Ông Nguyễn Văn Tiến, ở xóm 10, xã Cẩm Minh bức xúc: “Nếu không giảm 100% phí đường cho dân thì đề xuất di dời trạm thu phí đi nơi khác” - Ảnh: Văn Định |
Sáng 21-4, tại hội trường xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), đại diện chủ đầu tư đường BOT tuyến tránh TP Hà Tĩnh đã trực tiếp đối thoại với người dân về việc thu phí đường ở trạm thu phí cầu Rác.
Đi thắp hương cũng mất phí
Tại buổi đối thoại, người dân cho rằng đặt trạm thu phí BOT ở cầu Rác là bất cập. Nhiều người không đi tuyến đường này vẫn chịu phí “oan”.
Ông Nguyễn Văn Thảo, ở xã Cẩm Trung, nói từ khi có trạm thu phí cầu Rác, người dân sống hai đầu trạm thu phí này đưa con đi học, làm đồng hay đi thắp hương cho cha mẹ cũng phải mất phí đường.
Ông Trần Văn Bình, ở xóm 8, xã Cẩm Minh (Cẩm Xuyên) cho rằng mỗi lần ông lái xe ben (6 tấn) chở đất thuê là phải đóng 150.000 đồng (hai lượt) cho trạm thu phí cầu Rác.
“Trạm thu phí này đã thu phí oan của người dân lâu lắm rồi. Giờ chủ đầu tư phải giảm 100% phí cho người dân Cẩm Xuyên và Kỳ Anh. Nếu không thì di dời trạm thu phí này đi nơi khác”, ông Bình nói.
Ông Lương Văn Sơn - Chủ tịch Công ty hạ tầng Sông Đà (đứng) cho rằng chủ đầu tư không có thẩm quyền giảm 100% phí đường cho người dân - Ảnh: Văn Định |
“Chủ đầu tư không có thẩm quyền”
Nhiều người thắc mắc tại sao đặt trạm thu phí cách đường BOT hơn 30km. Hiện nay một số trạm thu phí đã miễn phí cho người dân, vậy chủ đầu tư tuyến tránh TP. Hà Tĩnh có miễn phí không…
Sau một loạt kiến nghị của người dân, ông Lương Văn Sơn - Chủ tịch Công ty hạ tầng Sông Đà, giải thích trạm thu phí cầu Rác là trạm thu phí đường bộ cũ.
Chủ đầu tư lấy trạm thu phí này để thu phí cho tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, đồng ý. Nếu đầu tư thêm trạm thu phí ở trên đường BOT sẽ tốn kinh phí thì kéo dài thời gian thu phí của dự án.
Bên cạnh đó ông Sơn cho biết, năm 2009 chủ đầu tư đã đề xuất lên Bộ Giao thông vận tải giảm 50% phí đường cho người dân sống ở khu vực trạm thu phí cầu Rác.
“Gần đây, ngày 17-4, chủ đầu tư lại tiếp tục đề xuất giảm 50% phí đường cho người dân. Việc làm này đã vượt quy định nhưng vẫn chưa được chấp thuận”, ông Sơn khẳng định.
Cuộc đối thoại nóng lên khi người dân cho rằng chủ đầu tư đề xuất giảm 50% phí đường là chưa thuyết phục. Ông Nguyễn Văn Tiến, ở xóm 10, xã Cẩm Minh bức xúc: “Nếu không giảm 100% phí đường cho dân thì đề xuất di dời trạm thu phí đi nơi khác”.
Trước phản ứng này, ông Sơn cho rằng chủ đầu tư không có quyền giảm 100% phí đường cho dân. Những ý kiến này sẽ được chủ đầu tư ghi nhận, phản ánh lên các cơ quan có thẩm quyền để sớm giải quyết các nguyện vọng của người dân.
Năm 2005, Tổng công ty một thành viên hạ tầng Sông Đà đầu tư đường BOT tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh với chiều dài 16km. Đến nay sau quá trình nâng cấp, sửa chữa, dự án đường BOT này có tổng kinh phí đầu tư hơn 800 tỉ đồng. “Hiện nay chúng tôi đang nợ ngân hàng khoảng 200 tỉ đồng và dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc thu phí. Toàn bộ việc thu phí đều được cơ quan có thẩm quyền giám sát, kiểm tra”, ông Sơn cho hay. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận