08/11/2022 07:44 GMT+7

Trái đất chờ 'đơn thuốc' COP27, khí hậu toàn cầu vẫn đang tệ hơn từng ngày

MINH KHÔI - NGHI VŨ
MINH KHÔI - NGHI VŨ

TTO - Trong lúc các nhà lãnh đạo thế giới bắt đầu tụ họp tại Hội nghị COP27 ở Ai Cập để bàn về khí hậu, Tổ chức Khí tượng thế giới công bố báo cáo cho thấy tình hình khí hậu toàn cầu đang tệ hơn từng ngày.

Trái đất chờ đơn thuốc COP27, khí hậu toàn cầu vẫn đang tệ hơn từng ngày - Ảnh 1.

Hội nghị COP27 diễn ra ở khu nghỉ dưỡng Sharm El Sheikh, Ai Cập - Ảnh: Reuters

"Chúng ta phải trả lời tín hiệu đau đớn của hành tinh bằng hành động", Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi.

Tình hình ngày càng tồi tệ

Trong báo cáo khí hậu hằng năm công bố ngày 6-11, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết mực nước biển dâng trong thập niên qua cao gấp đôi so với những năm 1990 và kể từ tháng 1-2020 còn tăng với tốc độ cao hơn.

Kể từ khi thập niên hiện tại bắt đầu, nước biển dâng 5mm/năm so với mức 2,1mm/năm trong những năm 1990. Tám năm qua cũng là tám năm nóng nhất từng được ghi nhận.

Trong khi đó, các sông băng trên thế giới đang ngày càng co lại. Trong 21 năm liên tiếp (2001 - 2022), khối lượng băng trên các sông băng ở Thụy Sĩ đã giảm hơn 1/3.

"Chúng ta đã thua trong cuộc đua tốc độ với băng tan và mực nước biển dâng", Tổng thư ký WMO Petteri Taalas nói với Hãng tin AP. "Không có chỉ số tích cực nào cho tới nay".

"Báo cáo mới nhất này của WMO giống như một báo cáo trong phòng thí nghiệm cho một bệnh nhân bị bệnh nặng, nhưng trong trường hợp này, bệnh nhân là Trái đất", nhà khoa học khí hậu Jennifer Francis thuộc Trung tâm Nghiên cứu khí hậu Woodwell (Mỹ) nhận định.

Dữ liệu về mực nước biển và nhiệt độ trung bình chỉ là những con số khô khan. Nếu nhìn vào tác động của biến đổi khí hậu đến con người, ta sẽ thấy khí hậu đang là vấn đề rất cấp bách: trận lũ ở Pakistan mùa hè qua khiến hơn 1.700 người thiệt mạng và 7,9 triệu người phải di dời; trận hạn hán kéo dài bốn năm ở Đông Phi khiến hơn 18 triệu người bị đói; sông Dương Tử ở Trung Quốc khô hạn trơ đáy vào tháng 8 và nhiệt độ cao kỷ lục tại châu Âu...

"Mọi thứ sẽ tồi tệ hơn nếu chúng ta không hành động", giáo sư khí tượng học Marshall Shepherd từ Đại học Georgia (Mỹ) cảnh báo.

Trái đất chờ đơn thuốc COP27, khí hậu toàn cầu vẫn đang tệ hơn từng ngày - Ảnh 2.

Nguồn: WHO, WB, IOM, GCA, C40 Tổng hợp: NGHI VŨ - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Trách nhiệm của nước giàu

Phát biểu trước thềm khai mạc Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại Ai Cập, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres ngày 4-11 đã cảnh báo rằng nếu các nước giàu không ký "hiệp ước lịch sử" về khí hậu với các nước nghèo, con người sẽ bị diệt vong.

COP27 năm nay diễn ra từ ngày 6 đến 18-11 tại Ai Cập, là nơi để đại diện của khoảng 200 quốc gia trên thế giới bàn về hành động, nhằm giải quyết các vấn đề thiết thực như thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển sang nền kinh tế xanh, hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển...

Trong một loạt các chương trình nghị sự được công bố ngày khai mạc, vấn đề được quan tâm nhất là việc các nước giàu có nên bồi thường cho các quốc gia nghèo hơn và dễ bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng biến đổi khí hậu hay không.

Chủ tịch COP27 Sameh Shukri cho biết đây là lần đầu tiên chương trình nghị sự chính thức của COP27 bàn cụ thể về vấn đề hết sức cấp bách là các thỏa thuận hỗ trợ tài chính cần thiết để thu hẹp những khoảng cách, khắc phục tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.

Năm 2009, các nước giàu đã hứa tài trợ lên đến 100 tỉ USD/năm cho đến năm 2020 để nước đang phát triển xanh hóa nền kinh tế và khắc phục những mất mát, thiệt hại mà cuộc khủng hoảng khí hậu gây ra. Tuy nhiên, cam kết này vẫn còn trên giấy.

Theo Đài Aljazeera, các nhà nghiên cứu ở Tây Ban Nha đã ước tính rằng vào năm 2040, chỉ riêng chi phí mất mát và thiệt hại đối với các nước đang phát triển có thể lên tới 1.000 tỉ USD.

Theo Oxfam, hầu hết hỗ trợ tài chính khí hậu cho nước nghèo hiện nay đều dưới hình thức cho vay, khiến một số quốc gia nghèo nhất thế giới đang phải gánh khoản nợ khủng khiếp.

Oxfam cho biết Senegal, một trong những quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu nhất trên thế giới, cho đến nay đã nhận được 85% tài chính khí hậu dưới dạng nợ. Quốc gia Tây Phi đang có nguy cơ lâm vào cảnh túng quẫn khi gánh khoản nợ lên tới 62% tổng thu nhập quốc dân.

Tài chính khắc phục thiệt hại khí hậu đang là nội dung trọng tâm tại COP27. Các cuộc thảo luận về tổn thất và thiệt hại hiện nay trong chương trình nghị sự COP27 tuy chưa đảm bảo việc bồi thường hay quy kết trách nhiệm cho bên nào nhưng sẽ hướng đến một quyết định mang tính then chốt "không muộn hơn năm 2024".

Pháp kêu gọi Mỹ và Trung Quốc chi tiền

Chia sẻ trước thềm hội đàm COP27 tại Ai Cập ngày 7-11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi Mỹ, Trung Quốc và các nước giàu khác cùng chia sẻ công bằng để giúp nước nghèo chống biến đổi khí hậu.

"Chúng ta cần Mỹ và Trung Quốc đẩy mạnh cắt giảm khí thải và hỗ trợ tài chính", ông Macron nói. "Người châu Âu đang chi tiền. Chúng tôi là những người duy nhất chi tiền", nhà lãnh đạo Pháp cảm thán.

COP27 bàn bồi thường cho các nước đang phát triển COP27 bàn bồi thường cho các nước đang phát triển

TTO - 1/3 diện tích của Pakistan, quốc gia chỉ "góp" 1% vào khí thải toàn cầu, bị ngập lụt trong mùa hè vừa qua khiến 1.700 người chết.

MINH KHÔI - NGHI VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp