Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nghe giới thiệu các dự án khởi nghiệp của các bạn trẻ tại lễ phát động - Ảnh: Quang Định |
Phó bí thư trường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang nói TP.HCM vốn dĩ đã là môi trường khởi nghiệp sôi nổi từ hơn 20 năm trước, từ những chiếc bút bi sản xuất thô sơ, gạch bông làm thủ công hay xưởng bánh nhỏ, để hôm nay nhiều thương hiệu quốc gia xuất phát từ TP.HCM như Bút bi Thiên Long, Gạch Đồng Tâm, Bánh kẹo Kinh Đô...
Tôi cho rằng mỗi bạn cần có khát vọng chiếm lĩnh đỉnh cao khoa học công nghệ để có thể đi vào kinh tế tri thức và hội nhập ngày càng sâu rộng. Đó còn phải là khát vọng lập thân, lập nghiệp, tự làm chủ và đứng trên đôi chân của chính mình |
Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM TẤT THÀNH CANG |
Nuôi dưỡng ước mơ
Quỹ đầu tư khởi nghiệp và sáng tạo TP.HCM do Hội LHTN VN TP.HCM phối hợp cùng Công ty Đầu tư tài chính nhà nước (HFIC) sáng lập sẽ được hình thành với nguồn vốn giai đoạn 2016-2020 khoảng 100 tỉ đồng.
Trong đó, giai đoạn đầu sẽ là 30 tỉ đồng, do HFIC vận động đầu tư. Nguồn quỹ thứ hai của Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM thành lập là Quỹ sáng tạo và khởi nghiệp và sẽ hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp về vốn đầu tư, cả đào tạo kiến thức liên quan.
Ông Phạm Phú Quốc - tổng giám đốc HFIC - hi vọng sự bắt tay này sẽ thêm cơ hội chắp cánh cho những dự án khởi nghiệp vươn xa hơn. Trong khi đó, chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM Nguyễn Thu Phong cho biết bước đầu đã có 20 doanh nhân uy tín của TP cam kết tham gia hỗ trợ cả hiện kim, kinh nghiệm và sẵn sàng đào tạo cho các bạn trẻ cùng khởi nghiệp.
“Doanh nhân trẻ TP sẽ sát cánh để xây dựng các trụ cột của hệ sinh thái khởi nghiệp. Tôi mong các bạn nuôi dưỡng ước mơ khởi nghiệp, tiếp thu kinh nghiệm từ người đi trước và kỳ vọng nhiều năm sau từ chính những bạn trẻ đang ngồi đây sẽ là những doanh nhân thành đạt” - anh Thu Phong chia sẻ.
Ông Tất Thành Cang cam kết lãnh đạo, các sở ban ngành của TP sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về vốn, cơ chế về đầu tư để xây dựng mạng lưới hoạt động hiệu quả cho sự phát triển của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trẻ.
“Vì sự phát triển của doanh nghiệp là sự phát triển của TP, thương hiệu doanh nghiệp mạnh mẽ sẽ là thương hiệu trên thương trường của TP chúng ta” - ông Cang phát biểu.
Phát động chương trình khởi nghiệp
Phát động chương trình, Bí thư Thành đoàn Nguyễn Mạnh Cường cho biết có bốn nhóm giải pháp để hiện thực hóa chương trình này.
“Chương trình sẽ phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như sự hỗ trợ của các doanh nghiệp trẻ để những dự án khởi nghiệp có cơ hội tham gia các cuộc thi về khởi nghiệp ở tầm khu vực, quốc tế” - anh Cường thông tin.
Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp 2016 cũng đã được Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp phát động chiều qua. Cuộc thi sẽ diễn ra trên phạm vi cả nước, với một số trung tâm lớn như TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng. Trong đó, giải thưởng dành cho cá nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp đoạt chức vô địch lần lượt sẽ là 100 triệu đồng và 200 triệu đồng cùng nhiều giải thưởng khác.
Tại lễ phát động, hai dự án “Xếp hàng khám bệnh thông minh” của Nguyễn Khoa Tuấn Anh và “Vé điện tử” của Đoàn Thiên Phúc là hai dự án khởi nghiệp được nhận bảo trợ với số tiền 100 triệu đồng/dự án. Trong đó, HFIC bảo trợ dự án của Nguyễn Khoa Tuấn Anh, còn Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM bảo trợ dự án của Đoàn Thiên Phúc.
Không xem khởi nghiệp như một phong trào Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho rằng cái cần nhất mà chính quyền TP có thể làm ngay cho cộng đồng khởi nghiệp trẻ là chủ động tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp. Ở đó, các cơ chế về đào tạo, tư vấn, điều kiện làm việc, các cơ chế chính sách liên quan cần được minh bạch và thông thoáng nhất. “Việc hỗ trợ này cũng cần được dành cho cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, bởi cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp kia sẽ nhìn thấy tương lai của họ là gì thông qua hình ảnh các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hiện diện. Nếu doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển tốt thì các bạn khởi nghiệp trẻ sẽ có thêm niềm tin và động lực để nung nấu ý chí phát triển của mình” - ông Quỳnh nhấn mạnh. Ông Quỳnh cũng lưu ý đừng xem khởi nghiệp như là một phong trào, “bởi không phải ai cũng có thể trở thành doanh nhân, doanh nghiệp”. Trong khi những yếu tố cần nhất cho người khởi nghiệp chính là phải có sự chuẩn bị, biết đánh giá đúng năng lực bản thân, xác định được con đường, phương án kinh doanh nào hiệu quả, tìm được cộng sự phù hợp với mục tiêu phát triển với một tầm nhìn dài hạn. “Nếu có đầy đủ những yếu tố này hẳn nên tự tin khởi nghiệp. Vì vốn không quan trọng. Mà chính con người để cùng thực hiện các ý tưởng đã hình thành đó mới thật sự quan trọng cho những bước đầu khởi nghiệp” - ông Quỳnh chia sẻ. Ông Cao Tiến Vị, tổng giám đốc Công ty CP Giấy Sài Gòn, cho hay các nước phát triển phần lớn đều có doanh nghiệp vừa, nhỏ, nên họ chọn sản phẩm độc đáo để cạnh tranh toàn cầu. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay cho công cuộc khởi nghiệp, theo ông Vị, là giáo dục trong nước chưa cho thanh niên đủ kiến thức để có phương pháp, sự tự tin cùng sự năng động tìm kiếm cơ hội cho mình phát huy tiềm năng. Theo ông Đỗ Long, tổng giám đốc Công ty sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân (Bita’s), với kinh nghiệm hàng chục năm trên thương trường, ông thấy rằng thất bại của các khởi nghiệp mà ông chứng kiến phần lớn đến từ thiếu sự liên kết, thiếu thông tin cũng như thiếu kiến thức từ phía những người khởi nghiệp trẻ. Thậm chí, trào lưu đổ xô kinh doanh vào một lĩnh vực mà đã có nhiều người cùng tham gia cũng dễ đi đến thất bại, nếu người khởi nghiệp không có kiến thức chuyên môn, không đối tác đối trọng để đi cùng con đường khởi nghiệp với mình. “Là một quốc gia nông nghiệp nhưng vì sao VN không có nhiều ý tưởng khởi nghiệp từ nông nghiệp để kết nối nhà nông với thị trường, trong khi các ý tưởng khởi nghiệp phần lớn chỉ tập trung vào lĩnh vực công nghệ thông tin?” - ông Long trăn trở. |
Chìa tay đúng lúc Anh Phạm Lê Tuấn Nghĩa, giám đốc Công ty Phinn Sài Gòn, có ba năm khởi nghiệp từ việc bán cà phê pha phin lưu động, giao tận nơi cho khách hàng bằng xe máy với số tài sản ban đầu vỏn vẹn 120 triệu đồng. Đến nay, dù đã gầy dựng được đội xe giao cà phê 40 chiếc, chưa kể 4 xe lam rất phong cách phục vụ cho việc quảng bá thương hiệu trên đường phố (tương ứng với trên 3 tỉ đồng), điều mà anh Nghĩa thấm thía và thấy cần nhất cho suốt quá trình khởi nghiệp của mình vẫn là “sự hỗ trợ, ủng hộ từ các cấp chính quyền, về tất cả mọi mặt”. Anh Nghĩa cho rằng dù Phinn Sài Gòn có được ý tưởng là bán cà phê pha phin giao tận nơi cho khách, nhưng việc không có vốn đã khiến cho kế hoạch khởi nghiệp của anh Nghĩa có nguy cơ “đứt gánh” ngay từ những ngày đầu. “Cũng may là tôi nhận được sự hỗ trợ không chỉ về vốn, mà còn về kinh nghiệm rất quý báu của chị Trương Lý Hoàng Phi, giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP.HCM (BSSC), về phương thức quản lý và kinh doanh trên số tiền 150 triệu đồng đã vay, nên mới có được Phinn Sài Gòn như hôm nay” - anh Nghĩa bộc bạch. Theo anh Nghĩa, thuyết phục được vay vốn đã khó, nhưng cần có phương án kinh doanh thế nào để trả được số tiền đã vay cũng không kém phần quan trọng. Tháng 5 tới đây, Phinn Sài Gòn sẽ có bước tiến mới khi tung ra thị trường hai sản phẩm rất quan trọng là app đặt hàng qua điện thoại cho khách và cà phê phin bằng ly giấy. “Nếu được hệ thống các siêu thị hỗ trợ, Phinn Sài Gòn sẽ có đầu ra một cách vững chắc hơn. Vì những người khởi nghiệp trẻ như chúng tôi luôn rất cần những bàn tay chìa ra để hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm” - anh Nghĩa nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận