã đi qua Campuchia, Thái Lan, Malaysia. Hòn đảo này níu chân chàng trai Việt lâu hơn dự kiến một tuần. Anh còn có dịp dự đợt lễ hội năm mới của người dân địa phương, còn gọi là Day of Silence (Ngày im lặng) ở Bali.

"Đêm trước Day of Silence có đợt diễu hành rước quỷ Ogoh-Ogoh, khắp phố phường rất vui. Còn vào sáng mùng 1, nhà ai nấy ở, không được ra ngoài, tắt hết đèn đường cũng như trong nhà, không nói chuyện, sử dụng tivi, radio hay tạo ra âm thanh. Các cửa hàng hay phương tiện giao thông công cộng đều không được hoạt động. Hãng viễn thông của nhà nước cũng tạm ngắt kết nối. Cả hòn đảo chìm trong bóng tối và sự tĩnh lặng tuyệt đối để người dân ngồi thiền và quán chiếu bản thân.

Cảm giác không khác gì mấy đợt lockdown trong mùa dịch, chỉ có mấy anh chàng pecalang như kiểu dân phòng là tuần tra ở ngoài coi có ai vi phạm không", Khoa viết. 

Đợt này, Khoa đi thêm những cung đường mới, tới những chỗ trước kia chưa từng đi. Không còn đi đường dành riêng cho xe máy, chiếc xe tải nhỏ mang biển số Việt Nam với vẻ ngoài trang trí bắt mắt thu hút sự chú ý của những người cùng lưu thông trên đường hay khi dừng xe. Người ta chụp ảnh, tìm đến và bình luận vui vẻ Facebook hay YouTube của Khoa nhờ vào logo dán ngoài xe.

Khoa cũng giao lưu, kết bạn với nhiều người dân và nhận được sự hỗ trợ hết mình. "Vui nhất là đi tới những nơi mình chưa được đến, có thêm nhiều bạn mới rất dễ thương. Gặp lại những người bạn cũ, họ rất bất ngờ khi mình vẫn chưa lập gia đình, giờ lại lang thang một mình khắp thế giới", anh nói.

Tốn nhiều tiền gửi xe qua các đảo

Trong hành trình đi khắp thế giới bằng xe tải nhỏ, Khoa gặp một số trở ngại như thời tiết không tốt, mưa nhiều ở khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh thời tiết, chi phí gửi xe tải từ nước này sang nước khác được xem là thử thách, là một khoản chi tiêu không nhỏ.

Khác với lần đi phượt bằng xe máy về phía tây theo hướng mặt trời lặn và có thể chạy xe liên tục, lần này Khoa đi về phía đông, qua nhiều quốc đảo nên giai đoạn đầu phải gửi xe nhiều chặng và mất kha khá thời gian chờ lấy xe.

Anh cho biết mỗi lần gửi xe qua nước khác tốn khá nhiều tiền, chẳng hạn từ Malaysia qua Indonesia hết gần 3.000 USD. Sắp tới anh còn phải gửi xe từ Đông Timor qua các nước Úc, New Zealand, Panama. "Xong mấy chặng đó thì có thể đi liên tục từ Trung Mỹ, Bắc Mỹ và châu Âu. Lúc đó mới đỡ tốn tiền gửi xe", Khoa nói.

Chiếc ô tô tải được đặt tên Sóc, mang biển số Việt Nam sẽ cùng Khoa lăn bánh khắp thế giới - Ảnh: NVCC

Chiếc ô tô tải được đặt tên Sóc, mang biển số Việt Nam sẽ cùng Khoa lăn bánh khắp thế giới - Ảnh: NVCC

Một điều khác, khi tới những nước quy định chạy xe làn bên trái như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Khoa cho biết nếu chạy bên trái thì vô lăng nằm bên phải giống như xe của nước sở tại. Khi muốn vượt, quan sát bên phải có trống hay không.

"Chạy làn trái, khi từ đường nhỏ ra đường lớn phải nhìn bên phải trước, ngược lại với Việt Nam. Mà do tầm quan sát bên phải ít nên cố gắng giữ chiếc xe vuông góc với đường chính nhiều nhất có thể để quan sát xe mình nhập làn hoặc rẽ hướng.

Tôi có gắn thêm gương chiếu hậu phụ để giảm hết mức điểm mù. Ngồi bên vô lăng không thuận tay, điểm mù càng nhiều thì phải gắn gương phụ, khi quẹo thì xi nhan thật sớm để người ta chủ động né mình, sau đó mới chuyển hướng từ từ", anh kể.

Trước đây khi vòng quanh thế giới bằng xe máy, Khoa đã trải nghiệm chạy xe làn bên trái ở nhiều nước. "Nhưng hồi đó chạy xe máy, cầm lái ngồi ở giữa thì lái làn nào cũng không khác gì. Lần này đi xe bốn bánh, vô lăng độc lập một bên nên tôi có chút bỡ ngỡ, nhưng sau đó cũng thích nghi nhanh, vẫn chạy tốt", anh nói.

Anh chia sẻ thêm, chạy xe hơi có nhiều thứ phải lo hơn, phải chú ý kỹ vấn đề máy móc, xe cộ, trên đường hư hỏng gì cũng mệt hơn xe máy nhiều nhưng bù lại có chỗ ngủ trong xe, cần thì ngủ không phải mất tiền nhiều.

"Xe hơi mang được nhiều đồ, giặt đồ, nấu ăn, có điện năng lượng mặt trời, có thể mang đồ ra cắm trại hoặc ở trong xe lâu hơn mà vẫn thoải mái. Cần Wi-Fi làm việc, tôi sẽ thuê khách sạn để ngủ qua đêm", anh cho hay.

Trong hành trình này, Khoa xác định sống đơn giản và đi được tới đâu thì tới - Ảnh: NVCC

Trong hành trình này, Khoa xác định sống đơn giản và đi được tới đâu thì tới - Ảnh: NVCC

Mỗi ngày đều là cuộc phiêu lưu mới

Theo Khoa, hành trình ở tuổi gần 40 có một số khác biệt so với chuyến đi hồi mới qua tuổi 30. "Đợt trước tôi đã xong giấc mơ vòng quanh thế giới rồi, đợt này đi tiếp mà bằng phương tiện khác, con đường khác, với tâm thế khác là nhẹ nhàng, tình cảm và ngẫm nghĩ nhiều hơn, không đi vội vàng và nhiệt huyết như trước.

Nhưng điều đó không có nghĩa tình yêu du lịch sẽ giảm đi, mà chỉ đổi sang cách khác", anh tâm sự. 

Anh bảo, đợt trước chỉ trong 5 tháng đã đi từ Việt Nam sang đến Paris (Pháp). Còn giờ đã đi được 4 tháng, song anh vẫn còn ở khu vực Đông Nam Á.

Anh cũng nói thêm rằng khi nào visa hết hạn, trong thời gian đợi gia hạn sẽ tranh thủ bay về nhà dịp Tết hoặc hè thăm gia đình.

"Hồi đó chỉ nghĩ đi vòng quanh thế giới một lần rồi thôi, chắc mấy chục năm nữa mới đi lại như vậy được. Nhưng không ngờ sau 3 năm lại có thể lên đường, sống những ngày tháng tươi đẹp khi không biết đêm nay ngủ ở đâu, ngày mai sẽ có chuyện gì. 

Mỗi ngày đều là cuộc phiêu lưu mới, được đi chơi, gặp người này người kia. Tôi hạnh phúc với từng ngày trôi qua", chàng trai quê Tiền Giang bày tỏ.

Trần Đặng Đăng Khoa kiếm tiền như thế nào để đi vòng quanh thế giới?

Trần Đặng Đăng Khoa cho biết kinh phí đi vòng quanh thế giới đến từ travel blogger - công việc anh đã gắn bó nhiều năm nay. Bên cạnh đó, anh còn làm nhà sáng tạo nội dung, chụp ảnh, quay phim và là gương mặt đại diện cho một số nhãn hàng.

Gần đây, anh đẩy mạnh kênh YouTube cá nhân để mọi người cùng đồng hành, theo dõi từng chuyến đi và những ai có ý định đi tương tự có thể tham khảo.

"Tôi có làm một số việc tay trái tại nước mình đang đi, nhưng làm freelance qua online vì visa của mình là dạng du lịch chứ không phải visa làm việc.

Cũng như đợt đi bằng xe máy, tôi xác định đi được tới đâu thì tới, không mua sắm gì đắt tiền, chỉ chi những thứ đủ nhu cầu cơ bản".

Chuyến phượt xe máy của Trần Đặng Đăng Khoa lên báo Hà LanChuyến phượt xe máy của Trần Đặng Đăng Khoa lên báo Hà Lan

TTO - Khi tới thành phố Oene (Hà Lan), chàng trai 30 tuổi quê Tiền Giang nhận được sự chú ý của một tờ báo nước này nhờ khuôn mặt châu Á, chiếc xe máy lỉnh kỉnh đồ đạc và câu chuyện phi thường.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp