Người ta coi việc "gánh" thêm chức năng du lịch là cách để chợ nổi tồn tại.
Có nên kết thúc vai trò chợ nổi?
Trở lại với câu chuyện của nhà nghiên cứu Nhâm Hùng, người đàn ông hay được gọi với biệt danh "chuyên gia chợ nổi" này cứ có cơ hội là lại nhắc đến chuyện tồn vong của những cái chợ trên sông nước.
"Nhiều người đặt vấn đề tranh luận với tôi về chuyện nên duy trì chợ nổi hay để nó tự sanh tự diệt theo tự nhiên", ông kể. Thậm chí có một vị rất có ảnh hưởng đã bày tỏ quan điểm với ông: "Thôi. Đường bộ phát triển rồi. Cứ để chợ nổi kết thúc vai trò của nó đi". Lần đó ông bức xúc: "Cái anh nói, ai nói cũng được".
Nhâm Hùng chia sẻ: "Ai cũng biết quy luật đường bộ phát triển thì đường sông giảm đi. Vấn đề chúng ta nghĩ và làm ở đây là cách nào để chợ nổi, một nét văn hóa đặc trưng sông nước miền Tây vẫn tồn tại, thậm chí phát triển. Nhìn sang Thái Lan, chợ nổi truyền thống họ cũng đâu có giữ được. Nhưng họ biết cách tổ chức lại. Và du lịch là một hướng tốt...
Như chợ nổi Cái Răng bây giờ đã chuyển đổi, 50% là buôn bán theo lối truyền thống, 50% còn lại chuyển sang phục vụ khách du lịch".
Theo ông, từ thực tế đó các chợ nổi phải vừa đổi mới cũng phải giữ giá trị văn hóa nguyên bản. Các giá trị đó là giá trị tự quản, giá trị giao thương, giá trị lối sống, giá trị quảng cáo... Đồng thời phải đa dạng hóa, chuyên nghiệp hóa các sản phẩm phục vụ du lịch.
"Nếu gọi là chợ nổi du lịch thì các chợ nổi đang rất nghèo về sản phẩm. Đến chợ nổi mà kiếm món ăn ngon không có, trái cây bán ở đây rất nhiều là trái cây thứ phẩm...", ông thở dài.
Trong khi đó câu chuyện chợ nổi Long Xuyên lại khác. Ông Lê Trung Hiếu, giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang, cho biết chợ nổi Long Xuyên chưa được quy hoạch, cấp phép để khai thác du lịch.
Vì chợ nổi Long Xuyên nằm trên sông Hậu thuộc Cục Đường thủy của Bộ Giao thông vận tải quản lý. Tính chất nơi này không phải là nơi thích hợp khai thác du lịch.
Người dân địa phương khai thác du lịch chủ yếu là dùng các xuồng ghe của họ đưa khách ra sông ăn sáng để ngắm cảnh bình minh bồng bềnh trên sông.
Hiện nay TP Long Xuyên đã phối hợp với các trường ĐH để viết đề án khai thác du lịch đường sông của tỉnh An Giang như chợ nổi Long Xuyên, khu du lịch Mỹ Hòa Hưng... Tuy nhiên đến nay vẫn chưa xong.
"Cái khó hiện nay là chợ nổi Long Xuyên chưa có cầu tàu du lịch mà hiện đi ké qua phà Ô Môi. Tôi đề xuất nhiều lần đến nay Long Xuyên chưa làm được mà đợi Đề án phát triển du lịch trên sông của TP Long Xuyên.
Khách du lịch giờ vẫn ghé làng bè rồi đi qua khu du lịch sinh thái Mỹ Hòa Hưng mà chưa chính thức khai thác hoạt động sông nước. Khách du lịch rất thích đi cảnh chèo xuồng len lỏi giữa các ghe mua bán, có những người buôn bán thức ăn trên sông như bún cá, hủ tiếu, cà phê... Du khách rất thích thú mà chúng ta chưa làm được", ông Hiếu nói.
Hiện nay chợ nổi Long Xuyên có khoảng vài trăm du khách mỗi tháng. Thường mỗi đoàn đi từ 5-7 người. Đây là số lượng nhỏ so với lượng khách du lịch đến tỉnh An Giang. Mặt hàng buôn bán trên chợ nổi Long Xuyên chủ yếu là nông sản các tỉnh thành lân cận như khoai mỡ, dưa hấu, chuối, dừa...
"Hiện nay cơ sở vật chất chưa đảm bảo phát triển du lịch đường sông mà cái này lại là sông Hậu nên thuộc về Bộ Giao thông vận tải quản lý. Để cắm được mấy phao tiêu giữa sông sẽ tốn kém thủ tục, thời gian rất nhiều.
Thêm vào đó chúng ta vẫn chưa hình thành được tour du lịch đường sông chính thức ra sao. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang mới về đã chỉ đạo rốt ráo để cố gắng trong giai đoạn 2025-2030 phải khai thác được du lịch đường sông", ông Hiếu khẳng định.
Cứu chợ nổi cách nào?
Có nhiều lý do khiến du khách thất vọng khi tham quan chợ nổi. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Mỹ (Lửa Việt Tours): "Việc khôi phục các chợ nổi ở miền Tây, theo tôi vận dụng hai chuyện bảo tồn - phát triển là cần thiết. Nếu biết cách làm, hai chuyện này sẽ hỗ trợ và thúc đẩy lẫn nhau. Trong tình hình hiện nay cần giữ các chợ nổi vì đó là tài sản quốc gia của Tây Nam Bộ. Để chợ nổi "chìm" rồi thì không tài nào cứu được".
Ông Mỹ dẫn chứng từ việc cứu chợ nổi Cái Bè và tâm huyết của một doanh nghiệp du lịch ở Sài Gòn. Khi nỗ lực giữ chợ nổi Cái Bè bất thành, doanh nghiệp này đã đề xuất và được sự đồng ý của chính quyền địa phương cho dời chợ nổi đến cồn Tân Phong cách đó hai cây số.
Doanh nghiệp bỏ tiền ra mua ghe bầu để bà con mượn kinh doanh, không tính lời lỗ. Ngoài ra tại chợ nổi "mới nổi" lại này, các đơn vị tổ chức thêm những buổi biểu diễn văn nghệ thu hút du khách...
Chưa thể nói là chợ nổi Tân Phong có thể phát triển được trong điều kiện đòi hỏi rất nhiều yếu tố để duy trì và phát triển chợ nổi. Tuy nhiên việc mạnh dạn đổi vai cho chợ nổi cũng là một cách làm khiến nhiều địa phương có chợ nổi phải nhìn vào.
Trong khi đó nhiều nơi đã ra đề án để "cứu" chợ nổi. Các đề án vẫn loay hoay với các giải pháp công trình, vẫn các biện pháp tuyên truyền, cổ động là chính. Thậm chí có những đề án khi ra đời đã "chìm" cùng với chợ nổi.
Trong khi đó, tại một hội thảo về chợ nổi Cái Răng, PGS. TS Đào Ngọc Cảnh, trưởng khoa du lịch - quản trị nhà hàng và khách sạn Trường ĐH Nam Cần Thơ, cũng đề xuất nhiều giải pháp để cứu chợ nổi này.
Ông Cảnh bày tỏ lo ngại trước tình trạng hiện nay thương hồ bỏ ghe lên bờ tìm hướng làm ăn mới, nên cần tìm cách bảo tồn chợ nổi bằng tạo sinh kế ngay tại chợ nổi cho những thương hồ, tốt nhất là gắn với du lịch, họ phải có hưởng lợi từ du lịch thì mới yên tâm. Và giải pháp tiếp theo là cần xây dựng khu vực tập kết ở trên bờ, khu này chính là "bài toán" cho chợ nổi.
"Muốn phát triển chợ nổi thì phải có dịch vụ đáp ứng nhu cầu du khách. Chúng ta đi chợ nổi Thái Lan thấy họ cũng cho khách ngồi tàu đi một vòng để ngắm nhưng sau đó lên khu tập kết để nghỉ ngơi, ăn uống, mua bán hàng hóa đặc sản và nhiều hoạt động khác. Từ đó các đặc sản địa phương cũng có cơ hội.
Nhu cầu khách hiện nay rất lớn với 500 - 700 khách/ngày ở Cái Răng, thậm chí cả ngàn khách/ngày nếu họ tiêu thụ hàng hóa sản phẩm khi tham quan chợ nổi cũng là thị trường đáng kể nhưng hiện nay không khai thác được do khách ngồi tàu khép kín từ bến Ninh Kiều đến chợ nổi Cái Răng rồi về.
Từ khu tập kết đó khách muốn đi tham quan chợ nổi thì có thể thuê thuyền chèo tay đi và khi đi về khách có thể đi bằng phương tiện tàu khách hoặc đường bộ, không nhất thiết đi bằng tàu khép kín khó phát triển dịch vụ", ông Cảnh đề xuất.
Vai mới cho chợ nổi là chuyện hay nhắc tới nhưng trong vai nào thì diễn viên cũng phải tròn vai. Câu chuyện chợ nổi có lẽ còn được viết tiếp bởi tuyến nhân vật khác. Ở đó anh thương hồ sẽ trong vai hướng dẫn viên du lịch, chị bán bún, bán cà phê cũng không còn "vừa bán vừa la làng"... Câu chuyện chợ nổi từ hoài niệm một thời có lẽ sẽ được ngủ yên. Bởi chợ nổi ngày nay phải đổi thay để tồn tại...
Nhiều người ví câu chuyện cứu chợ nổi giống như cố gắng tát nước trên chiếc xuồng bị rò rỉ nước ngày càng nhiều. Nếu dừng tay thì nước sẽ vào đầy và xuồng có nguy cơ bị chìm. Nếu lóng ngóng tát không biết cách thì cũng "tự nhận chìm xuồng".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận