26/07/2014 07:50 GMT+7

Trái tim Nhật quả cảm

 HÀ HƯƠNG ghi
 HÀ HƯƠNG ghi

TT - TP Lạng Sơn chạy lụt giữa tháng 7-2014 với những đường phố vắng tanh ít nhiều gợi nhắc đến thị xã Lạng Sơn 35 năm về trước. Những người đã đi qua cuộc chiến tranh biên giới 1979 vẫn nhớ như in từng nơi máu của các chiến sĩ, của người dân đổ xuống mảnh đất này.

kFEeYkph.jpg
Takano chụp ảnh cùng đoàn phóng viên và các chiến sĩ bảo vệ tại Lạng Sơn. Theo ông Nông Văn Đuổng, bức ảnh được chụp đúng ngày 7-3-1979. Takano là người mặc áo trắng, cầm máy ảnh, ngồi hàng đầu tiên Ảnh chụp từ cuốn sách về ông Takano được xuất bản tại Nhật Bản

Và trong những giọt máu ấy có cả máu từ trái tim quả cảm của nhà báo Nhật Bản Isao Takano.

Hồi ức ngày 7-3-1979

ÔngYUTAKA INOUE (nguyên phóng viên báo Akahata, Đảng Cộng sản Nhật Bản):

Anh Takano hi sinh là mất mát quá lớn

Isao Takano xuất thân từ công nhân một xí nghiệp điện lớn ở Tokyo, là đảng viên Đảng Cộng sản Nhật Bản, vừa là một cán bộ công đoàn, một nhà hoạt động phong trào thanh niên.

Chúng tôi sang Hà Nội vào giữa tháng 7-1967, rồi sơ tán về một vùng nông thôn ven sông Hồng, cách Hà Nội 40km về phía bắc. Ở đó, anh ấy đã phát huy những năng khiếu vốn có như hát, bơi, leo cây, sửa chữa khí cụ điện.

Từ đầu năm 1972, chúng tôi gặp nhau thường xuyên khi tôi làm phóng viên ban ngoại tin của báo Akahata, còn anh làm cán bộ Ban đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản. Thời kỳ đó, Đảng Cộng sản Nhật Bản coi Việt Nam là điểm nóng nhất trên trường quốc tế. Nghĩa là anh Takano cũng như tôi đều rất vinh dự được làm ở bộ phận nóng bỏng nhất. Năm 1976, tôi được điều sang làm phóng viên thường trú tại Hà Nội thì Takano đã ở Hà Nội, vừa làm phiên dịch vừa làm cán bộ đại diện Đảng Cộng sản Nhật Bản ở Việt Nam. Không may, ở Nhật Bản, vợ tôi ốm nặng đột ngột. Tôi phải trở về Nhật Bản sau một tháng làm việc. Sau đó, tôi và vợ đưa hai con trai 3 tuổi và 1 tuổi cùng sang Hà Nội. Anh Takano đã bố trí ba lưu học sinh Nhật sang chỗ chúng tôi tận tình giúp đỡ. Tôi nhớ ơn anh Takano lắm.

Tôi biết tin anh Takano hi sinh sau khi phân xã báo Akahata ở Hà Nội gửi thông tin về ban biên tập báo và tiếp theo là Đài NHK cũng đưa tin. Cả ban biên tập và Trung ương Đảng bàng hoàng, sững sờ. Riêng tôi bị sốc không nói nên lời. Sao Trung Quốc bắn chết một phóng viên nước ngoài, họ đã tuyến bố là rút hết quân khỏi lãnh thổ Việt Nam rồi mà? Tôi phải làm gì bây giờ, tội nghiệp vợ con anh Takano, anh hi sinh là một sự mất mát quá lớn, anh vẫn còn trẻ và đầy hứa hẹn...

Di cốt anh Takano được vợ anh, chị Michiko, mang về chôn cất ở chân núi Zaou (tỉnh Miyagi) quê hương anh. Chị Michiko năm nay đã hơn 70 tuổi, sức khỏe không được tốt lắm.

Trở về nhà sau trận chạy lụt, ông Nông Văn Đuổng vội thay bộ quần áo tươm tất để đi thăm người bạn của ông ở nghĩa trang liệt sĩ Hoàng Đồng (Lạng Sơn).

Ở đó, cái tên Isao Takano được khắc trên tấm bia tưởng niệm có hình ngọn bút vươn trời. Thắp một nén hương, ông Đuổng hỏi: “Anh Takano à, anh có nhớ tôi không?”.

Ngước nhìn bầu trời vừa trong xanh trở lại, ông bảo: “Hồn anh Takano vẫn ở đâu đó quanh đây thôi. Anh ấy chưa về Nhật Bản đâu”.

Rồi hồi ức của người thương binh già trở về với ngày 7-3-1979, ngày người bạn Nhật của ông ngã xuống trước làn đạn của kẻ thù.

“Thị xã Lạng Sơn sau khi quân Trung Quốc rút đi chỉ còn đống đổ nát. Một cái cây cũng không thể đứng vững, từ móng nhà đến cột điện, cây cối bị quân Trung Quốc gắn bộc phá đánh tan hết. Tôi nhận nhiệm vụ đưa đoàn nhà báo đi thực tế sau khi quân Trung Quốc rút đi. Lần đầu tiên tôi gặp anh Takano ở địa điểm cách thị xã 8km”, ông Đuổng nhớ lại.

Ngày hôm đó có hai xe nhà báo gồm ông Takano, Nakamura, một người phiên dịch tên Thanh cùng một số nhà báo nước ngoài và trong nước. Ông Nông Văn Đuổng khi đó là đại úy được Quân khu 1 điều về tăng cường cho Thị ủy Lạng Sơn.

“Chúng tôi có chút lo lắng vì tuy quân chính quy rút đi rồi nhưng thám báo và đơn vị hỗ trợ của địch vẫn còn trong thị xã. Pháo của Trung Quốc từ phía bên kia sông cũng bắn sang từng hồi. Cách thị xã 4km, đoàn chúng tôi gặp pháo. Tôi nằm đè lên người Takano vì sợ mảnh pháo. Anh ấy bảo: Thôi, không sao! Rồi anh ấy lại bảo mọi người lúc nào cũng sợ, sợ hi sinh thì lúc nào đi được”, ông Đuổng kể.

Chiều 7-3, hai xe UAZ chở đoàn nhà báo đi vào thị xã Lạng Sơn. Hai bên đường trâu bò heo gà chết ngổn ngang, người dân thị xã hầu hết đã được sơ tán về Đồng Mỏ (Chi Lăng, Lạng Sơn). Khoảng 15g30, xe dừng lại trước một biệt thự đổ nát.

Ông Đuổng kể từ biệt thự nhìn sang bên kia sông là khoảng không mênh mông, không có cây cối che phủ, không có hầm hào, hố công sự.

“Bỗng dưng một loạt đạn vang lên. Đại liên bên kia sông Kỳ Cùng bắn sang như mưa. Mọi người đều vội vàng tìm chỗ tránh, chiếc xe bị bắn tơi tả. Tôi dùng một khẩu AK bắn trả. Nhưng anh Takano thấy tôi bắn thì lại lao lên chụp ảnh. Anh ấy trúng đạn xuyên qua trán, ngã xuống ngay phía trước mà tôi không làm gì được. Phải một lúc sau, khi đạn ngớt tôi mới kéo được Takano xuống mương. Cuộc đấu súng còn kéo dài đến sau 17g. Tay tôi cũng bị thương vì một viên đạn xuyên qua”, ông Đuổng bồi hồi.

Phải đến gần nửa đêm hôm đó thi thể Takano mới được đưa ra khỏi khu vực đấu súng.

Trong hồi ức của ông Nông Văn Đuổng còn trọn vẹn một vùng về Takano, dù 35 năm sau cuộc chiến 1979, vùng ký ức đó hiếm khi được khơi lại. “Chúng tôi nói chuyện nhiều lắm, tôi hỏi Takano đến tận Việt Nam, đi vào nơi đạn pháo làm gì, ông ấy bảo: “Sang Việt Nam là trách nhiệm của chúng tôi. Trong cuộc chiến tranh chính nghĩa và phi nghĩa, chúng tôi phải đứng về phía chính nghĩa”.

Ông ấy bảo nhớ nhà lắm, nhớ con gái ở Nhật lắm, rồi hỏi tôi có vợ con, gia đình chưa. Rồi chẳng hiểu sao tôi hỏi ông ấy một câu rõ “vớ vẩn”: Nếu nhỡ hi sinh thì sao? Takano trả lời: Hi sinh là tất nhiên vì sự nghiệp” - ông Đuổng xúc động kể.

Từ biên giới Tây Nam đến Lạng Sơn

Trước khi mãi mãi dừng chân ở biên giới Lạng Sơn, Takano đã đi dọc Việt Nam, vào cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam. Với ông Nguyễn Thanh (nguyên phóng viên báo Quân Đội Nhân Dân), cuộc gặp tình cờ giữa rừng Tây Ninh ở Sở chỉ huy mặt trận biên giới Tây Nam với người đồng nghiệp Nhật Bản để lại ấn tượng không thể nào quên.

“Nhiều năm nay lúc về già tôi hay mơ chuyện cũ. Có đêm tôi mơ về Takano, về lúc chúng tôi ngồi canô đi dọc bờ sông để sang Campuchia, vào vùng chiến sự với quân Pol Pot” - ông Thanh chia sẻ.

“Mấy tuần sau, tôi ra Bắc và đi tàu ngược lên Lạng Sơn thì nghe nói có một phóng viên Nhật Bản hi sinh. Không hiểu sao tôi nghĩ ngay đến Takano. Tôi đã đến muộn một ngày. Có ai nghĩ những ngày đó vẫn có hàng ngàn người lính, dân thường và cả nhà báo nước ngoài hi sinh trên đất nước Việt Nam này. Cứ tưởng “từ nay hết lửa chiến trường” thì hết Tây Nam lại đến biên giới phía Bắc” - nhà báo Nguyễn Thanh kể.

pLK5MvMx.jpg
Ông Nông Văn Đuổng bên bia tưởng niệm nhà báo Takano tại nghĩa trang liệt sĩ Hoàng Đồng (Lạng Sơn) - Ảnh: Hà Hương

Hồn người ở lại

Hài cốt Takano ngay sau đó được đưa về quê hương. Nhưng ông Nông Văn Đuổng bảo hồn vía Takano vẫn còn ở lại với mây trời Lạng Sơn suốt 35 năm qua. Bia tưởng niệm nhà báo người Nhật Bản được đặt ở nghĩa trang liệt sĩ Hoàng Đồng, giữa nhiều bia mộ của các liệt sĩ hi sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.

Bà Nông Minh Hồng, quản trang của nghĩa trang liệt sĩ Hoàng Đồng, cho biết: “Thân nhân các gia đình liệt sĩ khi đến đây vẫn thắp hương cho ông Takano. Năm nào cũng có các đoàn Nhật Bản đến đây thăm nơi ông Takano đã hi sinh. Bà Michiko, vợ ông Takano, cũng sang thăm mấy lần, lúc nào bà cũng mời tôi chụp ảnh chung”.

Rất nhiều thế hệ sinh viên thế kỷ trước từng say mê hát bài Takano - nhân chứng quả cảm của nhạc sĩ Phó Đức Phương: Xin hát về người con của tuyết trắng Fuji hùng vĩ/Anh đến với quê tôi trong những ngày lửa khói/Tâm hồn anh tươi sáng như hoa anh đào mới nở...

Đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng đã đưa hình tượng nhà báo Takano vào bộ phim đầu tay của mình Thị xã trong tầm tay. “Đây cũng là một trong hiếm hoi những bộ phim về đề tài chiến tranh biên giới phía Bắc.

Nhân vật nhà báo Takano là một hư cấu của riêng đạo diễn Đặng Nhật Minh từ sự xúc động về nhà báo quả cảm, từ những câu chuyện được kể lại khi ông lên Lạng Sơn.

“Tôi không biết nhiều về ông Takano, cũng không biết trước lúc hi sinh ông ấy có nói gì không. Nhưng cả Takano và nhân vật nhà báo Vũ đều là những nhà báo cộng sản, mà đã là người cộng sản thì đều biết đến nhà tư tưởng Julius Fučík. Trước khi hi sinh vì trúng đạn của kẻ thù, Takano có nhắc lại câu nói của Fučík: “Hỡi nhân loại, hãy cảnh giác”, theo tôi rất hợp lý với khung cảnh của cuộc chiến tranh lúc đó. Và tôi nghĩ câu nói đó cũng logic với thời sự bây giờ” - đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ.

 HÀ HƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp