Cô Đặng Thị Huệ Linh, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A7 Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5, TP.HCM) trong ngày lễ tri ân trưởng thành cho học sinh lớp 12 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Trong khi đó, điểm lại công tác chủ nhiệm, thầy Nguyễn Ngọc Thế, Trường THCS&THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội), liệt kê hàng chục yêu cầu cần có để khẳng định giáo viên phổ thông nói chung, (GVCN) nói riêng phải là một nhà giáo dục.
Việc gì cũng đến tay
Một tuần GVCN phải sinh hoạt lớp một tiết vào cuối tuần, rồi tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp, làm sổ sách... Đó là những công việc "cứng" thấy rõ trước mắt.
"Khi ra khỏi cổng trường chưa phải chúng tôi đã hết việc. GVCN thời nay còn có nhiệm vụ... gọi điện cho phụ huynh, lưu ý những vấn đề cần thiết về học tập, hoạt động... rồi nghe điện thoại và giải đáp tất cả thắc mắc của phụ huynh về những chuyện li ti của nhà trường, của học sinh khi đến trường" - cô Phạm Thị Thơm, GVCN lớp 4 ở TP.HCM, cho biết.
Ngoài công tác chủ nhiệm, giáo viên phụ trách giảng dạy một môn ở cấp trung học. "Thế nhưng, chúng tôi phải chịu trách nhiệm trước nhà trường và phụ huynh về kết quả học tập tất cả các môn của học sinh. Bởi vậy, đến mùa thi, tôi và nhiều đồng nghiệp còn phải dành thời gian buổi trưa và buổi tối dò bài cho học sinh lớp mình.
Có những môn phải phối hợp với giáo viên bộ môn và phải có bồi dưỡng chút đỉnh. Nhưng khổ hơn cả là những em lười học, học yếu. Việc yêu cầu các em ở lại dò bài là rất gian nan..." - cô Thủy, GVCN lớp 6 ở TP.HCM, tâm sự.
Nhưng công việc quan trọng không kém của GVCN thời nay chính là việc theo sát những diễn biến tâm sinh lý của học trò. Giữa trăm công nghìn việc như vậy nhưng GVCN phải tìm hiểu, quan tâm, chia sẻ những vướng mắc, những bất ổn về tâm lý tuổi mới lớn của học sinh.
Nếu để học trò vướng vào nạn bạo lực học đường, yêu sớm, chán học... thì người đầu tiên bị phụ huynh và cả xã hội trách cứ, lên án là... GVCN.
Nhiều tâm tư nên cũng nhiều cảnh báo
Cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), người từng làm quản lý cả ở mô hình trường công lập tự chủ tài chính và trường công lập truyền thống, cho biết các trường tự chủ, trường ngoài công lập có điều kiện để trả lương cho GVCN cao hơn, chú trọng trong việc trao đổi, bồi dưỡng, hỗ trợ GVCN, nhưng trường công lập truyền thống thì rất khó khăn.
"Chỉ riêng việc họp trao đổi, giao ban về công việc trong các tổ nhóm chuyên môn hay hội đồng sư phạm nhà trường cũng phải tính toán thời gian rất khó, vì thời lượng dạy học phủ kín trong tuần. Không thể cắt xén giờ học để giáo viên bàn chuyên môn, còn nếu họp ngoài giờ thì vi phạm luật lao động, không thể có chi phí trả cho cán bộ giáo viên làm việc ngoài giờ" - cô Nhiếp chia sẻ.
Trong khi đó, các nhà trường hiện nay chỉ coi công tác chủ nhiệm giáo dục học sinh là việc kiêm nhiệm, còn việc dạy văn hóa, việc luyện để học sinh có điểm tốt, thi tốt mới là việc chính. Từ đó dẫn đến việc nhiều GVCN ở các trường công lập cũng đang coi "chủ nhiệm" là việc thêm nếm nên "ngó lơ", có những giáo viên "khoán trắng" cho cán bộ lớp, biến đội ngũ cán bộ lớp thành "người đưa tin", khiến nhiều học sinh làm cán bộ lớp chịu áp lực.
Chia sẻ về điều này, có giáo viên ở Hà Nội thẳng thừng nói "không những không có chế độ tương xứng với lao động mà GVCN không có ai đứng sau lưng hỗ trợ. Vì thế, nhiều người chỉ làm sao để tròn vai, để không xảy ra việc gì lớn".
Chỉ những ai có tấm lòng chia sẻ với học sinh thật sự mới chọn con đường vất vả, nhiều khi còn gặp nguy hiểm, chịu tai nạn nghề nghiệp - cái mà họ hiểu nếu xảy ra có thể chỉ họ phải chịu trách nhiệm nặng nề mà ít tìm được sự cảm thông, bảo vệ.
Nhưng công tác của GVCN hiện nay nhiều bất cập cũng là do 100% GVCN không được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng để trở thành GVCN. Kiến thức, kỹ năng làm GVCN hầu hết do "tự tích lũy" hoặc "từ vấp váp mà có kinh nghiệm".
Ví dụ, cô Đàm Phương Thu, giáo viên Trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội), cho biết phải mất nhiều thời gian trong đó có cả thất bại cô mới hiểu ra được cách "kiềm chế nóng giận, làm chủ cảm xúc". Đây là khiếm khuyết nhiều giáo viên đang mắc phải dẫn tới hàng loạt vụ phạt học sinh vô lý gây bức xúc dư luận nhưng xuất phát điểm chỉ do giáo viên lúng túng, không có kinh nghiệm và kém kiềm chế.
"Có rất nhiều việc nếu bình tĩnh, có bản lĩnh thì xử lý đơn giản mà giáo dục được học sinh, nhưng cách làm phổ biến của nhiều giáo viên và cán bộ quản lý các trường là gọi cha mẹ học sinh đến để "đổ lỗi" và phạt học sinh.
Mức phạt đúng quy định hiện nay là "tạm đình chỉ học" thực chất không có tính răn đe, càng không cảm hóa, giáo dục được học sinh" - từ chuyện có GVCN "ngó lơ" công việc của mình, một hiệu trưởng từ trường ngoài công lập về làm quản lý trường công lập nhận xét.
"Giáo viên chủ nhiệm phải chịu trách nhiệm với ban giám hiệu nhà trường về mọi mặt học tập, sinh hoạt của học sinh lớp mình. Nhưng ngay cả việc kêu gọi phụ huynh đóng góp cho những công trình xã hội hóa của nhà trường thì cũng giao cho GVCN. Nếu gặp lớp có nhiều phụ huynh khó khăn thì chúng tôi cầm chắc việc bị nêu tên, phê bình trong cuộc họp hội đồng sư phạm.
Đó là chưa kể GVCN ở trường tôi còn phải có nghệ thuật nói chuyện trong cuộc họp phụ huynh đầu năm và cuối học kỳ. Làm sao để phụ huynh khen nhiều hơn chê. Ban giám hiệu nhà trường giải thích: tất cả những khen, chê đó đều được ghi vào biên bản, sẽ rất bất lợi cho trường nếu thanh tra đọc được. Vì vậy, lớp nào có nhiều phụ huynh phê bình, góp ý này nọ cho trường thì chắc chắn GVCN lớp đó sẽ nằm trong "tầm ngắm" của hiệu trưởng".
(Thầy T. - giáo viên chủ nhiệm lớp 8 ở nội thành TP.HCM)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận