Làn thu phí tự động không dừng ETC tại trạm thu phí qua cầu Cổ Chiên (Trà Vinh) trên quốc lộ 60 - Ảnh: T.T.D.
Tổng cục Đường bộ VN đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT cho tạm dừng thu phí đối với các nhà đầu tư BOT không triển khai hệ thống ETC. Nhưng với cơ chế hiện tại, nguy cơ người dân phải bỏ thêm tiền, nhà đầu tư BOT được tăng thời gian thu phí đang hiện hữu.
Không ảnh hưởng đến dân?
Theo Tổng cục Đường bộ VN, đến thời điểm này chỉ mới có Công ty TNHH thu phí tự động VETC triển khai dự án ETC. Ngoài ra, dự án của Công ty CP đầu tư công nghệ và hạ tầng Vietin (Vietinf) do VietinBank tài trợ vốn cũng đã được Ban quản lý dự án 2 trình Bộ GTVT phê duyệt.
Ông Nguyễn Viết Huy - phó vụ trưởng Vụ đối tác công tư Bộ GTVT - cho biết theo quy định hiện hành, Vietinf chưa phải là nhà đầu tư ETC.
Nhưng theo thông tin chúng tôi nắm được, Vietinf đã tiến hành chào mời các chủ đầu tư có trạm thu phí ký hợp đồng lắp đặt thiết bị ETC. Vietinf tính lãi suất vốn vay là 10,5% và đề nghị tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là 11,5%.
Công ty TNHH thu phí tự động VETC đã được Bộ GTVT duyệt cho thực hiện 32 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên với tổng vốn đầu tư 1.524 tỉ đồng. VETC cũng tính toán mức lợi nhuận khoảng 11%.
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, khi chuyển từ thu phí thủ công sang ETC, sẽ không được làm tăng mức thu. Câu hỏi đặt ra là: "VETC và Vietinf (nếu được Bộ GTVT chọn) sẽ thu hồi vốn và lợi nhuận bằng cách nào?".
Ông Nguyễn Văn Huyện - tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN - cho biết tại các dự án BOT nhà đầu tư được hưởng tiền tổ chức thu phí hiện hành (chiếm từ 3-12% doanh thu). Nhà đầu tư BOT và nhà đầu tư ETC sẽ chia nhau khoản thu này.
Nói như vậy có nghĩa hai nhà đầu tư ETC bỏ ra 3.700 tỉ đồng không ảnh hưởng gì đến người dân, chỉ là chia bớt túi tiền của nhà đầu tư BOT mà thôi?
Ngày càng nhiều xe qua làn thu phí tự động (ảnh chụp tại trạm thu phí trên quốc lộ 13 đi qua tỉnh Bình Dương) - Ảnh: T.T.D.
Phương án dự phòng: kéo dài thời gian thu phí?
Thực tế, theo các tài liệu chúng tôi có được, các cơ quan chức năng của Bộ GTVT đã tính sẵn phương án đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư BOT lẫn ETC trong trường hợp phương án tài chính bị sự cố.
Tại tờ trình ngày 22-8-2017, Ban quản lý dự án 2 cho biết Vietinf tính thu phí bằng 100% phí quản lý thu của các hợp đồng BOT. Tuy nhiên, thực tế Công ty VETC chỉ thỏa thuận được với các chủ dự án BOT thu được 50% phí quản lý thu của các dự án BOT. Chính vì thế ông Bùi Văn Rạng - phó giám đốc Ban quản lý dự án 2 - đề xuất:
"Trường hợp giá dịch vụ thu phí không đạt được như phương án tài chính, kiến nghị Bộ GTVT có giải pháp, như: bổ sung thêm trạm thu phí cho dự án, kéo dài thời gian thu phí...".
Trả lời Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Văn Huyện thừa nhận: "Trong trường hợp không đủ để thu hồi vốn cho nhà đầu tư thu phí tự động không dừng, Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ cho điều chỉnh phương án tài chính dự án BOT để đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên".
Ông Nguyễn Mạnh Hà - tổng giám đốc Công ty VETC - xác nhận ông có quan ngại khi chỉ được nhà đầu tư BOT chia 50% chi phí quản lý thu phí. Tuy nhiên ông vẫn tự tin kế hoạch tài chính được đảm bảo vì Chính phủ đã có chủ trương mở rộng triển khai thu phí không dừng.
"Với 3,2 triệu ôtô đã đăng ký và tốc độ tăng trưởng 6,5% tại VN và 15% tại các thành phố lớn, VETC tin doanh thu VETC đảm bảo tăng trưởng tương xứng" - ông Hà nói.
Nên giao luôn nhà đầu tư ETC thu phí
TS Phạm Sanh (chuyên gia giao thông) nói dự án ETC sẽ làm tổng vốn đầu tư trên các dự án BOT tăng lên. Cùng thời điểm này các chủ đầu tư BOT bị dân phản ứng nên phải giảm mức thu từ 20-30%.
Mặt khác, nhà đầu tư ETC chỉ thu được 50% chi phí quản lý thu của dự án BOT nên có khả năng bị vỡ phương án tài chính. Trường hợp này xảy ra, Nhà nước sẽ phải điều chỉnh phương án tài chính của dự án BOT để đảm bảo thu hồi vốn, trả lãi và có lời.
"Theo tôi, Bộ GTVT cần làm theo thông lệ quốc tế, đó là cho nhà đầu tư ETC đảm nhận việc thu phí dự án BOT. Khi đó nhà đầu tư BOT không làm gì cả. Nhà nước sẽ thanh toán hoàn vốn và lãi cho họ đầy đủ. Làm như vậy sẽ minh bạch hơn" - ông Sanh nói.
Nên miễn phí chuyển tiền
Hiện VETC đã triển khai ba hình thức nạp tiền vào tài khoản ETC. Nếu nạp tiền trực tiếp tại các điểm dịch vụ VETC thì được miễn phí; nạp tiền qua tài khoản ngân hàng và trên cổng thông tin website, ứng dụng di động VETC, khách hàng phải chịu phí dịch vụ.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà (tổng giám đốc Công ty TNHH VETC), khi khách hàng nạp tiền vào tài khoản giao thông, ngân hàng sẽ đóng băng số tiền đó lại, không bên nào được sử dụng, chỉ có khách hàng được sử dụng để trả phí đường bộ.
Ông Nguyễn Văn Thanh (chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô VN) cho rằng nên miễn phí chuyển tiền vào tài khoản giao thông.
ETC là gì?
Mô hình làn thu phí tự động không dừng ETC
Tất cả trạm thu phí ETC trong cả nước đều sử dụng công nghệ RFID (Radio Frequency Identification). Đây là công nghệ giao tiếp sử dụng sóng radio giữa các thiết bị điện tử.
Cả VETC lẫn dự án của Vietinf cũng đều sử dụng đồng bộ công nghệ RFID tại các trạm thu phí ETC và được kết nối liên thông với nhau.
Vì thế xe có thể chạy một lèo từ Nam ra Bắc, qua tất cả trạm ETC mà không cần dừng lại mua vé hay thanh toán phí như hiện nay. Mỗi lần qua trạm ETC, hệ thống sẽ tự động trừ tiền trong tài khoản trả trước của chủ xe.
Đến nay đã có khoảng 200.000 thẻ E-tag của VETC được dán cho phương tiện và đã có 12 trạm thu phí BOT khai thác làn ETC.
Đến cuối năm nay sẽ có 27 trạm và trong năm 2018 hầu hết các trạm thu phí trên quốc lộ 1, cao tốc và đường Hồ Chí Minh sẽ thu phí tự động không dừng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận