07/10/2016 16:11 GMT+7

​Về Jeonju sống chậm

NA HỒ
NA HỒ

TTO - Nằm ở phía Nam Seoul, thành phố Jeonju còn lưu giữ mấy trăm mái nhà gỗ cổ. Du khách đến đây có thể ra phố với những bộ hanbok điệu đàng hay ngồi nhâm nhi tách trà, ngắm nhìn mọi thứ chậm rãi trôi qua trước mắt.

Toàn cảnh làng hanok Jeonju - Ảnh: Na Hồ

1. Tôi xuôi theo những con đường lát gạch xám, tìm đến khu nhà nghỉ hanok nằm sát con sông ngăn cách thành phố bên ngoài và làng cổ.

Không phải resort, khách sạn cao cấp hay giường tầng ở dorm, nhà nghỉ hanok mới là mô hình phổ biến khi đến với làng cổ Jeonju, nơi du khách được hòa mình vào không gian sống mang phong cách Hàn Quốc truyền thống.

Các ngôi nhà hanok với cổng và tường rào mang tính chất “tượng trưng”, chỉ cao tới ngực, đi ngoài đường là có thể nhìn thấy toàn bộ kiến trúc bên trong và khoảnh vườn nhỏ xíu, nhưng được bài trí ấn tượng với các loại cây kiểng, dây leo và hòn non bộ cực kỳ bắt mắt.

Hiện nay, phần lớn nhà hanok đã được trùng tu lại, nhưng vẫn giữ các đường nét chính, được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ, đất, đá và vật liệu tự nhiên. 

Mái nhà được lát gạch Giwa màu đen xám đặc trưng, nếu ngồi từ quán cà phê trên cao, có thể tận hưởng không gian bình yên và lãng mạn trong buổi hoàng hôn, khi mặt trời từ từ hắt những tia nắng cuối cùng, đỏ ối trên hàng trăm mái nhà. 

Một bức vẽ trang trí bên đường làng - Ảnh: Na Hồ

Căn phòng tôi ở rộng khoảng mười mấy mét vuông, tường và các cửa phủ bằng giấy Hanji, một loại giấy truyền thống của Hàn Quốc, đã được bôi trơn với dầu đậu để chống thấm nước và thoáng khí. 

Tôi áp tay lên tường, cảm nhận sự thô ráp nhè nhẹ của bề mặt, tưởng như đang chạm vào giấy dó của Việt Nam. 

Sau này đọc thêm về kiến trúc của nhà hanok tôi mới biết dưới mặt sàn bằng gỗ là một hệ thống sưởi được thiết kế làm nóng từ bên dưới, giúp người dân cũng như du khách cảm thấy thoải mái trong tiết trời mùa đông giá lạnh.

Du khách mặc hanbok đi lại trên đường - Ảnh: Na Hồ

3. Mãi đến 3g chiều tôi mới bắt đầu đi bộ vào trung tâm của làng. Càng đi vào sâu bên trong càng gặp nhiều du khách mặc hanbok đi dạo, trong đó không thiếu những anh chàng người Hàn trẻ tuổi.

Thỉnh thoảng lại gặp một đôi tình nhân mặc hanbok "tông xuyệt tông", nam thì anh dũng với áo dài, mũ chóp, nữ thì yểu điệu với váy bồng điểm hoa nhỏ xíu trên nền vải tối màu.

Tất cả tạo nên một khung cảnh hết sức lãng mạn khiến tôi tự nhiên bước chậm lại, chỉ để có thời gian ngắm nhìn, tưởng như mình đang lạc vào thế giới cổ đại.

Hai bên đường, những ngôi nhà hanok đã được “trưng dụng” để trở thành các quán ăn, tiệm bánh hay quầy lưu niệm.

Trời mưa, tôi ghé vào cửa hàng bên đường, thoải mái xem và lựa đồ. Không có nhân viên bán hàng theo sát như khi vào các shop mỹ phẩm ở Seoul. Chủ cửa hàng ngồi chăm chú đọc sách hoặc lướt điện thoại, dù khách chỉ vào xem cũng không hề cảm thấy phiền lòng.

Nhà hanok cổ được “trưng dụng” - Ảnh: Na Hồ

Trên phố không có nhạc ầm ĩ hay âm thanh ồn ào của du khách, xe cộ. Đôi khi có ô tô hoặc xe máy điện chạy qua cũng chỉ nghe tiếng lạo xạo của bánh xe nghiến trên đường đá. Có lẽ vì thế Jeonju được biết đến với tên gọi “ngôi làng sống chậm”.

Và cũng có lẽ vì thế nên đến với làng hanok tôi không thấy mình vội vã, chỉ muốn hòa mình vào không gian bình yên đến nao lòng, như muốn giữ chân du khách ở lại thật lâu.

Đường vào làng hanok cổ tập trung nhiều du khách nhất, không chỉ bởi hệ thống những hàng quán xinh đẹp, tiện lợi mà còn là nơi hai điểm du lịch lớn nhất tọa lạc - nhà thờ Jeondong và lăng mộ Gyeonggi.

Nhà thờ Joendong nằm ngay trên đường vào làng, nối khu làng cổ với phố xá bên ngoài. Toàn bộ bề mặt bên ngoài được bao bọc bằng gạch đỏ và xám xây thô, trên cùng là mái vòm màu xanh lá cây.

Người ta nói nhà thờ được xây dựng để tôn vinh những vị thánh tử vì đạo Công giáo và hiện chỉ mở cửa trong những giờ làm lễ.

Trong khu sân rộng của nhà thờ phần lớn là những khách du lịch trẻ tuổi mặc hanbok vào làm dáng chụp ảnh hoặc khách vãng lai ghé qua nhìn ngắm không gian uy nghiêm dưới ánh đèn vàng bên trong.

Nhà thờ Jeondong - Ảnh: Na Hồ

3. Nằm đối diện với nhà thờ là khu lăng mộ Gyeonggi. Cuối tháng 9 trời lắc rắc mưa, lá cây vẫn chưa chuyển màu hoàn toàn làm không gian thẫm lại, càng tăng thêm vẻ trầm mặc cho khu làng cổ.

Cũng giống như các cung điện ở Seoul, phần lớn các khu vực của lăng mộ lớn nhất vương triều Joseon đều chỉ có thể đứng nhìn và đọc giới thiệu từ bên ngoài.

Tôi đi dọc những con đường ngai ngái mùi đất sau cơn mưa, loanh quanh trong khu lăng mộ dẫn đến khu triển lãm chân dung các vị vua và mô hình giới thiệu lễ hội truyền thống ở Jeonju nằm ở góc phía Đông, vừa kịp xem hết là tới giờ đóng cửa.

Không phải điểm nhấn đặc sắc, nhưng lăng mộ Gyeonggi với kiểu kiến trúc truyền thống dễ nhận ra của Hàn Quốc với mái ngói Giwa đen xám, cửa và các trụ nhà sơn màu đỏ hoặc nâu sẫm vẫn hài hòa trong tổng thể của làng hanok, khiến du khách đã đến Jeonju thì nhất định ghé qua để tận hưởng trọn vẹn không gian văn hóa nơi đây.

Khu lăng mộ Gyeonggi - Ảnh: Na Hồ

4. Và có lẽ cũng như tôi, ai đến Jeonju cũng phải nếm thử món ăn trứ danh bibimbap của vùng này. Lúc đầu tôi định đi tìm quán ăn nổi tiếng nhất ở Jeonju được các báo ca ngợi cũng như mấy trang du lịch gợi ý, nhưng kiếm hoài trên bản đồ không thấy nên vào ăn thử ở một quán giữa làng.

Bibimbap có phần bên dưới là cơm nấu mềm, hạt nở to, dẻo. Bên trên là cà rốt, giá đỗ, rong biển, thịt bằm, rau xanh, củ cải tươi, củ cải khô, rau sống xếp theo vòng tròn đầy màu sắc. Ở giữa, thường là một lòng đỏ trứng sống, cũng có nơi thay bằng trứng hấp hoặc chiên thái chỉ, và một thìa tương cà chua lẫn với ớt nghiền nhỏ cay xé lưỡi.

Có vài quán thì chỉ xếp rau, thịt trong tô, còn cơm thì bới riêng trong một bát nhỏ bằng kim loại, khi ăn thì đổ cơm vào, trộn đều với các nguyên liệu khác để lòng đỏ trứng và nước tương tan ra, quyện vào với rau, thịt và cơm.

Tôi thích nhất là vị ngọt bùi của giá làm từ đỗ tương, khác hẳn với giá làm bằng đỗ xanh thông thường và rong biển miếng cắt nhỏ, nếu ai không quen có thể thấy hơi tanh, mà tôi chỉ thấy vị thanh thanh đặc trưng còn sót lại nơi cuống lưỡi mỗi khi nuốt vào.

Bibimbap trứ danh của Jeonju - Ảnh: Na Hồ

5. Rời Jeonju, tôi không thấy nuối tiếc nhiều khi chưa được thử mặc hanbok, chưa được nếm thử rượu gạo địa phương hay chưa trải nghiệm lớp học thủ công với giấy hanji.

Tôi lại thấy có chút mong mỏi một ngày nào đó được trở lại, có lẽ là khi mùa thu lá vàng và đỏ trên từng góc phố, hay mùa đông tuyết phủ trắng trời.

NA HỒ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp