TS Nguyễn Tùng Lâm
TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết: Trường nào cũng có học sinh chưa ngoan, học sinh có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Và tôi khẳng định nếu không có đội ngũ giáo viên chủ nhiệm (GVCN) thì tôi không bao giờ đạt được yêu cầu giáo dục học sinh.
* Công tác GVCN quan trọng như thế, vậy với tư cách là người điều hành nhà trường, thầy đã làm gì để hỗ trợ họ?
- Trường tôi là trường ngoài công lập nên có thể thuận tiện hơn một chút về việc chủ động trả lương cho GVCN. Thời kỳ những năm 1990, tôi đã trả thù lao cho GVCN 600.000 đồng/tháng. Số tiền đó không nhiều đâu, nhưng để GVCN hiểu tôi coi trọng công tác chủ nhiệm và cũng yêu cầu cao ở nhiệm vụ của các thầy, cô thế nào.
Đến nay nề nếp này vẫn được duy trì, lương cho GVCN hiện là hơn 2 triệu đồng/tháng. Chúng tôi cũng thường có các hội thảo chuyên đề trao đổi kinh nghiệm. Mỗi tuần, GVCN có buổi họp giao ban, thảo luận những "ca" khó. GVCN cũng được sự hỗ trợ của phòng tư vấn tâm lý tại trường.
* Nhưng việc này ở nhiều trường công lập đang chưa được coi trọng đúng mức, khiến GVCN cảm giác đơn độc. Thầy có suy nghĩ gì về việc này?
- Sự việc gần nhất là vụ GVCN bị xem xét kỷ luật sau khi học trò đánh nhau ở Hưng Yên, tôi nghe mà thấy buồn và lo. Tôi cho rằng GVCN ở nhiều trường phổ thông hiện nay đều đang thiếu kỹ năng, nhất là kỹ năng phát hiện, ngăn chặn trước hoặc xử lý kịp thời để giảm hậu quả.
Chỉ mong sao sau những việc như thế, ngành GD-ĐT thay đổi quan điểm, coi trọng công tác của GVCN hơn bằng chính sách, bằng các quy định cụ thể chứ không chỉ nói suông.
Các nhà trường hiện nay không chú trọng bồi dưỡng GVCN để “truyền lửa”, giúp họ có đủ năng lực sư phạm để hoàn thành nhiệm vụ, giải quyết tốt các tình huống giáo dục thì chúng ta có lỗi với những người phải đảm nhiệm công tác chủ nhiệm, có lỗi với các thế hệ học trò.
TS NGUYỄN TÙNG LÂM
* Từ thực tế, theo thầy, cần một GVCN như thế nào mới đáp ứng được yêu cầu số một là giáo dục đạo đức học sinh?
- Năng lực quản lý, lãnh đạo phải được coi trọng và đây là việc làm đầu tiên cần đến ở GVCN. Họ phải có đủ hiểu biết và các kỹ năng để điều tra khảo sát, xây dựng kế hoạch lớp chủ nhiệm, tổ chức thực hiện kế hoạch, kiểm tra đánh giá kết quả giáo dục đến từng học sinh... Nhưng nhìn chung, nhiều GVCN còn ít coi trọng công việc được giao, chỉ chờ đợi hiệu trưởng, hiệu phó nhắc gì làm nấy.
Làm công tác quản lý học sinh, GVCN không thể áp dụng lề lối quản lý "quyền uy", theo kế hoạch, theo mệnh lệnh, mà phải biết "hội tụ" và "lan tỏa".
Những GVCN giỏi thường quản lý lớp học nhẹ nhàng nhưng hiệu quả cao bằng chính bộ máy tự quản mà họ xây dựng, hết sức dân chủ, cởi mở nhưng luôn thống nhất, của một tập thể có văn hóa để họ dành nhiều thời gian cho công việc chính của mình: nhà sư phạm, nhà giáo dục.
Để làm được việc đó họ phải tự nhận thức vai trò của GVCN, có đủ kiến thức cơ bản về tâm lý học, về giáo dục học phù hợp lứa tuổi học sinh họ đang làm chủ nhiệm. Họ không chỉ biết thương yêu, tôn trọng, quý mến học sinh của mình, mà căn cứ vào hoàn cảnh, cá tính từng học sinh để có cách lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ, gợi mở, dẫn dắt học sinh để mỗi trò có đủ những giá trị làm người.
GVCN ở Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) phải theo sát học sinh cả trong giờ tự học - Ảnh: HUY TRẦN
* Việc đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm đang thiếu và yếu. Theo thầy, họ cần được bồi dưỡng những gì?
- Tôi cho rằng sinh viên các trường sư phạm phải được huấn luyện kỹ lưỡng, chu đáo để khi ra trường, được cử làm chủ nhiệm, sinh viên có đủ tự tin để tham gia các hoạt động giáo dục. Cụ thể, sinh viên cần được trang bị năng lực giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, năng lực giáo dục định hướng nghề nghiệp, năng lực tổ chức hoạt động tập thể trải nghiệm sáng tạo (hoạt động ngoài nhà trường), năng lực giáo dục học sinh kỷ luật tự giác, hoạt động giáo dục giới tính...
Để nói đến năng lực của GVCN, có thể đề cập những năng lực khác nữa như năng lực chủ động, năng lực linh hoạt sáng tạo... nhưng có thể tập trung vào những năng lực chung và năng lực cụ thể của một số hoạt động giáo dục. Từ những năng lực chung này mà phát triển các năng lực khác của GVCN.
Nhà giáo dục tài ba đến mấy nhưng không thể đơn độc làm nên sự nghiệp, mà còn phải có năng lực phối hợp các lực lượng giáo dục, trong đó có phụ huynh học sinh. Đây cũng là việc đang yếu của nhiều GVCN.
Trả đúng vị trí của GVCN
Bộ GD-ĐT, các trường sư phạm, các sở GD-ĐT cần sớm xác định và trả lại đúng vị trí, vai trò của GVCN - đó là nhà quản lý, lãnh đạo, nhà giáo dục trong mỗi nhà trường phổ thông. GVCN phải là một chức danh quản lý, được đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn và đãi ngộ thỏa đáng, tương xứng lao động sư phạm mà họ bỏ ra, không để tình trạng đùn đẩy.
Cần biên soạn lại tài liệu huấn luyện GVCN và phân bổ thời gian nghiệp vụ sư phạm thỏa đáng để hình thành được năng lực cần có của GVCN sau năm 2020.
Bộ GD-ĐT và các trường sư phạm cần tập hợp những GVCN giỏi (không phải bằng thi GVCN giỏi) có hiệu quả giáo dục tốt được học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh tín nhiệm, từ đó tập hợp kinh nghiệm giáo dục hay cho sinh viên các trường sư phạm học tập, giao lưu hằng năm.
TS Nguyễn Tùng Lâm
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận