Ngày ngày người dân vẫn qua lại ô vòm trên phố Nguyễn Thiệp, phường Đồng Xuân
Một bức tường thành dài có những ô vòm bị bịt kín với những đường kẻ hình ngũ giác mạnh mẽ.
Các ô vòm đó từ xưa được đánh số từ 1 đến 132, là những khoang rỗng của cầu cạn cho đường sắt do người Pháp xây dựng, nối từ phố Phùng Hưng qua phố Gầm Cầu về ga Long Biên. Những vòm ấy gắn liền với ký ức của người Hà Nội. Sau này, các vòm bị bịt kín nhiều chục năm và UBND TP Hà Nội đang nghiên cứu để có thể mở thông lại các ô vòm, lấy không gian phục vụ các sinh hoạt cộng đồng. Và người thủ đô đang hình dung về điều đó...
Ông Nguyễn Văn Vận làm nghề sửa quạt ở khu ô vòm. Rất nhiều người nghèo chọn nơi đây kiếm sống như ông - Ảnh: QUANG THẾ
Ký ức
Bà Đinh Thị Sâm - nhà ở số 5 phố Hàng Hương, phường Hàng Mã, nay đã 84 tuổi - nói: "Gia đình tôi sống bốn đời trên con phố này, nên từ lúc tôi sinh ra đã thấy ô vòm trước nhà. Thời kỳ Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc ác liệt vào năm 1972, cứ nghe tiếng kẻng là chúng tôi vào ẩn nấp. Trên đầu tàu vẫn chạy xình xịch tiếp viện vũ khí, nhu yếu phẩm cho miền Nam". Ô vòm thực chất là một cây cầu cạn, là đường sắt cho tàu hỏa chạy qua nên người Pháp xây dựng rất kiên cố.
Phố Hàng Hương lúc này có khoảng 60 hộ dân sinh sống, nối phố Phùng Hưng với phố Lý Nam Đế. Vào những năm cuối 1960 đầu 1970, ô vòm còn là nơi tá túc cho hàng chục gia đình gốc Hà Nội đi làm kinh tế mới ở Tây Bắc trở về. Mỗi ô là một nhà. Có nhà chiếm 2 ô. Nấu nướng, giặt giũ, bếp núc đều ở đó. Họ sống, sinh hoạt như một khu phố. Có cả nuôi gà.
Bên ngoài ô vòm được che bằng một tấm phên nứa, trên nóc căng bạt chống nước rỉ xuống. Ông Nguyễn Luận (ở ngã tư Phùng Hưng - Hàng Mã) nhớ lại: sau này, một số người có nhà mới nên bán lại vòm cho người khác, kiểu như sang tay bây giờ.
Ông Nguyễn Luận nói kỷ niệm đáng nhớ nhất với dân cư ô vòm đá có lẽ là thời kỳ miền Bắc tiếp viện cho miền Nam. "Vào buổi sáng, người dân ở phố xếp thành hàng dài vẫy chào tạm biệt bộ đội trên tàu lửa hành quân vào Nam chiến đấu. Những người đi ấy có người về, có người không".
Đến khoảng đầu năm 1974, TP Hà Nội bố trí được nơi ở cho người dân thì cũng không còn ai sống trong ô vòm. Ô vòm trở thành nơi bán nước chè, xưởng gò, đúc đồng của dân làng nghề Đại Bái (Bắc Ninh). Đến mãi năm 1982, ô vòm cuối cùng đối diện phố Hàng Mã mới bị bịt lại. Bịt lại vì nhiều lý do, trong đó có lý do để bảo đảm an ninh trật tự vì khi đó không chỉ dân cư sinh sống bình thường, mà sau này cũng xuất hiện một số tệ nạn.
Khi biết tin những ô vòm đá ký ức một thời sắp được khai thông, nhiều người cao niên sống ở phố Phùng Hưng, Hàng Cót, Nguyễn Thiệp... đều mừng. Ông Luận nói: "Trả lại nguyên trạng như xưa sẽ rất đẹp".
Trăn trở của người nặng gánh mưu sinh
Nhiều người háo hức chờ ngày đục thông một số ô vòm cho Hà Nội thêm đẹp, có thêm không gian. Nhưng những người mưu sinh bên những ô vòm mấy chục năm qua có phần lo lắng. Nơi đó, nhiều người đã gắn bó phần lớn cuộc đời chật vật mưu sinh.
Ông Nguyễn Văn Vận (87 tuổi) làm nghề sửa quạt điện ở phố Gầm Cầu bảo đã gắn bó với ô vòm gần 50 năm nay. Vợ chồng ông sinh được mười người con. Nuôi được đám con phần lớn nhờ nghề sửa quạt ở chân ô vòm này. Giờ ông đã già và các con đã lớn. Tuy vậy, hay tin sẽ đục thông các vòm, giải tỏa để lấy không gian, ông lo: bây giờ không phải nuôi con nữa nhưng vẫn phải lao động kiếm sống qua ngày, không biết sống ra sao đây.
Ông Phạm Đức Hùng cũng chọn ô vòm là nơi kiếm sống từ hàng chục năm nay. Ông đồng ý đục thông sẽ tốt hơn nhưng đề xuất: mấy chục năm nay, hàng quán bên ô vòm cũng là một nét thân quen của thủ đô, tùy nơi mà vẫn giữ lại "nét" truyền thống ấy mới khai thác hết cái chất của khu ô vòm.
Trước cửa ô vòm trên phố Phùng Hưng thành bãi để ôtô. Những ô này sẽ được đục thông - Ảnh: QUANG THẾ
Đã trên trăm năm tuổi
Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết đường vòm đá dẫn lên cầu Long Biên dài 1.255m (từ phố Trần Phú đến ga Long Biên), trong đó đoạn xây đặc dài 420m, đoạn có vòm dài 835m (từ ngã tư Cửa Đông đến ga Long Biên). Có 131 nhịp vòm bao gồm 127 vòm đá, trong đó có 2 vòm đá được đục thông, gia cố từ hàng chục năm trước và 4 cầu vượt qua phố bằng kết cấu thép phục vụ giao thông đi lại.
Các vòm đá cao 2,6-5,6m, được xây dựng bằng đá từ những năm 1902 nên đã xuống cấp. Đầu những năm 1980, các nhịp vòm được gia cố bên trong bằng thép, xây tường đá bên ngoài. Một số vị trí hiện nay đã bị nứt, thấm nước ra ngoài, rêu mốc làm mất mỹ quan.
Dự kiến cuối năm 2017, TP Hà Nội triển khai thực hiện vẽ bích họa trên phạm vi 26 vòm cầu từ ngã ba phố Lê Văn Linh đến phố Hàng Cót (từ vòm số 51-76). Sau đó sẽ khai thác, sử dụng không gian bên trong các vòm đá dẫn đến đầu cầu Long Biên để tổ chức các hoạt động nghệ thuật phục vụ cộng đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận