Ông Phan Công Hải kiểm tra cổ vật được đóng gói đi Mỹ trưng bày - Ảnh: NVCC
Có khi chỉ vài cổ vật "du hành" nước ngoài, chúng ta được đổi lại bằng những hỗ trợ bảo tồn di tích. Đó là giá trị của cổ vật mà dân tộc ta đang được sở hữu.
Ông Phan Công Hải
Điểm dấu bí mật
"Để công chúng được tận mắt chiêm ngưỡng những bảo vật ngàn năm của chúng ta, họ phải mất tới vài ba năm chuẩn bị với rất nhiều thủ tục và công sức bỏ ra.
Những chuyến cổ vật "du hành" như vậy là dịp để chúng ta quảng bá về di sản, văn hóa đất nước ra thế giới.
Thậm chí những chuyến du hành đó cũng là những tiền đề để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hoặc có sự hỗ trợ bảo tồn di tích ở nước ta" - ông Phan Công Hải nói về giá trị cổ vật mà dân tộc Việt đang được sở hữu.
Từng là cán bộ Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, ông Hải đã "tháp tùng" cổ vật trong những chuyến chu du thế giới làm nhiệm vụ ngoại giao văn hóa.
Lần "tháp tùng" trước khi ông Hải chuyển công tác sang Bảo tàng Đà Nẵng là vào đầu năm 2014 khi Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (New York, Hoa Kỳ) mở cuộc trưng bày lớn mang chủ đề "Nghệ thuật điêu khắc Phật giáo - Ấn Độ giáo của những quốc gia đã mất ở Đông Nam Á".
Là một trong những bảo tàng nghệ thuật hàng đầu thế giới, Metropolitan tuyển chọn những hiện vật rất công phu. Dù chỉ vài ba cổ vật "du hành" bên đó thì việc chuẩn bị cũng phải hết sức chu đáo.
Cổ vật được chọn đều là những tinh túy văn hóa của các vương quốc xưa từng tồn tại trên lãnh thổ các nước Campuchia, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Myanmar.
Nó đương nhiên có sự góp mặt của hiện vật từ chính những quốc gia này. Ngoài ra còn có các hiện vật thuộc sở hữu của bảo tàng các nước Pháp, Anh vốn thu thập được trong quá trình đô hộ các nước Đông Nam Á những thế kỷ trước đây.
Cuộc triển lãm "vay mượn" này kéo dài hơn ba tháng từ tháng 4-2014 nhưng hơn ba năm trước đó đã có những hoạt động tìm hiểu và xúc tiến xin phép Chính phủ để mượn hiện vật.
Tháng 3-2013, TP Đà Nẵng đồng ý cho mượn năm bảo vật tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng để góp mặt trong cuộc triển lãm gồm phù điêu Nam thần (ký hiệu 20.2), phù điêu bán thân Nữ thần (ký hiệu 802/Đ43), tượng thần Ganesa (ký hiệu 5.1), đản sinh Brahma (ký hiệu 17.8) và thần Shiva (ký hiệu 3.5).
Sau khi đàm phán, ký kết thỏa thuận cho mượn, đảm bảo các yêu cầu về an toàn, ông Hải được cử tham gia "theo sát" quá trình đưa rước hiện vật để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho hiện vật.
Chưa biết đã từng xảy ra sự cố gì với các hiện vật điêu khắc mà quốc tế cho mượn qua lại, nhưng các tác phẩm nghệ thuật có giá trị như tranh thì từng xảy ra vô số sự cố hỏng hóc, thậm chí bị đánh tráo, mất cắp... Đó là điều khiến ông Hải đặc biệt lưu tâm trong những đợt cổ vật ra khỏi bảo tàng.
Hiện vật trước khi được đưa ra khỏi bảo tàng và được cho mượn theo quy trình "door to door" (cho mượn và nhận lại từ bảo tàng gốc) phải trải qua một loạt khâu kiểm tra an ninh gắt gao bao gồm: quét ảnh, ghi chú, khảo tả...
Đó là chưa kể hàng loạt giấy tờ để phục vụ việc "tạm xuất tái nhập" và "tạm nhập tái xuất" khi đi qua hải quan sân bay các nước. Nhưng quan trọng hơn cả là bước "đánh dấu bảo mật".
Theo ông Hải, đó là quá trình "làm dấu nội bộ" bí mật đến mức dù được tháp tùng hiện vật nhưng chính ông cũng không được biết dấu bảo mật được chọn là đâu.
"Khi cho cổ vật "xuất ngoại", phía bảo tàng có nghĩa vụ phải mời một đơn vị độc lập cùng giám định chọn một chi tiết để "đặc biệt làm dấu" đảm bảo cho dù có muốn đánh tráo rồi làm một hiện vật thay thế để trả lại cũng không thể nào qua mắt mình được.
Nhưng thú thật nó bí mật đến mức chỉ có giám đốc bảo tàng và giám đốc đơn vị giám định biết chứ tôi thì... chịu" - ông Hải kể.
Cố Tổng thống Pháp Jacques Chirac (trái) đến chiêm ngưỡng và chụp ảnh với cổ vật Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đợt triển lãm năm 2005 - Ảnh: BTC
2 triệu đôla bảo hiểm một cổ vật
Rất nhiều cổ vật tại bảo tàng "lưu diễn" tại các không gian trưng bày có tới hàng triệu lượt khách tham quan mỗi năm ở các quốc gia như Mỹ, Pháp, Áo, Bỉ...
Đặc biệt, trong các chủ đề về sự tiếp xúc, giao lưu văn hóa giữa các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á trước thế kỷ thứ 15 thì khó lòng có bảo tàng nào trên thế giới lại không gọi tên những hiện vật Champa của chúng ta.
Bởi công chúng, nhất là ở các nước phương Tây, vốn biết còn khá ít về một nền văn minh Champa bị che khuất trong ánh hào quang của nghệ thuật Angkor (Campuchia) và Java (Indonesia).
Lần "xuất ngoại" quy mô nhất của những hiện vật ở bảo tàng này chính là lần đi Pháp trong triển lãm mang chủ đề "Kho tàng nghệ thuật Việt Nam: điêu khắc Chăm thế kỷ 5 - 15".
Triển lãm này kéo dài từ năm 2005 sang năm 2006 tại Bảo tàng Quốc gia nghệ thuật châu Á Guimet ở thủ đô Paris, Pháp và hấp dẫn tới độ phía bạn còn ngỏ lời mượn cổ vật thêm một tháng ngoài thời gian công bố nhằm thu hút công chúng.
Tại triển lãm trên, trong số 95 hiện vật được trưng bày đến từ các bảo tàng Việt Nam, Pháp và Thụy Sĩ thì đã có đến 48 hiện vật từ Đà Nẵng.
Sức thu hút của triển lãm này lớn đến mức tổng thống Pháp bấy giờ là Jacques Chirac và phu nhân đã đến không phải với tư cách nguyên thủ mà là những vị khách tham quan bình thường mong muốn được chiêm ngưỡng bằng được những hiện vật mang sang từ Đà Nẵng.
Để bảo vật được đi nước ngoài an toàn là cả quy trình với rất nhiều công đoạn, đặc biệt kỳ công là giai đoạn vận chuyển đi nửa vòng trái đất.
Ông Hải cho biết quy tắc "bất di bất dịch" là khi ký thỏa thuận, phía bảo tàng mượn hiện vật phải thuê những đối tác chuyên đóng gói vận chuyển hàng văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp.
Rồi sau đó các công ty vận chuyển lại phải thuê những đơn vị thẩm định giá cụ thể từng hiện vật để mua bảo hiểm phòng hờ rủi ro.
"Đợt mang đi Pháp, cổ vật của bảo tàng chúng ta được mua bảo hiểm lên tới 48 triệu đôla, trong đó hiện vật được định giá cao nhất đã mua bảo hiểm tới hơn 2 triệu đôla thời giá bấy giờ" - ông Hải kể.
Tổng thống Pháp viết lời tựa cho cổ vật Chăm
Đặc biệt, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng từng đón tiếp nhiều lãnh đạo quốc gia đến thăm và chiêm ngưỡng cổ vật trong các chuyến công du Việt Nam.
Nhà vua Thái Lan, tổng thống Singapore, Ấn Độ... đều để lại những lời "có cánh" với kho báu văn hóa của Việt Nam nói riêng và của cả nhân loại.
Tại cuộc triển lãm ở Pháp năm 2005, Tổng thống Pháp Jacques Chirac đã trân trọng viết lời tựa cho catalogue triển lãm rằng: "Một sự hội tụ kiệt tác của các bộ sưu tập nghệ thuật điêu khắc Champa của thế giới, gồm các kiệt tác của Bảo tàng Champa Đà Nẵng, Bảo tàng TP.HCM, di sản Mỹ Sơn và của Bảo tàng nghệ thuật châu Á Guimet sẽ là một trong những nét đặc trưng chính của di sản nghệ thuật VN được long trọng trưng bày tại Paris tráng lệ.
Qua các tác phẩm điêu khắc tinh tế và độc đáo, nghệ thuật Champa cho thấy là một trong những trường phái nghệ thuật đặc trưng của nền nghệ thuật cổ ở Đông Nam Á...".
Làm sao gìn giữ và tăng sức hấp dẫn một bảo tàng đặc biệt trải qua thế kỷ mang vẻ đẹp huyền bí, sâu thẳm và chứa đựng kho báu ngàn năm?
Kỳ tới: Giữ sức hút 1.000 năm
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận