13/12/2018 10:45 GMT+7

Trăm năm cống thoát nước Sài Gòn

QUỐC MINH
QUỐC MINH

TTO - Hơn trăm năm hình thành hệ thống cống thoát nước đô thị Sài Gòn - TP.HCM, việc cải tạo, mở mang hệ thống thoát nước, chống ngập úng đã được bàn đến từ 50 năm qua, chuyện xây hồ trữ nước cũng đã được đề nghị 70 năm trước. Nhưng...

Trăm năm cống thoát nước Sài Gòn - Ảnh 1.

Đường số 7, P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân trước đây không ngập, giờ cứ mưa đến là ngập nặng - Ảnh: Q.MINH

Ông Vương Hồng Sển trong cuốn Sài Gòn năm xưa đã mô tả các khu vực thành phố lớn như Sài Gòn nối với Chợ Lớn "nhờ rạch, kinh, sông, ngòi, nhiều hơn bằng đường lộ đất". Địa hình thiên nhiên xưa, ngập lụt chưa bao giờ là nỗi lo.

Cống thoát nước từ năm 1872...

Người Pháp phát triển thành phố trên địa hình cao gần bờ sông, mở rộng ra hướng bắc và đông bắc. Năm 1862, Sài Gòn được quy hoạch là đô thị rộng 25km2, được bao quanh bởi các rạch Thị Nghè, Bến Nghé, sông Sài Gòn... với khoảng 500.000 dân, khu vực hành chính ở phía đông bắc thành phố, khu thương mại ở phía tây.

Từ năm 1867, chương trình kiến thiết thành phố được đẩy mạnh: xây dựng công thự, làm đường sá, vỉa hè, trồng cây xanh, khởi làm từ những đoạn cống đầu tiên đổ ra kênh Charner (người Việt gọi là kênh Chợ Vải, nay là đường Nguyễn Huệ).

Khoảng năm 1861, thêm một kênh đào trên đường Lê Lợi hiện nay, nối với kênh Charner, để thoát nước ra rạch Bến Nghé. Về sau, rác rưởi từ thương thuyền và chợ bên bờ đã làm nước bốc mùi hôi. Rạch để thay bằng cống thoát nước.

Năm 1871, cư dân ở quanh các đường Lê Thánh Tôn, Lê Lợi, Nguyễn Huệ (ngày nay) bắt đầu khiếu nại về tình trạng tù đọng nước, chính quyền bắt đầu mở rộng hệ thống cống thoát nước. Phiên họp ngày 10-1-1872, hội đồng thành phố đã yêu cầu các kỹ sư phải đo đạc, tính toán kỹ lưỡng để cống thoát nước tốt khi mưa lớn đúng lúc thủy triều dâng cao.

Hệ thống cống Sài Gòn được thực hiện từ trung tâm ra ngoài. Năm 1905, nhiều con đường trung tâm như Norodom (Lê Duẩn), Miche (Phùng Khắc Khoan)... được làm cống ngầm. Năm 1908, chính quyền mở một cuộc đấu thầu xây dựng hệ thống thoát nước cho Sài Gòn. Năm năm sau, tức năm 1913, Sở Công chánh Đông Dương lập một báo cáo chi tiết kết quả: "Một phần diện tích của thành phố đã được trang bị hệ thống ống cống tiếp nhận nước thải từ các hộ gia đình đổ ra đường hoặc đổ vào các ống nhánh, cũng như nước mưa...".

Cùng với làm cống, việc mở mang công viên, trồng cây xanh bên đường cũng được chú trọng. Năm 1943, kế hoạch chỉnh trang Sài Gòn - Chợ Lớn với dân số dự kiến tăng trên 1 triệu dân, họ đề xuất đào hồ ở phía tây đường Đinh Tiên Hoàng hiện nay để chứa nước mưa, điều tiết ngập. Tuy nhiên, chiến tranh đã khiến kế hoạch chỉ nằm trên giấy.

Chống ngập thời chiến

Sau năm 1954, các kỹ sư, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, Lê Văn Lắm, Trần Lê Quang... khảo sát địa mạo và hệ thống sông rạch Sài Gòn. Họ đề nghị thành phố sẽ phát triển theo hướng tây bắc - đông bắc (Củ Chi - Biên Hòa, Bình Dương). Các vùng thấp như quận 7, Nhà Bè, Bình Chánh được bảo tồn tự nhiên, giảm thiểu xây dựng để tiêu thoát nước cho thành phố... Từ năm 1965, chiến sự khốc liệt, cư dân tứ xứ đổ về đô thành trú an, họ làm nhà tự phát trên hai bờ kênh, quá nhiều nhà sàn làm ảnh hưởng đến dòng chảy như khu vực kênh Nhiêu Lộc, Tham Lương, Tàu Hủ...

Tháng 6-1968, câu chuyện về các hướng thoát nước chính ra kênh Tham Lương, rạch Nhiêu Lộc được bàn bạc. Thời điểm đó, chỉ có hướng thoát nước phía bắc ra kênh Tham Lương dòng chảy tốt. Hướng phía đông và nam xuất hiện tình trạng ngập úng. Nguyên nhân do nhà cửa chèn lên cống mương làm kẹt lối thoát nước. Việc giải tỏa nhà cất trên rạch Nhiêu Lộc thực hiện từ tháng 4 đến tháng 6-1967. Sau đó, tiếp tục xử lý các nền nhà trên cống thoát nước, nhổ các cọc tre, gỗ, bêtông trong lòng rạch, giải tỏa nhà lấn chiếm cầu. Năm 1969, hai khu vực bị ngập nhiều nhất là Tân Sơn Nhất và Phú Thọ.

Những con số thực tại

Sau năm 1975, TP.HCM mở rộng diện tích (đến nay đã gần 2.100km2) và tăng dân số. Thực trạng ngập lụt cũng ngày càng nghiêm trọng hơn. Nói như nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, "từ ngập nhẹ, ngập cục bộ khi mưa lớn ở một vài con đường trước năm 1975 thì sau này cứ ngập nặng dần, rồi đến ngập khủng khiếp ở khắp thành phố". Ngoài những lý do khách quan như lượng mưa nhiều hơn trước, triều cường và sụt lún, còn có những nguyên nhân chủ quan lớn từ con người.

Cuối thập niên 1980, TP.HCM phát triển thêm về hướng nam, khu vực quận 7, Nhà Bè, nơi trước đây dành làm nơi tiêu thoát nước. Nhiều kênh rạch, ao đầm tự nhiên cũng bị san lấp để đô thị hóa...

Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước (SCFC), hệ thống sông, kênh, rạch TP.HCM dài 5.075km. Trong đó kênh thoát nước 1.177km, mới chỉ nạo vét được hơn 60km (đạt tỉ lệ 1,19%). Hầu hết chưa được nạo vét gây bồi lắng, tắc nghẽn dòng chảy, cửa xả làm hạn chế khả năng thoát nước. Hệ thống cống từ khi thành phố có hơn 2 triệu dân cũng không kịp mở rộng cho thành phố nay đã hơn 10 triệu dân (chỉ riêng nước thải sinh hoạt đã tăng lên hơn 5 lần). 

Hệ thống cống thoát nước thành phố dài 3.099km nhưng nhiều cống được lắp đặt từ thời Pháp, nhiều cống hơn 50 năm không còn phù hợp với quy mô đô thị và dân số hiện hữu. 

Nhiều chuyên gia tính toán riêng giải pháp cống chống ngập ít nhất cần phải có tiết diện cống rộng gấp 2-3 lần hiện trạng, chưa kể chiều dài cũng cần tăng thêm nhiều để kết nối hoàn chỉnh...

* TS Trương Đình Hiển: Chống ngập bắt đầu từ hệ thống cống

Rất nhiều con đường, khu vực TP.HCM ngập nặng sau cơn mưa, nhưng nước có thể rút dần sau đó. Ngập đâu phải ở đâu, lúc nào cũng do triều cường hay trũng thấp, mà là vì hệ thống cống không kịp thoát nước. Chống ngập phải có nhiều giải pháp đồng bộ, nhưng đầu tiên cần phải khắc phục là vấn đề cống. Hiện trạng cống TP.HCM không thể thoát kịp nước sinh hoạt và nước mưa trong tình hình mật độ dân số ngày càng đông...

QUỐC MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp