Tháng bảy nước chảy Cà Mau
Tháng mười ba khía hội, kéo nhau đi làm
U Minh, Rạch Gốc, rừng tràm
Muỗi kêu kệ muỗi, tao ham ba khía rồi.
Ngồi ca nô lướt như bay xuyên qua rừng đước, khám phá Mũi Cà Mau - Video: THANH HUYỀN
Câu ca dao ấy không chỉ ăn sâu vào đời sống của người dân Cà Mau, mà còn "quyến rũ" biết bao du khách đến với vùng đất cuối cùng của Tổ quốc, để được trải nghiệm một lần lội sình bắt ba khía trong rừng về đêm.
Ba khía là sản vật có nhiều ở vùng rừng ngập mặn Cà Mau, môi trường sống lý tưởng của chúng là vùng ven biển, rừng mắm, rừng đước. Loài này thường có tập tính đào hang, ban ngày thì chui vào hang trú ngụ, ban đêm chui ra khỏi hang đi bắt mồi là các con ốc, cá nhỏ. Thậm chí trái mắm, trái đước cũng là thức ăn ưa thích của loài này.
Theo nhiều người dân cho biết, cái tên ba khía bắt nguồn từ xa xưa, khi người dân có thói quen đặt tên theo đặc điểm ngoại hình. Những lưu dân đến khẩn hoang nơi cùng trời cuối đất Cà Mau thấy loài cua rừng xấu xí có đôi càng đỏ nâu, trên chiếc mai màu sẫm có 3 gạch (khía), nên người ta gọi là con ba khía.
Bắt ba khía rất dễ, chỉ cần một bao tay, đèn pin, thùng đựng, nhanh nhẹn và chịu khó lội sình bùn là mỗi đêm có thể bắt được 2 - 5kg. Mỗi kg ba khía loại to (10-20 con/kg) sẽ được bán với giá 30.000 - 50.000 đồng.
Mỗi đêm, người bắt ba khía có thể kiếm được 150.000 - 200.000 đồng. Những đêm tối trời, ba khía ra nhiều, người bắt có thể "trúng mánh" được khoảng 500.000 đồng.
Du khách thường ít kinh nghiệm nên sẽ bắt được ít ba khía hơn người chuyên nghiệp. Tuy nhiên, nếu bắt không được nhiều thì có thể mua lại ba khía từ những người dân địa phương, sau đó chế biến và thưởng thức.
Trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, tạo dựng cuộc sống, con ba khía hiện diện xuyên suốt, trở thành món ăn cứu đói.
Mỗi bận đi rừng, ông cha ta mang theo ba khía muối để lót dạ với cơm trắng. Tháng 7 mưa dầm dề đến tháng 10, khó kiếm thức ăn, món ba khía muối trở thành chủ lực trong bữa cơm của mỗi hộ gia đình. Trải qua hàng trăm năm, nghề bắt ba khía và muối ba khía trở thành sinh kế của biết bao người.
Tháng 12-2019, nghề muối ba khía ở huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) được công nhận là di sản hóa phi vật thể cấp quốc gia. Hiện nay, tỉnh Cà Mau có hơn 400 hộ dân với hơn 1.200 lao động trực tiếp tham gia sản xuất ba khía muối. Sản phẩm ba khía muối không chỉ được cộng đồng trong vùng ưa chuộng, mà còn được bán ra các nước lân cận như Campuchia, Thái Lan…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận