09/12/2022 20:16 GMT+7

Trải nghiệm lại thời ‘Điện Biên Phủ trên không' giữa Hà Nội

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Những ngày tháng 12 này, du khách có cơ hội được cảm nhận một cách sâu sắc về Hà Nội thời máu và hoa trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" bằng trải nghiệm đi trong giao thông hào, xem hầm tăng xê, mũ rơm, kẻng báo động…

Trải nghiệm lại thời ‘Điện Biên Phủ trên không giữa Hà Nội - Ảnh 1.

Hoạt cảnh đi tản cư của một gia đình Hà Nội những năm giặc Mỹ ném bom miền Bắc - Ảnh: T.ĐIỂU

Du khách có thể tìm thấy những trải nghiệm ấn tượng này trong trưng bày chuyên đề Khoảng lặng tại di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), được ban quản lý di tích thực hiện nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không (12-1972 - 12-2022).

Tại lễ khai mạc trưng bày sáng 9-12, người xem còn được sống lại những ngày "bom xé trời, mặt đất chao nghiêng" với hoạt cảnh những gia đình Hà Nội phải "chia nửa vầng trăng" - đàn ông ở lại sản xuất, chiến đấu bảo vệ thành phố, người già, trẻ nhỏ, phụ nữ sơ tán về các vùng quê - trong tiếng máy bay B52 gầm rú, tiếng kẻng báo động, tiếng phát thanh viên đọc hiệu lệnh báo động khẩn trương…

Những chiếc xe đạp chở mấy đồ dùng sinh hoạt tối thiểu, những em học sinh đội mũ rơm theo bà theo mẹ đi sơ tán, những cuộc chia tay chồng vợ bịn rịn, nhiều lo lắng xen giữa quyết tâm và tin tưởng.

Hoạt cảnh được các diễn viên thể hiện chân thật, sống động, ngoại trừ chiếc áo trắng của những em học sinh không đúng lắm với thực tế lúc bấy giờ: tất cả áo quần phải nhuộm tối màu để tránh trở thành mục tiêu ném bom của giặc Mỹ.

Giữa khung cảnh hầm hào giao thông, hầm cá nhân, hầm tăng xê, con dúi rơm phủ trên nóc hầm cá nhân, kẻng báo động làm từ vỏ bom, hình ảnh mũ rơm trên đầu những em học sinh vượt bom đạn tới trường, những công nhân đến nhà máy, nông dân lao động trên đồng, những nụ cười lạc quan và anh dũng, những chiến thắng và cả những đổ nát thương đau… hoạt cảnh khiến những người từng sống ở cái thời hoa lửa ấy và cả những người trẻ không biết gì về chiến tranh đều nghẹn ngào.

Trải nghiệm lại thời ‘Điện Biên Phủ trên không giữa Hà Nội - Ảnh 2.

Du khách trải nghiệm đi trong giao thông hào tại trưng bày - Ảnh: T.ĐIỂU

Gần đây, các trưng bày chuyên đề hay những tour tham quan đặc biệt ở di tích Nhà tù Hỏa Lò thường xây dựng các hoạt cảnh tái hiện câu chuyện lịch sử cụ thể, mang lại hiệu quả cảm xúc cũng như giá trị giáo dục lịch sử lớn cho người xem.

Giống như các trưng bày chuyên đề khác ở di tích này thời gian gần đây, trưng bày Khoảng lặng được dựng công phu, dày dặn thông tin, tái hiện được một phần bức tranh miền Bắc và đặc biệt là Hà Nội giai đoạn những năm 1964 - 1973 khi Mỹ tiến hành ném bom với dã tâm "đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá", đặc biệt là 12 ngày đêm của chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" tháng 12-1972.

Trải nghiệm lại thời ‘Điện Biên Phủ trên không giữa Hà Nội - Ảnh 3.

Du khách được trải nghiệm đánh kẻng báo động tại trưng bày Khoảng lặng - Ảnh: NGUYỄN VĂN HUY

Câu chuyện lịch sử được kể với người xem hôm nay qua nhiều phương tiện, từ các hình ảnh, tư liệu, thông tin lịch sử, câu chuyện, hầm hào giao thông, hầm tăng xê, kẻng báo động, con dúi rơm, mũ rơm, Huy hiệu Bác Hồ của phi công Nguyễn Văn Cốc được trao tặng khi bắn rơi máy bay Mỹ năm 1967, máy đo huyết áp, ống nghe của ông Đỗ Doãn Đại - giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - sử dụng để khám bệnh cho người dân và các nạn nhân sau những trận ném bom của máy bay Mỹ tại Hà Nội năm 1972…

Đặc biệt, nhiều tư liệu, hiện vật riêng có ở di tích Nhà tù Hỏa Lò được trưng bày đợt này, làm trọn vẹn hơn câu chuyện lịch sử như lá thư trung tá hải quân Walter Eugene Wilber viết gửi con trai trong thời gian ở trại giam Fafilm đường Nguyễn Trãi (Hà Nội) nhân dịp Giáng sinh năm 1970, những cuốn ghi ghép, từ điển giải thích từ ngữ tiếng Anh tự soạn của phi công Mỹ ở trại giam Hỏa Lò...

Trải nghiệm lại thời ‘Điện Biên Phủ trên không giữa Hà Nội - Ảnh 4.

Tái hiện hầm tăng xê và con dúi rơm tránh bom tại trưng bày - Ảnh: T.ĐIỂU

Và lần đầu tiên một số bức tranh trong bộ "Odyssey, cuộc viễn chinh còn dang dở của Wellington Blackflye" do trung tá không quân Hervey Studdiford Stockman vẽ trong thời gian ở trại giam Hỏa Lò năm 1970 được giới thiệu tới du khách dịp này, giúp du khách hiểu hơn về cuộc sống của phi công Mỹ trong "Hilton - Hà Nội" - cách phi công Mỹ gọi trại giam Hỏa Lò.

Với những người hoài cổ, yêu cái đẹp quá vãng, trưng bày là cơ hội để ngắm nhìn nhiều khung cảnh phố phường Hà Nội thời chống Mỹ còn giữ được những nhuần nhị, tinh tế, hiền hòa và đẹp.

Duy một điều còn chút lấn cấn về sự làm tư liệu chưa thật chuẩn mực trong một trưng bày công phu, đó là các hình ảnh tư liệu trong trưng bày đều không chú thích nguồn chu đáo.

Trải nghiệm lại thời ‘Điện Biên Phủ trên không giữa Hà Nội - Ảnh 5.

Cuộc hội ngộ của ba phi công bắn trúng máy bay B52 tại cuộc trưng bày Khoảng lặng. Từ trái qua phải là thượng tá Vũ Đình Rạng, đại tá Đào Đoàn Thế Hùng, thiếu tướng Trần Việt - Ảnh: T.ĐIỂU

Trải nghiệm lại thời ‘Điện Biên Phủ trên không giữa Hà Nội - Ảnh 6.

Trưng bày thu hút nhiều du khách quốc tế - Ảnh: T.ĐIỂU

Trải nghiệm lại thời ‘Điện Biên Phủ trên không giữa Hà Nội - Ảnh 7.

Trưng bày bức tranh Bữa ăn ngoài sân thuộc bộ tranh do trung tá không quân Hervey Studdiford Stockman vẽ trong thời gian ở trại giam Hỏa Lò năm 1970 - Ảnh: T.ĐIỂU

Nhìn lại 50 năm chiến thắng Nhìn lại 50 năm chiến thắng 'Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không'

TTO - Sáng 5-12, Bộ Quốc phòng tổ chức họp báo giới thiệu về hội thảo Chiến thắng 'Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972' - Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại tại Hà Nội.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp