Phóng to |
Một trại chăn nuôi gà quy mô hàng chục ngàn con ở huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) - Ảnh: NGỌC TÀI |
Tại các cuộc họp HĐND tỉnh Tiền Giang nhiều năm qua, vấn đề ô nhiễm do chăn nuôi luôn làm “nóng” nghị trường, nhưng việc xử lý cũng giống như “bắt cóc bỏ đĩa”.
Sống chung với mùi hôi thối
Đường dây nóng nhận tin báo ô nhiễm trong chăn nuôi Để xử lý tình trạng chăn nuôi gây ô nhiễm trong thời gian chờ khu chăn nuôi tập trung hoàn thành, người dân có thể thông báo cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm cho Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường Công an Tiền Giang (số điện thoại: 0733.899811) hoặc thanh tra môi trường thuộc Sở Tài nguyên - môi trường Tiền Giang (số điện thoại 0733.872472). |
Huyện Chợ Gạo là khu vực chăn nuôi lớn của tỉnh Tiền Giang và cũng là điểm “nóng” về ô nhiễm môi trường. Trong đó, các trại chăn nuôi quy mô lớn hàng ngàn con heo/trại của “Anh em Năm Hưởng” ở thị trấn Chợ Gạo và xã Bình Ninh làm mất thời gian của đại biểu HĐND tỉnh và UBND tỉnh liên tiếp 3-4 kỳ họp.
Ông Trần Văn Đâu, chủ tịch UBND xã Bình Ninh, cho biết trong năm 2012 hầu như cuộc tiếp xúc cử tri nào người dân cũng phàn nàn trại chăn nuôi “Anh em Năm Hưởng” gây ô nhiễm, nhưng việc này ngoài tầm giải quyết của địa phương. Giữa năm 2012, khi người dân ở ấp Bình Hưng Hạ, xã Bình Ninh phản ứng quyết liệt thì UBND tỉnh Tiền Giang phải thuê chuyên gia của Trường đại học Bách khoa TP.HCM phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh đến trại chăn nuôi heo 3.000 con của “Anh em Năm Hưởng” suốt nhiều ngày để đo đạc, phân tích nước thải, khí thải và đề xuất biện pháp khắc phục ô nhiễm. Sau đó UBND tỉnh đã xử phạt chủ trại 39 triệu đồng và buộc giảm 2/3 đàn heo, chỉ còn lại 900 con. Mặc dù vậy, ông N. ở gần trại chăn nuôi này cho biết hiện nay người dân ở đây vẫn phải bịt mũi để chống chọi với mùi hôi thối từ trại này xông ra.
Trại nuôi gà “Anh em Năm Hưởng” ở xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo cũng đang làm khổ người dân. Bà Trần Thị Lệ Hằng, một người dân sống cách trại chăn nuôi này hơn 1km, cho biết: “Tui ở xa như vậy nhưng bữa nào gió thổi về hướng này thì ngộp thở với mùi phân gà. Ăn uống không thấy ngon, quần áo, đầu tóc lúc nào cũng có mùi hôi, gớm lắm”.
Tại khu vực xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo có trại chăn nuôi gà quy mô lớn của ông Út Trại. Theo người dân ở đây, chất thải từ hàng chục ngàn con heo, gà đều thải trực tiếp xuống kênh làm nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Ông Nguyễn Hữu Nhất, sống gần trại chăn nuôi, chỉ vào chân có rất nhiều mụn đỏ nói: “Hằng ngày tui dùng nước dơ dưới kênh tưới cho cây trồng trong vườn, nước ô nhiễm dính đến đâu thì mụn đỏ nổi đến đó. Giờ đâu có ai dám lội ngang kênh này nữa, vừa lội lên là ngứa liền”. Ở xã Mỹ Phước, thị trấn Mỹ Phước... (huyện Tân Phước) thời gian qua cũng mọc lên nhiều trại chăn nuôi rất lớn và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng làm người dân phản ứng gay gắt.
Theo Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường Công an Tiền Giang, năm 2012 cơ quan này phối hợp với Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh kiểm tra, xử phạt 15 cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm với số tiền phạt gần 100 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Lưu Minh Mãnh (chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường) cho rằng số trại chăn nuôi gây ô nhiễm bị phạt rất ít so với thực tế và việc xử phạt giống như “bắt cóc bỏ đĩa”, nhiều cơ sở bị phạt rồi vẫn gây ô nhiễm tiếp...
Chờ khu chăn nuôi tập trung
Ông Lê Minh Khánh - phó giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang - cho biết UBND tỉnh đã chỉ đạo sở lập quy hoạch khu chăn nuôi tập trung. Qua khảo sát, UBND tỉnh chọn khu đất rộng 200-250ha tại xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước để quy hoạch khu này. Đến nay quy hoạch đã làm xong, Sở NN&PTNT đã trình UBND tỉnh phê duyệt. Khi nào công bố quy hoạch sẽ di dời các trại chăn nuôi lớn về đây.
Theo ông Khánh, các trường hợp chăn nuôi quy mô vừa và lớn đều phải vào khu này chăn nuôi để quản lý dịch bệnh và môi trường. Cụ thể là đàn trâu, bò từ 50 con trở lên; heo, dê từ 100 con trở lên; gia cầm từ 5.000 con trở lên thì không được nuôi ở khu dân cư mà phải đưa vào khu này chăn nuôi. “Sau khi hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng khu chăn nuôi tập trung thì bắt buộc các cơ sở từng nằm trong danh sách đen về ô nhiễm di dời ngay. Còn những cơ sở còn lại sẽ lần lượt di dời. Hiện hộ nào đang chuẩn bị đầu tư nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn thì nên chờ để vào khu này vì nếu chăn nuôi bên ngoài sau này cũng phải di dời” - ông Khánh nói.
Theo UBND tỉnh Tiền Giang, khu chăn nuôi tập trung này là mô hình giống như cụm công nghiệp, tức là có nhà đầu tư cơ sở hạ tầng. Sau khi làm xong sẽ cho người chăn nuôi thuê chuồng trại chăn nuôi. Toàn bộ nước thải, chất thải, khí thải từ trại chăn nuôi này sẽ được xử lý đúng quy định của pháp luật nên sẽ giải quyết được vấn nạn ô nhiễm. Ngoài ra, lợi ích lớn nữa là ngành thú y sẽ quản lý được toàn bộ gia súc, gia cầm để tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh hiệu quả hơn chăn nuôi lẻ tẻ như hiện nay. Khu này là nơi sản xuất sản phẩm sạch để cung cấp cho thị trường trong tỉnh và TP.HCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận