27/01/2022 08:04 GMT+7

'Trận chiến mơ hồ' về Ukraine

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Sau khi đặt 8.500 binh sĩ vào trạng thái cảnh giác cao độ, Tổng thống Mỹ Joe Biden quay về bài gây sức ép kinh tế với Nga. Ở chiều ngược lại, Matxcơva tăng tốc chuẩn bị tập trận với Belarus và tìm đối sách nếu phương Tây trừng phạt kinh tế.

Trận chiến mơ hồ về Ukraine - Ảnh 1.

Nguồn: AP - Dữ liệu: Duy Linh - Đồ họa: TUẤN ANH

Trong khi đó, các lãnh đạo châu Âu tất bật điện đàm để hiểu rõ quan điểm của nhau về vấn đề Ukraine. Một số nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tỏ ra miễn cưỡng, tuyên bố sẽ rút quân khỏi tổ chức này nếu NATO đưa quân tham chiến tại Ukraine.

Răn đe bằng sự mơ hồ

Dù cả Nga và phương Tây đều có các động thái quân sự như di chuyển quân nhân và khí tài, đặt một số đơn vị vào trạng thái "chờ", giới phân tích tin rằng kịch bản Nga tấn công Ukraine là không khả thi lúc này. Ngay cả các lãnh đạo đương nhiệm của Ukraine cũng thừa nhận việc Matxcơva "xâm lược" sẽ không xảy ra ngay lập tức dù Kiev liên tục kêu gọi NATO chuyển vũ khí phòng thủ.

Phát biểu trước quốc dân vào ngày 25-1, Tổng thống Volodymyr Zelensky kêu gọi người dân không nên hoảng sợ và nhấn mạnh đất nước đủ mạnh để chống lại các âm mưu gây mất ổn định. Nhà lãnh đạo 44 tuổi cũng tiết lộ việc Mỹ, Anh, Đức và Canada rút một số nhân viên ngoại giao khỏi Ukraine không nhất thiết là chỉ dấu cho thấy căng thẳng sắp leo thang thành xung đột. "Đó là một phần của trò chơi ngoại giao đầy phức tạp", ông Zelensky trấn an.

Matxcơva thừa hiểu những điều trên và tin rằng phương Tây đang cố tình khiến tình hình có vẻ như căng thẳng để có lý do củng cố sức mạnh quân sự của Kiev. "Trẻ em, người già, phụ nữ sẽ tiếp tục chết ở phía đông Ukraine khi chính quyền Kiev tiến hành một cuộc chiến không báo trước nhằm vào họ thêm nhiều năm nữa", phó đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Gennady Kuzmin nói về việc phương Tây đang ngụy tạo "mối đe dọa từ Matxcơva" để đưa vũ khí vào Ukraine và cổ vũ các hành động vi phạm thỏa thuận Minsk giữa Kiev với quân ly khai miền đông giáp Nga.

Cho đến lúc này, Mỹ và các đồng minh châu Âu vẫn chưa nói rõ sẽ làm gì nếu Nga tấn công Ukraine. Tất cả chỉ mới dừng ở việc tuyên bố họ sẽ đoàn kết, rằng Nga sẽ lãnh hậu quả lớn nếu phiêu lưu quân sự.

Tổng thống Mỹ Biden đã làm rõ hơn một chút cảnh báo hôm 25-1 khi tuyên bố sẽ cân nhắc khả năng trừng phạt người đồng cấp Putin nếu Matxcơva "xâm lược" Ukraine. Tuy nhiên, bấy nhiêu đó vẫn còn quá mơ hồ. Nói như Hãng tin AP, phương Tây muốn ông Putin tự lường trước hậu quả và tự kiềm chế hành động thay vì nói rõ sẽ làm gì. Điều này không khác gì một chiến lược răn đe đối thủ bằng sự mơ hồ.

Khí đốt - đòn bẩy của Nga

Ngày 25-1, một số quan chức trong chính quyền Biden tiết lộ các quan chức Mỹ và châu Âu đang hợp tác với các nhà cung cấp khí đốt tự nhiên trên toàn cầu để giảm bớt tác động nếu Nga cắt nguồn cung cho lục địa này khi xung đột với Ukraine. Sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt Nga là điều khiến Mỹ và đồng minh trăn trở, tranh cãi suốt nhiều năm qua.

Theo một quan chức của chính quyền Biden, trong trường hợp tệ nhất, châu Âu có thể tìm đến các nguồn cung khí đốt tự nhiên ở Bắc Phi, Trung Đông, châu Á hay Mỹ. Tuy nhiên, người châu Âu có thể phải mất nhiều sức hơn tìm kiếm nguồn cung đủ để bù đắp cho sự thiếu hụt từ Nga.

Khí đốt thực sự có thể là lá bài để Nga thương thảo với Mỹ và châu Âu. Matxcơva cũng đang chuẩn bị cho kịch bản bị đẩy ra khỏi hệ thống tài chính quốc tế SWIFT. Theo đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrey Denisov, Nga đang đẩy nhanh việc chuyển các giao dịch từ ngoại tệ sang nội tệ để tránh cú sốc dù ông tin rằng cộng đồng quốc tế sẽ không thể loại Nga khỏi SWIFT.

Dưới thời ông Donald Trump, Mỹ đã cố gắng ép châu Âu mua khí đốt hóa lỏng và đe dọa trừng phạt những công ty tham gia dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 từ Nga sang Đức. Tuy nhiên, dự án vẫn hoàn thành và đang là mối lo ngại lớn tại cả châu Âu lẫn Washington. "Bất kỳ động thái trừng phạt nào, dù là của Mỹ hay châu Âu, đều để lại hậu quả với những nước khác bao gồm cả Mỹ", Ngoại trưởng Antony Blinken thừa nhận hồi đầu tuần này.

Ông Biden: Ông Putin có thể bị trừng phạt nếu Nga Ông Biden: Ông Putin có thể bị trừng phạt nếu Nga 'xâm lược' Ukraine

TTO - Ngày 25-1, phương Tây tăng cường chuẩn bị ứng phó với bất cứ hành động quân sự nào của Nga tại Ukraine, bao gồm việc Tổng thống Mỹ Joe Biden nói sẽ cân nhắc trừng phạt người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp