Phóng to |
Thiếu nữ Nhật Bản trong trang phục kimono truyền thống đi lễ chùa - Ảnh: Tự Trung |
Sáng sớm, cả đoàn kéo hành lý ra khỏi khách sạn ở Tsuruga lên xe đi Shiga. Mấy trăm cây số đường cao tốc vùn vụt trôi qua trước mắt. Đến điểm tham quan là lâu đài Hikone, chợt nhớ ra cần nhờ cô hướng dẫn viên đổi thêm ít tiền, tôi mở dây kéo túi xách. Ôi thôi, ví tiền không còn nằm trong ấy nữa. Cuống quít tìm trong tất cả túi hành lý, lại phát hiện thêm cái iPad cứ ngỡ là vật bất ly thân cũng không còn.
Thật là hụt hẫng ở nơi tôi không biết tiếng cũng không biết chữ. Mọi người trong đoàn xúm vào an ủi: nếu để quên ở khách sạn thì nhất định còn, các khách sạn ở Nhật nổi tiếng uy tín về việc trả đồ để quên cho khách. Tôi cũng đã biết vậy, chỉ có điều lại biết thêm mình không bỏ quên ví tiền ở khách sạn.
Và đúng như điều tôi lo lắng. Gọi điện về khách sạn mình ở đêm qua, tôi được quản lý cho biết họ đang giữ chiếc iPad tôi bỏ quên trên giường, sẽ gửi bưu điện đến điểm kế tiếp trong hành trình của tôi, còn ví tiền thì không có.
Rà soát những việc mình đã làm tối hôm trước: nhận xong phòng khách sạn, chúng tôi rủ nhau vào một siêu thị gần đấy, đi siêu thị đương nhiên phải mang theo ví tiền. Nhưng chưa dạo hết nửa vòng thì siêu thị đến giờ đóng cửa, chúng tôi ra ngoài và vào một tiệm cà phê tự phục vụ. Sau đó tiếp tục đi bộ, vào một cửa hàng 24/7 tìm mua một cuốn sổ tay nhỏ trước khi quay về khách sạn. Tsuruga là một thị trấn nhỏ, chỉ mới 10 giờ đêm đường đã vắng lặng và chúng tôi cũng thấm mệt sau một ngày dài.
Cái ví nhất định đã thất lạc ở một trong những điểm đó: siêu thị, quán cà phê, cửa hàng 24/7. Toàn những nơi đông người qua lại, và quan trọng hơn tôi không biết địa chỉ. Chẳng có hi vọng nào để tìm lại, đành tự an ủi rằng may là trong ấy không có passport.
Nhưng Kiro, anh hướng dẫn viên người Nhật, lại đoan chắc với tôi: cứ yên tâm, sẽ tìm được. Chuyến tham quan của chúng tôi vẫn phải tiếp tục như dự định. Vừa leo lên những con dốc quanh co, vượt qua những hào nước để đến tòa lâu đài Hikone lộng lẫy, Kiro vừa gọi điện thoại.
Anh đã tìm ra số liên lạc của cửa hàng 24/7 thông qua tấm phiếu tính tiền còn kẹp trong cuốn sổ tôi mới mua. Đề nghị tìm trên các ngăn kệ, cửa hàng trả lời: không có. Tôi nghe thất vọng nhưng lại nghĩ một cách rất VN “đương nhiên họ sẽ trả lời như vậy”.
Kiro vẫn tỉnh bơ bảo tôi: “Chờ thêm một chút nữa, đừng buồn”. Tôi cũng cố gắng chiều theo anh để vắt óc thêm một chút thông tin: “Quán cà phê chúng tôi ngồi có lẽ cách cửa hàng ấy vài trăm mét”, lòng không còn hi vọng gì. Mơ hồ vậy nhưng Kiro lại vẫn gọi điện, và đầu dây bên kia chủ cửa hàng 24/7 đã bước ra đường.
Năm phút sau Kiro có điện thoại, anh quay sang hỏi tôi: “Cô đã ngồi ở bàn nào?”. “Gần cửa sổ”. “Cô đến đó lúc mấy giờ?”. “Khoảng 8g30 tối”, tôi trả lời vậy vì nhớ 8g tối siêu thị đã đóng cửa. Kiro nói vào điện thoại rồi quay sang cười: “Quán sẽ gửi ví tiền của cô đến khách sạn của chúng ta ở Kyoto”.
Tôi thật sự không tin được một tài sản khá có giá trị của mình đã được tìm thấy một cách nhẹ nhàng dựa trên những thông tin vu vơ như thế. Hôm sau, khi vừa bước vào khách sạn ở Kyoto, cùng với chìa khóa phòng mình tôi đã nhận được hai gói bưu phẩm.
Hôm sau nữa, lại đến lượt anh bạn cùng đoàn. Khi đang trên xe di chuyển, Kiro nhận được điện thoại: “Có một chiếc áo sơmi bị bỏ quên trong phòng...”, và đến chiều chiếc áo ấy đã đuổi kịp đoàn chúng tôi để trở về với chủ nhân. Anh bạn nhận lại áo mà còn cằn nhằn: “Công họ gửi tới đây còn cao hơn giá cái áo nữa”.
Tôi học cách cúi mình “Arigato” của người Nhật mà lòng cảm kích vô chừng. Không chỉ nhận lại được đồ đạc, tiền bạc của mình, tôi được nhận cả một nét văn hóa sống không biết đã được tôi luyện từ bao lâu nơi con người Nhật Bản.
Lần sau quay lại chắc chắn là để học thêm về những “đạo” của người Nhật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận