15/10/2024 11:49 GMT+7

Trăm năm làng bột danh tiếng Sa Đéc

Truyền nối hơn trăm năm, nghề làng bột gạo danh tiếng Sa Đéc bên dòng sông Ngã Bát (TP Sa Đéc, Đồng Tháp) nhận tin vui trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2024.

Trăm năm làng bột danh tiếng Sa Đéc - Ảnh 1.

Hủ tiếu bột gạo Sa Đéc nổi tiếng phơi nắng bên dòng sông Ngã Bát

Nghề thủ công từ đời ông cố bà sơ giúp người dân từ chỗ chỉ mong có cái ăn cái mặc, nay đã vươn lên khá giả, nuôi được con cháu ăn học thành tài kỹ sư, bác sĩ...

Ngày nay với sự trợ giúp của máy móc hiện đại, nghề làm bột danh tiếng Sa Đéc ít vất vả hơn, sản lượng cao hơn, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, những sản phẩm sau bột như hủ tiếu, bánh phở, cháo, bánh phồng tôm... xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới.

Hồi đó mình làm ít mà lời nhiều, mua được vàng, cất được nhà. Mấy mươi năm tôi gắn bó với nghề đã thành thói quen, cứ 4h sáng thức giấc, làm một buổi cho đỡ buồn tay.

Bà Trương Bạch Mai

Thời vàng son

Trở lại làng bột Sa Đéc sau tin vui nghề bột gạo Sa Đéc được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, ông Phan Phước Sanh (thầy giáo Sanh, 75 tuổi, ngụ xã Tân Phú Đông), có hơn 50 năm làm nghề bột gạo, hồ hởi tâm sự: "Từ hồi dịch COVID-19 đến nay dân làng bột cảm giác như được hồi sinh nghề của cha ông, chúng tôi vui lắm chớ".

Thầy Sanh kể trước đây làng nghề trù phú lắm, người người làm bột, nhà nhà phơi bột khắp sân nhà ra ngoài ngõ, ngoài đường. 

Thời đó nghề bột chỉ cho thu nhập đủ sống, người ta muốn có dư phải gắn với nuôi heo, vì làm bột "té ra" được bột cặn trở thành phụ phẩm bột cho heo ăn. 

Qua thời gian heo lớn, họ đem bán có thêm số tiền kha khá làm vốn, phần dôi dư sắm sửa tiện nghi trong gia đình, có tiền sinh hoạt tương đối thoáng so với những nghề khác ở quê ngày xưa.

Quê gốc của ông giáo Sanh ở Sa Đéc. Hồi trẻ ông đi dạy học ở huyện Cao Lãnh, rồi kết hôn và chuyển về xã Tân Phú Đông ở gần cha mẹ. 

Mặc dù có nghề giáo không phải lo cái ăn cái mặc nhưng thấy bà con nơi đây làm nghề bột "sung" quá nên vợ chồng ông tập tành thử làm theo.

"Hồi trước những năm 1990, nghề làm bột Sa Đéc còn vất vả dữ lắm. Hai bao tấm 100kg xay bằng cối đá từ 7h tới 13h-14h mới xong, làm siêng cỡ nào cũng rất chậm, chính vì chỗ đó không làm nhiều được. Cối đá cách vài ngày lại nhẵn mòn, phải "băm" mặt cối tạo rãnh xay bột mới nhuyễn, nhanh được.

Người ta xay bột bằng cối đá số lượng ít mần bánh ăn thì được, sản xuất số lượng lớn yêu cầu về thời gian và chất lượng, bột càng xuống lâu càng dễ sình, lượng tạp chất hòa lẫn với tinh bột nhiều, chất lượng bột chỉ đạt tương đối", ông Sanh kể.

Trăm năm làng bột danh tiếng Sa Đéc - Ảnh 2.

Máy hút chân không hiện nay giúp bột nhanh khô hơn thay vì trước đây phải dùng đá dằn cho ráo nước

Nhấp ngụm nước trà, người thầy cao tuổi hồi tưởng từ khi ông Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) làm đường dây điện Bắc - Nam cho nguồn điện dồi dào, dân làm bột chuyển từ làm hoàn toàn thủ công bằng tay sang máy móc chạy bằng điện. Tình hình bắt đầu chuyển biến rõ rệt.

Nguồn điện quốc gia phủ khắp xóm làng và đã đủ mạnh để vận hành máy móc, giá điện lại rẻ có lợi cho phục vụ sản xuất không nhiều tiếng ồn, không có hơi máy chạy dầu, cải thiện sức khỏe của người sản xuất.

Làng nghề làm bột truyền thống Sa Đéc bước vào thời kỳ đổi mới mạnh mẽ như xu thế chung của cả nước. Nhiều nhà chuyển từ động cơ máy dầu sang xài mô tơ điện khuấy bột rất nhanh, chỉ khoảng 15 - 20 phút đã xong 200kg bột. Tất cả công đoạn đều làm bằng máy, chưa mất tới 1/3 thời gian so với làm thủ công như thời cha ông một thuở.

Từ khi có điện lưới quốc gia về, làng nghề chuyển mình làm ăn sung túc. Bà con khấm khá rất nhanh, phần nhờ bán được bột, phần nhờ có phụ phẩm nuôi heo. 

Bà Trương Bạch Mai (72 tuổi, vợ thầy Sanh) chia sẻ mỗi vùng có đặc thù khác nhau, nhờ vậy làng nghề mới sống được. Đến nay dân quê bà vẫn sử dụng nước sông Ngã Bát lắng trong để sản xuất bột có chất lượng khác biệt. 

Người dân vùng khác đến thấy ham, học hỏi cách làm nhưng về xứ khác vẫn làm không ra được tinh bột trắng ngon như ở Sa Đéc.

"Hồi đó mình làm ít mà lời nhiều, mua được vàng, cất được nhà. Mấy mươi năm tôi gắn bó với nghề đã thành thói quen, cứ 4h sáng thức giấc, làm một buổi cho đỡ buồn tay. 

Giai đoạn vàng son nhất của làng nghề vào khoảng trước năm 2014, vợ chồng tôi làm 120kg tấm gạo/ngày, chỉ tính riêng thu nhập từ nuôi heo cũng thu được 100 - 200 triệu đồng/năm", bà Mai vui vẻ chia sẻ.

Trăm năm làng bột danh tiếng Sa Đéc - Ảnh 3.

Kiểm tra bột từ bồn lọc chuyển xuống hồ lắng làm thành phẩm bột tươi

Thế hệ con cháu tiếp nối cha ông

Ông Nguyễn Tấn Khoa (ngụ xã Tân Phú Đông, TP Sa Đéc) cho biết hơn 40 năm nối nghiệp nghề làm bột gia truyền của cha mẹ và ông cũng truyền cho con trai 20 năm qua. Ông không thể nhớ cha mẹ mình đã làm bột từ khi nào, chỉ biết từ nhỏ đã nghe trong nhà rộn ràng tiếng chày giã bột.

"Thời cha mẹ làm bột thủ công, đến phiên tôi làm bột có mô tơ điện giúp một số công đoạn. Bây giờ, con trai tôi làm bột rất khỏe, chỉ thuê hai nhân công đứng máy làm các công đoạn. Nhờ máy móc mà sản lượng tăng cao, trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất 600kg bột thành phẩm với cả tấn nguyên liệu", ông Khoa nói.

Hiện cơ sở của ông Khoa sản xuất theo đơn đặt hàng đi Bình Dương, An Giang, Kiên Giang để dùng bột làm nguyên liệu sản xuất bún, bánh hỏi, bánh canh, hủ tiếu...

"Nghề làm bột cho mình thu nhập khá, nuôi các con đi học rồi mỗi đứa tự chọn một nghề. Toàn diện tích nhà ở, nhà xưởng và nhà kho khoảng 600m2 với đầy đủ máy móc dây chuyền sản xuất bột. 

Gia đình có hai người con trai theo nghề làm bột, còn người con thứ ba học bác sĩ, một cô con gái học kỹ sư và sinh sống tại TP.HCM", ông Khoa vui vẻ chia sẻ.

Nhưng người dân làng bột Sa Đéc còn niềm vui lớn nữa là sản phẩm danh tiếng trăm năm của quê mình đã theo những chuyến xe, chuyến tàu và cả máy bay đi rất xa, ra được cả chợ quốc tế và được bao người yêu thích...

Trăm năm làng bột danh tiếng Sa Đéc - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Tấn Khoa kiểm tra bột phơi được hơn một nắng - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Hiện nay Sa Đéc có 160 hộ sản xuất bột với 1.000 lao động và làm ra thêm các sản phẩm sau bột như hủ tiếu, bánh canh, nui, phở, bún, bánh tằm, ống hút... Thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đi nhiều quốc gia.

Ngày 21-2-2024, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quyết định đưa nghề làm bột gạo Sa Đéc (ở xã Tân Phú Đông và phường 2, TP Sa Đéc) vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Nghề thủ công truyền thống, Tri thức dân gian.

Trăm năm làng bột danh tiếng Sa Đéc - Ảnh 4.Hủ tiếu Sa Đéc và bí quyết ngon từ bột gạo trăm tuổi sông Ngã Bát

Hủ tiếu Sa Đéc nổi tiếng với công thức đặc biệt từ làng nghề bột gạo trăm tuổi, làm ra những sợi hủ tiếu dai giòn sần sật, trụng nước sôi không bở, ăn hoài không ngán.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp