Thương hồ lỡ vận
Ngược dòng thời gian trở lại thế kỷ 20 ở nhiều đoạn sông nước miền Tây, các ghe thương hồ nhóm họp để bán buôn, đổi trao hàng hóa và dần hình thành nên chợ nổi là các bến thương hồ.
Những cái tên thân thương như chợ nổi Cái Bè, Trà Ôn, Ngan Dừa, Cà Mau, Vĩnh Thuận, Long Xuyên, Ngã Năm, Ngã Bảy, Rạch Sỏi, Cái Răng... đều dần tạo lập tự phát như thế để đến nay chợ còn chợ mất theo dòng dâu bể thời cuộc.
Mặt trời ngày mới vừa ló dạng. Những chiếc xuồng tam bản chở theo cái nồi bốc khói đảo quanh các ghe thương hồ. Họ bán khoai luộc, tô cháo lòng, đĩa bún thịt nướng cho khách thương hồ lót lòng...
Trong se lạnh buổi sáng cuối năm, phận người sống đời rày đây mai đó nao lòng nhớ cố hương và con cái đợi cha mẹ ở nhà.
Mấy hôm trước anh Trần Văn Minh, tức Tư Minh, đã cố sức kéo chiếc ghe cũ kỹ từ chợ nổi về cắm sào ở bến sông gần cầu Quay (Long Xuyên, An Giang). Ghe cạn dầu, người cạn tiền.
Có lẽ đây là chuyến di chuyển cuối cùng của chiếc ghe bán dừa quen thuộc bấy lâu trên chợ nổi Long Xuyên.
Chiếc ghe nặng nhọc theo anh mấy mươi năm có thể dừng lại cuộc hành trình. Còn anh thì không. Tư Minh nói sau lưng anh còn người vợ đau ốm và hai đứa cháu nhỏ cha mẹ chúng để lại sau khi đổ vỡ hôn nhân.
Còn vài trăm ngàn trong túi, anh Minh lên bờ lấy vé số rồi quay lại chợ nổi bán, hy vọng đổi đời cho các ghe thương hồ còn bám trụ. "Chợ nổi giờ người ta chuyển sang "bán than" hết rồi chú", Tư Minh nói anh đã thắt ngặt rồi, mà cầm xấp vé số rảo bán quanh chợ nổi, gặp mười người thì hết tám người than làm ăn khó khăn.
Mười mấy năm trước, bà Ngô Thị Thanh, 61 tuổi, đã quyết định mở dây neo từ Biển Hồ (Tonle Sap, Campuchia) xuôi theo dòng Basac (tên khác của sông Hậu) về Long Xuyên.
Chiếc ghe cũ kỹ sớm hòa vào hàng trăm chiếc chở theo những người cùng cảnh ngộ đã kết lại với nhau thành một xóm nổi. Xóm nằm bên chợ nổi dập dìu xuồng ghe và phía trên là đô thị Long Xuyên năng động.
"Thủa tôi về đây tới giờ, quan sát nhiều đổi thay lắm. Phố trên càng xung lên, chợ nổi càng teo lại...", bà Thanh trải lòng.
Ngoài chiếc ghe để sinh sống, bà Thanh còn có chiếc xuồng nhỏ để bán tạp hóa cho khách đi chợ nổi và các gia đình thương hồ. "Hồi đó bán thấy ham lắm. Ngày nào tôi cũng lên bờ lấy đồ về bán.
Còn giờ ai cũng khó khăn. Họ mua thiếu riết rồi tôi muốn cụt vốn luôn... Nhiều khách ghe quen lâu nay, mấy rày không thấy họ nữa. Chắc người ta bỏ chợ rồi - nhìn ra khu chợ nổi lác đác mấy cụm ghe neo đậu, bà Thanh thở dài - Thương hồ người ta bỏ chợ lên bờ, về quê còn đất còn đai.
Còn vợ chồng tôi chỉ biết có chiếc ghe này. Không có miếng đất chọi chim. Mai mốt chợ nổi không còn, tôi biết bán buôn cho ai nữa".
"Người nhanh chân thì nhảy lên bờ kiếm kế sinh cơ. Cùng lắm thì về quê làm ruộng rẫy. Nhưng vợ chồng tôi nếu chợ nổi không còn thì biết phải về đâu", bà Thanh lại thở dài.
Tháng trước chồng bà Thanh làm một chuyến lên bờ để kiếm việc. Anh xin được chân phụ hồ ở công trình gần đó. Nhưng làm mãi cũng không thấy chủ trả lương. Anh thất vọng trở về với chiếc ghe cũ kỹ, lại tiếp tục lênh đênh không biết ngày mai sẽ ra sao.
Gia tộc năm đời lênh đênh thương hồ
"Chỉ có mấy ghe của các gia đình cố cựu bám chợ nổi. Mạnh cỡ họ còn đuối", anh Ba Liệt đưa chúng tôi đến đoạn sông nhiều ghe bầu kết lại thành hàng buông neo hướng về thượng nguồn. Anh nói đây là một trong những "gia tộc thương hồ" cố cựu trên chợ nổi Long Xuyên.
Lúc chúng tôi ghé, mấy gia đình trẻ trên nhóm ghe này đang lui cui chất từng túi khoai lên đầy xuồng tam bản để "trả đơn" cho khách trên bờ. Khi kiểm đủ hàng, họ rẽ sóng hướng về bến phà Ô Môi, một trong những cửa ngõ đường sông của TP Long Xuyên.
"Hồi đó chợ nổi còn đông đúc, ghe vừa tới là người ta bu vào mua, mình không kịp bán. Có khi người ta mua "mão" luôn cả ghe khoai. Mình không đủ hàng, bạn hàng còn giận hờn..." - anh Hai Tú (Nguyễn Thanh Tú, 50 tuổi), người lớn tuổi nhất trong trong mười mấy người sống trên những chiếc ghe thương hồ neo cặp vào nhau, kể chuyện.
Dòng họ anh Tú đã năm đời sống nghề thương hồ với mặt hàng duy nhất là bán buôn khoai. Bắt đầu từ ông cố anh, ông Tư Lập, chở hàng lên Chợ Lớn (Sài Gòn) bán cho mối quen.
"Hồi đó ghe nhỏ hơn giờ. Hàng hóa cũng ít hơn giờ. Nhưng buôn bán thuận lắm. Đi chuyến nào bán dứt chuyến đó. Ít có cảnh ngâm hàng chờ lâu như dạo rày", anh Hai Tú nói.
Đến đời ông Ba Tới (nội anh Tú) lập gia đình thì được cha là ông Tư Lập sắm cho chiếc ghe bầu và chỉ mối lái mần ăn nối nghiệp thương hồ. Rồi đến đời ông Ba Mốt (ba anh Tú), ông Ba Tới cũng đóng cho con chiếc ghe và dạy cách bán buôn trên sông.
Đoàn ghe gia tộc ông Ba Mốt trở nên bề thế trong số hàng trăm ghe lườn, ghe bầu, tắc ráng... ở chợ nổi Long Xuyên. "Ở chợ nổi này nói tới đoàn ghe nhà Ba Mốt là ai cũng biết" - ông Ba Đò, người mấy mươi năm chạy đò dọc đưa khách ra chợ nổi, kể.
Ngoài gia đình nhà Ba Mốt còn có mấy đoàn ghe mà nhiều thế hệ kế tục nhau. "Chú coi ghe họ đậu với nhau từng khóm, thật ra là gia đình dòng họ không đó. Chứ không giống như mấy chợ nổi khác, khách thương hồ thường tứ cố vô thân như chim lẻ bầy", người đưa đò bộc bạch.
Cũng như thế hệ trước, khi con cái dựng vợ gả chồng, ông Ba Mốt lại đóng cho mỗi người một chiếc ghe bầu cùng các sở (mối) mua bán khoai. Hai Tú kể lại anh em của anh từ nhỏ đã theo ông bà, cha mẹ sống kiếp thương hồ rày đây mai đó.
Khi anh cưới vợ dù quê Cái Dầu cách đó vài chục cây số nhưng đám cưới cũng tổ chức ngay trên ghe giữa chợ nổi Long Xuyên. "Bởi gia đình tôi mấy đời sống trên ghe rồi. Mối mang, bạn bè thân hữu cũng trên sông nước cho nên cưới hỏi cũng làm trên sông cho tiện".
Hai Tú có bốn anh em thì có ba người theo nghiệp thương hồ. Bạn hàng của ba anh để lại cho con có nhiều khách hàng từ Campuchia sang. Mối ai người ấy bán. Khách thường mua mớ, mua mão cả ghe.
Những năm tháng cũ chợ nổi Long Xuyên còn xuồng ghe tấp nập. Nhiều chuyến hàng khẳm, hai, ba chục chiếc ghe kết lại với nhau rồi mướn tàu kéo vào sông nhỏ. "Hồi đó có tàu Tư Tích, ảnh có máy PS8 chuyên kéo xuồng ghe vào bờ.
Mỗi lần mua được đầy hàng người ta mừng lắm. Còn giờ thì ngược lại, khi có ghe khách tìm mua hàng là tụi tui mừng húm", Hai Tú chia sẻ chuyện bán buôn đổi thay đến hồi ế ẩm.
Lúc chợ nổi Long Xuyên còn sung túc, cánh chạy đò của anh cũng có nhiều mối mang. Bạn hàng từ Châu Đốc, Tân Châu, Thoại Sơn... xuống đây lấy hàng về bán. Nhiều xuồng khi lấy đầy hàng họ phải mướn tàu lớn kéo về tận nơi. Nhiều bạn hàng còn gửi thêm tàu chạy tuyến Châu Đốc - Hồng Ngự - Tân Châu... chở về.
Chỉ từ sau dịch bệnh Covid-19, nguồn hàng bị gián đoạn. Khách hàng tìm đến mua tận rẫy, không còn mấy người lấy hàng qua ghe thương hồ như trước. Chuyện mua bán ở chợ nổi trở nên khó khăn. Nhiều thương hồ bỏ ghe lên bờ mua xe, mở vựa...
Vẫn muốn đời con giữ lấy nghề cha ông
"Tụi nhỏ nhà tui bây giờ bán online, bán qua điện thoại. Ghe neo dưới sông nhưng khách ở xa trên bờ gọi thì mình cũng đem đến tận nơi...". Hai Tú nói đến thế hệ thằng Sony - con anh - cưới vợ, anh cũng để lại ghe hàng và mối buôn bán cho con. "Không biết thằng Sony có theo nổi nghề này không. Chứ nó còn giữ đặng nghề thì tôi cũng cho nó hết" - anh Tú chia sẻ.
---------------------
Khách du lịch lướt qua nhìn ghe thương hồ bập bềnh trên sông tưởng rằng nhàn tản nhưng thật ra mồ hôi họ nhỏ giọt xuống sóng nước. Cuộc mưu sinh đời người phận sông chẳng bao giờ nhẹ nhàng.
Kỳ tới: Khách thương hồ, đời người phận sông
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận