23/07/2022 14:20 GMT+7

Trăm hoa hậu đua nở

HOÀI PHƯƠNG
HOÀI PHƯƠNG

TTO - Nếu như trước đây mỗi năm chỉ có một hoặc vài cuộc thi sắc đẹp trong nước được tổ chức, thì từ đầu năm 2022 đến nay đã có khoảng 20 cuộc thi, chưa tính các cuộc thi cấp tỉnh. Con số này khiến nhiều người choáng.

Trăm hoa hậu đua nở - Ảnh 1.

Vì sao có chuyện trăm hoa hậu đua nở như hiện nay?

Danh hiệu hoa hậu không chỉ là vinh dự khi đạt thành tích cao nhất của cuộc thi mà còn là giá trị của người đó dành cho cộng đồng, cho xã hội. Đối với Hen, nếu tất cả các cuộc thi tổ chức ra đều công bằng, đều mang lại giá trị cho cộng đồng theo tiêu chí, theo định hướng của cuộc thi đó thì Hen rất ủng hộ.

Hoa hậu H’Hen Niê

Chạy sô thi hoa hậu

Không ít người lý giải hiện nay có nhiều nước như Philippines, Thái Lan, Venezuela... cũng tổ chức nhiều cuộc thi hoa hậu mỗi năm. Và những quốc gia này cũng không có quy định tổ chức bao nhiêu cuộc thi nhan sắc mỗi năm. 

Trong khi đó, Việt Nam đang mở cửa hội nhập, việc tổ chức nhiều cuộc thi sắc đẹp, lựa chọn đại diện Việt Nam dự thi quốc tế cũng là cách quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

"Nếu đơn vị tổ chức có tâm huyết, có đầu tư và kinh nghiệm thì đây là một cuộc cạnh tranh công bằng, khán giả sẽ là người được hưởng lợi", đạo diễn Hoàng Nhật Nam nêu ý kiến.

Có quá nhiều cuộc thi sắc đẹp được tổ chức gần kề nhau khiến ban tổ chức canh cánh câu chuyện số lượng cũng như chất lượng của thí sinh đăng ký tham gia. Trong khi đó, một cuộc thi thành công phải có thí sinh đăng ký đủ và thí sinh cũng phải đảm bảo chất lượng. 

"Tôi lo nhất là chất lượng thí sinh vì thí sinh có đẹp, có giỏi thì mới tạo được sự thu hút của cuộc thi. Với tần suất tổ chức các cuộc thi gần nhau thì thật sự lo có thí sinh mới nữa hay không. Vì vậy khán giả dễ dàng nhận ra các thí sinh quen mặt thi lại nếu không vào top 3 một cuộc thi nhan sắc này sẽ thi lại cuộc thi nhan sắc tiếp theo", đại diện một đơn vị tổ chức cuộc thi hoa hậu nói.

Ý kiến của đại diện đơn vị trên là có cơ sở bởi gần đây có quá nhiều thí sinh chạy sô đi thi hoa hậu. Có thể kể những người đẹp "quen mặt" xuất hiện trong những cuộc thi sắc đẹp gần đây như Nam Em, Hương Ly, Ngọc Châu, Lê Hoàng Phương, Đàng Vương Huyền Trân... Trong đó, Ngọc Châu đã đăng quang Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2022 gần đây.

Hiện nay, do có quá nhiều cuộc thi sắc đẹp khiến mức độ cạnh tranh giữa các cuộc thi trở nên khắc nghiệt hơn. Điều này đòi hỏi các đơn vị tổ chức liên tục thay đổi. 

Ngoài format tiệm cận các cuộc thi quốc tế, ban tổ chức các cuộc thi sắc đẹp còn mời các hoa hậu quốc tế đến Việt Nam làm giám khảo nhằm tăng vị thế cuộc thi. 

Có cuộc thi sắc đẹp mời đến 2 - 3 hoa hậu quốc tế làm giám khảo. Tuy nhiên, việc mời hoa hậu quốc tế làm giám khảo cũng còn nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Ngoài ra, ban tổ chức các cuộc thi còn tìm cách tạo ra sự khác biệt bằng những hoạt động riêng. "Đặc sản" của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu thế giới Việt Nam là hoạt động nhân ái, góp phần giúp các thí sinh trưởng thành hơn.

Trăm hoa hậu đua nở - Ảnh 3.

Top 3 Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2022 trong đêm đăng quang - Ảnh: HỮU HẠNH

Công chúng sẽ là người sàng lọc cao nhất

Nhiều người cho rằng một mặt cũng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong hơn 2 năm qua khiến thị trường giải trí bị đóng băng. Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các đơn vị bắt tay thực hiện các dự án, cuộc thi sắc đẹp... làm cho môi trường giải trí cuối năm sôi động hẳn lên.

Ngoài những cuộc thi sắc đẹp uy tín, khẳng định tên tuổi trong lòng công chúng như Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu thế giới Việt Nam... thì năm nay nhiều cuộc thi nhan sắc bị tạm ngưng một thời gian dài được tổ chức trở lại (Hoa hậu các dân tộc Việt Nam, Hoa hậu quý bà, Hoa khôi Nam Bộ...) hoặc có những cuộc thi mới lần đầu được công bố và bắt đầu tuyển thí sinh.

Từ nay đến cuối năm còn khoảng 10 cuộc thi sắc đẹp sẽ tổ chức chung kết. Trong tháng 7 có Hoa hậu áo dài Việt Nam, Hoa hậu thể thao Việt Nam. Đến tháng 8 có Hoa hậu thế giới Việt Nam. Tháng 9 sẽ diễn ra Miss Grand Việt Nam và Miss Peace Việt Nam với cùng tên gọi tiếng Việt là Hoa hậu hòa bình Việt Nam.

Sang tháng 10 có cuộc thi Nữ hoàng trang sức Việt Nam và Hoa hậu biển đảo Việt Nam. Dự kiến tháng 12-2022 có Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu siêu quốc gia Việt Nam và Hoa hậu du lịch biển Việt Nam. Ngoài ra, nước ta còn có nhiều cuộc thi sắc đẹp khác do các hội, ngành hoặc các công ty giải trí thực hiện.

Trăm hoa hậu đua nở - Ảnh 4.

Màn trình diễn áo tắm trong đêm chung kết Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2022 - Ảnh: HỮU HẠNH

Ông Vương Duy Biên, nguyên thứ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Việt Nam, cho biết từ khi có nghị định mới, "nới lỏng" các quy định tổ chức nên bất kỳ công ty nào, địa phương nào cũng đều có thể tổ chức cuộc thi sắc đẹp. 

"Dần dần những cuộc thi nào tổ chức uy tín, thành công, mang lại hiệu ứng giới thiệu văn hóa, phát triển du lịch trong nước và quốc tế tốt sẽ tồn tại bởi công chúng là người sàng lọc cao nhất", ông Biên nói.

Theo công bố của trang Global Beauties, Việt Nam đứng vị trí thứ 2 chỉ sau Ấn Độ trong danh sách các nước, vùng lãnh thổ có người đẹp tham gia đấu trường sắc đẹp quốc tế. Danh sách xếp hạng này dựa trên thành tích các quốc gia có thí sinh đoạt giải các cuộc thi Hoa hậu thế giới (Miss World), Hoa hậu hoàn vũ (Miss Universe), Hoa hậu hòa bình quốc tế (Miss Grand International), Hoa hậu siêu quốc gia (Miss Supranational).

Và sở dĩ Việt Nam có sự tăng bậc nhanh chóng này là nhờ thành tích Thùy Tiên đăng quang Hoa hậu hòa bình quốc tế 2021, Đỗ Thị Hà vào top 13 Hoa hậu thế giới và Kim Duyên vào top 16 Hoa hậu hoàn vũ.

Đạo diễn Thái Huỳnh: Bội thực và bão hòa

Dao dien Thai Huynh

Đạo diễn Thái Huỳnh

Tôi không tán thành tổ chức quá nhiều cuộc thi hoa hậu mà nên tìm ra đặc trưng riêng của cuộc thi để giúp cho người đăng quang có những chương trình ý nghĩa cho cuộc sống. Quá nhiều cuộc thi gây bội thực và bão hòa. Nhiều hoa hậu đăng quang, khán giả sẽ không thấy người nào đặc biệt hơn. Hoa hậu xuất hiện nhan nhản thì không biết ai là hoa hậu.

Nhiều cuộc thi hoa hậu tổ chức không tốt tác động xấu đến hình ảnh hoa hậu. Tôi hoan nghênh các cuộc thi hoa hậu tìm ra các tài năng vì mỗi cuộc thi sẽ có sắc thái khác nhau nhưng cần có sự chắt lọc, đặc biệt việc tổ chức phải có sự định hướng, tránh tình trạng dùng mác hoa hậu để dán nhãn và có những xìcăngđan xấu, làm mất đi thương hiệu hoa hậu.

Được, mất sau ánh hào quang hoa hậu

Hoa hậu là ai? Ai cần, ai biết hoa hậu? Hoa hậu có trách nhiệm với toàn xã hội hay chỉ có trách nhiệm với ban tổ chức cuộc thi? Có nên tung hô quá mức danh xưng hoa hậu?...

Tuổi Trẻ đi tìm câu trả lời xoay quanh những vấn đề trên với các nhân vật hoạt động trong ngành truyền thông, giải trí và khán giả.

Chuyên gia truyền thông Lương Trọng Nghĩa:

Ngôi vị hoa hậu đang bị cào bằng

Luong Trong nghia

Chuyên gia truyền thông Lương Trọng Nghĩa

Theo tôi, người cần hoa hậu trước tiên chính là bản thân các cô gái đang ôm ước mơ đổi đời từ một danh hiệu. Vì đơn giản họ nghĩ trở thành hoa hậu chắc chắn mang về vinh hoa phú quý.

Người thứ hai cần hoa hậu là những người tổ chức ra cuộc thi đó. Mục đích của họ là tổ chức ra một cuộc thi thành công tốt đẹp và tìm được hoa hậu theo kỳ vọng của họ. Còn khán giả tôi nghĩ họ không cần hoa hậu, hoặc có chăng họ cần một người đẹp thực sự giàu lòng nhân ái, làm được nhiều điều cho cộng đồng mà phi lợi nhuận.

Mặc dù vậy, nhu cầu giải trí của khán giả đang rất nghèo nàn. Công chúng có thể cần một vài hoa hậu đúng chuẩn, mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng, tham gia các tổ chức phi lợi nhuận, nhưng khi đã quá nhiều cuộc thi và sản sinh ra hoa hậu theo cách công nghiệp, rõ ràng ngôi vị hoa hậu đang bị cào bằng.

Bà Trương Ngọc Ánh (trưởng ban tổ chức Hoa hậu các dân tộc Việt Nam):

Hoa hậu là một ngành công nghiệp

Truogn Ngoc Anh

Bà Trương Ngọc Ánh

Các chương trình giải trí như thi hoa hậu đang là tâm điểm thu hút, tại sao những tập đoàn lớn, có tầm nhìn lớn lại không được đầu tư tổ chức? Trong khi nếu không có thi hoa hậu thì tập đoàn cũng đem tiền đi tài trợ cho các chương trình khác?

Về chất lượng, cuộc thi của chúng tôi có nhiều thí sinh đẹp, gương mặt mới. Chất lượng cuộc thi sẽ ngày càng tốt lên. Hoa hậu cũng là một ngành công nghiệp, như K-pop vậy. Mọi người hãy đón chào nó một cách bình thường. Ai không thích thì không xem. Nhưng rõ ràng có rất nhiều người thích, ủng hộ thì mới có nhiều cuộc thi tồn tại như vậy.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn (đại biểu Quốc hội):

Đa phần vô bổ

bui hoai Son

PGS.TS Bùi Hoài Sơn

Tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật, trong đó có các cuộc thi người đẹp, là vì nhiều mục đích khác nhau. Đó có thể là mục đích quảng bá hình ảnh, uy tín của địa phương, có thể vì văn hóa để huy động sự quan tâm của người dân đến những giá trị văn hóa được tích hợp trong sự kiện, có thể là lý do kinh tế như phát triển du lịch, thu hút đầu tư...

Các cuộc thi sắc đẹp, vì thế, có thể đưa ra những lý do thuyết phục khác nhau để được phép tổ chức. Tuy nhiên, theo đánh giá của riêng tôi, bên cạnh một số cuộc thi sắc đẹp nghiêm túc, có tác động thực sự theo nghĩa tích cực, đa phần các cuộc thi sắc đẹp khá vô bổ, bị chi phối bởi lợi ích kinh doanh và không hoàn toàn bởi việc tôn vinh vẻ đẹp hình thể và tri thức của phụ nữ.

Điều này sẽ rất tai hại khi các cuộc thi lan tràn, như một thứ bệnh, vô hình trung ảnh hưởng tiêu cực đến các cuộc thi nghiêm túc và hình ảnh đẹp đẽ của người phụ nữ. Vì thế, bên cạnh các văn bản quy phạm pháp luật, chúng ta cần sự chung tay của toàn xã hội trong việc trả lại giá trị thực cho các cuộc thi sắc đẹp. Các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương cân nhắc kỹ lưỡng việc tổ chức, cấp phép tổ chức các cuộc thi; các cơ quan truyền thông hạn chế tuyên truyền cho các cuộc thi; xử phạt nghiêm các sai phạm trong tổ chức thi sắc đẹp.

Nhà văn Y Ban:

Họ đang "ăn bẫm"

Y Ban

Nhà văn Y Ban

Tôi mới đọc báo thấy có cô chửa 6 tháng còn đi thi hoa hậu nữa. Cứ đà này chắc tôi cũng lập công ty tổ chức thi hoa hậu U70 hoặc hoa hậu thai phụ... Người ta còn lôi trẻ con thi hoa hậu nhí, hoa hậu thiếu niên nữa. Để đến tình trạng này thì trách nhiệm thuộc về các nhà quản lý.

Việc bùng nổ các cuộc thi hoa hậu gần đây, theo tôi, không xuất phát từ nhu cầu của xã hội mà đơn giản là các công ty tổ chức thi hoa hậu họ "ăn bẫm" từ những cuộc thi này. Nếu không họ chẳng đổ xô vào như vậy. Họ chạy theo đồng tiền, cuộc đi buôn đang ăn được thì họ làm thôi chứ nó chẳng mang lại ích lợi gì nhiều cho xã hội.

Khán giả Lê Dung (thạc sĩ truyền thông tại Seoul, Hàn Quốc):

Xây dựng thương hiệu bản thân

Le Dung

Khán giả Lê Dung

Với tư cách khán giả, tôi yêu thích một số hoa hậu có hoạt động cộng đồng đáng kể và lối ứng xử thân thiện như H'Hen Niê, Thùy Tiên. Tôi cũng yêu thích vẻ đẹp của hoa hậu Tiểu Vy. Với tư cách người tiêu dùng, tôi cũng thấy tin tưởng khi sử dụng một số sản phẩm được họ quảng cáo, đại diện thương hiệu. Không phải cứ là hoa hậu là sẽ được người tiêu dùng tin tưởng, họ cũng phải xây dựng hình ảnh đẹp, tích cực và có phong cách sống lôi cuốn.

MI LY - THIÊN ĐIỂU ghi

Chưa chấp thuận tổ chức Hoa hậu thiếu niên Việt Nam năm 2022 Chưa chấp thuận tổ chức Hoa hậu thiếu niên Việt Nam năm 2022

TTO - Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - phó giám đốc Sở Văn hóa và thể thao TP.HCM - xác nhận chưa chấp thuận cho phép tổ chức cuộc thi Hoa hậu thiếu niên Việt Nam năm 2022.

HOÀI PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp