Thời thế đổi thay, lần lượt các chợ nổi hợp, tan rồi không hợp nữa với bao niềm tiếc nuối. Liệu có cách nào giữ được chợ nổi hay không?
Đó là khi có người cất công muốn được sống trong không khí giang thị nhộn nhịp, hào sảng và mộc mạc như trái bí trái bầu, ngọn cỏ củ khoai của các chợ nổi từng vang tiếng một thời.
Những chợ nổi như Cái Bè, Trà Ôn, Ngan Dừa, Cà Mau, Vĩnh Thuận, Ngã Năm, Rạch Sỏi… Bao cái tên còn lưu lại qua hình ảnh ngày tháng cũ thì rất nhộn nhịp, lung linh, xuồng ghe tấp nập nhưng thực tế bây giờ đỏ mắt cũng chẳng thấy đâu.
Tìm chợ nổi như anh chàng bán chiếu
Cũng giống như anh chàng bán chiếu miệt Cà Mau khi vác đôi chiếu bông trở lại xóm rẫy bên bờ Ngã Bảy thì cô gái đã theo chồng sang xứ khác, nhiều người mang theo tâm thức đi tìm lại chợ nổi miền Tây từ chuyện kể hay qua các tác phẩm nghệ thuật. Nhưng sự thật họ đối diện khi đến nơi là những hình ảnh chỉ còn lại trong ký ức.
Cả miền Tây có khoảng 20 chợ nổi từng tồn tại. Đến nay thời thế đổi thay, phần lớn trong số đó đã tự hợp rồi tan.
Các chợ nổi còn trụ lại như Cái Răng (Cần Thơ), Long Xuyên (An Giang), Vĩnh Thuận (Kiên Giang) cũng đã thay đổi nhiều với quy mô ghe tàu chỉ còn lại phần rất ít so với thời hưng thịnh.
Có lẽ hụt hẫng nhất là khi có người tìm về Ngã Bảy (Hậu Giang) để tìm lại hình ảnh chợ nổi đã đi vào tâm thức qua lời vọng cổ Tình anh bán chiếu của soạn giả Viễn Châu.
Nhưng khi đến nơi thì bến chợ không còn xuồng ghe. Và nơi được người ta chỉ dẫn một thời vàng son là bến tàu đi chợ nổi, thời nay đã xây dựng hình mũi ghe chồm ra sông. Tất cả dường như chỉ có vậy, còn chăng chỉ là trong ký ức.
Nhà nghiên cứu Nhâm Hùng, người dành nhiều tâm huyết với những thăng trầm của đời sống chợ nổi ở miền Tây, như quên hết thời gian khi có ai đó mời ông cà phê và nhắc nhớ về chợ nổi.
Không biết bao nhiêu lần ông nói về chợ nổi ở các hội nghị, hội thảo, nói cho khách thương hồ, nói cho những người làm du lịch, nói cho nhà hoạch định chính sách, nói cho khách nước ngoài, nói từ bến chợ nói ra đến tận thủ đô…
Nhưng mỗi lần như vậy ông lại đau đáu khi cánh phóng viên bất giác nhắc đến ông cụm từ "chợ nổi đang chìm".
Không nói đến cách chơi chữ nhưng rõ là đối diện với thực tế các chợ nổi có tuổi đời hàng trăm năm hợp - tan, người có lòng có dạ với sông nước đồng bằng khó thể ngó lơ.
Là người có thời tuổi trẻ sống trong những ngày vàng son của chợ nổi Ngã Bảy, ông Nhâm Hùng hay kể hình ảnh ông có thể đi từ bên đây sông qua bên kia sông chỉ bằng cách chuyền từ ghe này sang ghe nọ.
Thời điểm tấp nập nhất, chợ nổi Ngã Bảy có thể tụ họp từ 1.000 - 2.000 ghe, xuồng… Chẳng khéo mà cũng có người từng không ngại ví von chợ nổi Ngã Bảy như "kinh đô sông nước".
Nằm ở vị trí đắc địa bậc nhất đồng bằng, dân thương hồ từ Ngã Bảy có thể theo đường sông đến tất cả các tỉnh trong khu vực.
Vì vậy mà khi chợ nổi Ngã Bảy còn xôm tụ, ở đây không thiếu bất kỳ ghe sản vật của tỉnh nào trong khu vực. Từ ba khía Rạch Gốc (Cà Mau), mắm cá linh Châu Đốc (An Giang), từ khóm Tắc Cậu (Kiên Giang), quýt Cái Bè (Tiền Giang), cam Tam Bình, gốm Long Hồ (Vĩnh Long) đến hoa Sa Đéc, nem Lai Vung (Đồng Tháp)… Rồi tất nhiên cũng ắp thuốc men, kem phấn, vải vóc từ Sài Gòn, Cần Thơ chở về.
Chợ nổi không chỉ có ghe thương hồ tứ xứ. Mà dân bản xứ cũng sống nhờ chợ trên sông với đủ thứ dịch vụ ăn theo. Từ đò dọc đò ngang, bán hàng ăn hàng uống, may vá, làm đẹp cho đến bơm gas, sửa hột quẹt….
Vào thập niên 1990, nhiều chợ nổi nở ra tới mức các dòng sông trở nên chật chội. Bên cạnh những lợi ích kinh tế, giao thương hàng hóa được thuận tiện, nhiều người đã cảm nhận được nỗi bất an khi thỉnh thoảng lại có vụ va chạm, xuồng ghe chìm…
Cái gì chứ về sông nước thì xứ này "trùm", đâu thiếu chỗ để họp chợ trên sông, mắc mớ gì phải dồn vào trung tâm cho kẹt sông, nghẹt rạch như nhiều người nghĩ vậy. Thế là lần lượt các mệnh lệnh hành chính được ban ra: dời chợ nổi đi xa chợ phố. Không bù cho bây giờ có muốn họp chợ nổi lại đông vui mà không được.
Bận đó có lẽ khi dời chợ nổi, nhiều người chỉ nghĩ là đến khúc sông nào tiện này hợp nọ với ý người. Nhưng các nhà quản lý không tính rằng việc dời chợ nổi đã làm "trở quẻ" quy luật "trên bến dưới thuyền" khi đẩy tàu ghe đi xa bến giang thị.
Thế rồi buôn bán ế ẩm, thương hồ bỏ chợ như anh chàng bán chiếu miệt Cà Mau khi vác đôi chiếu bông trở lại xóm rẫy bên bờ Ngã Bảy thì cô gái đã theo chồng sang xứ khác mất rồi.
Lỡ chợ lỡ quê
Trở lại câu chuyện của Ngã Bảy khi đô thị này bước lên một bước trở thành thành phố thứ hai của tỉnh Hậu Giang, một trong những băn khoăn khi đô thị sông nước này phát triển có còn giữ được chất đặc trưng của "tình anh bán chiếu?".
Lãnh đạo địa phương đã duyệt chi hàng chục tỉ cho các giải pháp công trình để thực hiện đề án "tái lập" chợ nổi Ngã Bảy nhưng không thành công. Ông Nhâm Hùng chua chát: "Xem như chợ nổi Ngã Bảy kết thúc vai trò lịch sử".
Ngay tại Cần Thơ, thủ phủ vùng sông nước Cửu Long, khách gần xa đến đây đều mong một lần được thức sớm để ngồi tàu du lịch hòa trong cảnh mua bán nhộn nhịp của khúc sông Cái Răng nhiều tàu ghe ắp đầy sản vật.
Đây là chợ nổi "nổi" nhất trong hàng chục chợ nổi lớn nhỏ từng tụ tập trên khắp miền Tây. Nhiều người hứng khởi bởi niềm vui còn nhìn thấy xuồng ghe bập bềnh sản vật dù thưa vắng hơn xưa.
Nhưng cũng không ít người thất vọng vì mường tượng gặp được cô ba miệt vườn thì lại thấy diễn viên đóng thế xoàng xoàng lỡ chợ lỡ quê.
Mặc dù đã có rất nhiều cố gắng "makeup" để chợ nổi quyến rũ hơn, để dẫu không đẹp như người tình trong ký ức thì cũng có cái mới mẻ từ chất lượng phục vụ để có điểm cộng về sự ân cần. Nhưng trăm phương ngàn cách thì cũng không khiến người ta quên đi… "chợ nổi đang chìm".
Với nhớ nhung chợ nổi bao giờ cho đến ngày xưa. Chợ nổi khi ấy với xuồng ghe ken đặc, với hàng bẹo (cây dùng để treo hàng hóa của mỗi chiếc ghe) chi chít với tiếng hò reo, hát ca, hỏi hàng, trả giá… thiệt khó có đạo diễn nào thời nay dàn dựng cho được những khung hình được làm nên từ đời thật của hàng trăm hàng ngàn nhân vật mang cái tên chung là khách thương hồ.
Trong ấn phẩm xuất bản năm ngoái có tên sách Chợ nổi miền Tây, nhà nghiên cứu Nhâm Hùng cho rằng chợ nổi đơn giản được hình thành từ hình thức nhóm chợ trên sông của các thương hồ.
Với nhiều người, chợ nổi là đầu mối phân phối hàng hóa. Ở thời buổi trước, miền châu thổ chủ yếu chỉ đường sông là len lỏi đến được khắp nơi, trước khi mạng lưới lộ làng, lộ phố trải rộng như hôm nay.
Từ nhà vườn, ruộng rẫy, làng nghề ắp đầy sản vật, ghe thương hồ kết nhau lại tại một điểm sông thuận tiện giao thương. Vì vậy mà nhiều tỉnh ở miền Tây, chợ nổi từng tụ họp không chỉ ở tỉnh lỵ, huyện lỵ mà cả các chợ xã, thị tứ...
-----------------------------
Những chuyến ghe buôn chở theo phận đời rày đây mai đó có mặt trên khắp miền Tây sông nước. Dân tình gọi là ghe thương hồ và những anh Ba, chị Bảy tịch tang trên đó là khách thương hồ.
Kỳ tới: Bến thương hồ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận