Khách hàng mua sắm hàng hóa dịp tết tại một siêu thị trên đường Đinh Tiên Hoàng (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: Tiến Long |
Trong khi hàng loạt mặt hàng thực phẩm bất ngờ được tiêu thụ mạnh vào những ngày cận tết, nhiều mặt hàng thời trang, giày dép đã không hút hàng vào thời điểm quyết định như kỳ vọng.
Trái cây thắng khá đậm
Gặp chúng tôi những ngày đầu năm mới, nhiều tiểu thương chợ đầu mối Hóc Môn, Thủ Đức hồ hởi khoe: thắng.
Năm nay hầu hết trái cây loại nào cũng thắng hết. Chị Huyền Nga, chợ Hóc Môn, cho biết phải gần chục năm tiểu thương mới mở sạp bán hàng tới tận mùng 1 tết vì hàng hút, bán rất chạy. Từ bưởi, dưa hấu đến mãng cầu, cam, quýt, chanh dây đều được tiêu thụ hết sạch trước tết.
“Chị vẫn chưa thống kê bán được bao nhiêu hàng, nhưng mỗi ngày cũng cả chục tấn trái cây mỗi loại được bán đi, gấp 3-4 lần năm trước” - tiểu thương này kể. Ngay cả sau tết, người dân có xu hướng đi lễ chùa nhiều nên trái cây cũng bán rất chạy. “Năm trước bán sau tết chậm lắm em ơi, năm nay thì bình thường cũng 50-60 triệu đồng mỗi ngày” - chị Nga cho biết.
Còn tại chợ Thủ Đức, tiểu thương tên Hạnh cũng cho biết chỉ tính riêng quýt chị bán được vài chục tấn, cao gấp đôi so với năm trước. “Gần tết bỗng nhiên hàng hút rất mạnh, gần như sạp nào cũng kéo dài thời gian bán hàng so với năm ngoái” - chị Hạnh nói.
Hầu hết tiểu thương cho biết thông thường hàng trái cây hút mạnh dịp tết không có gì lạ, nhưng năm nay lại tăng vọt bất thường phút chót do xu hướng mua sắm thay đổi. “27, 28 tháng chạp người dân mới có thưởng tết, đúng đợt phải mua sắm hàng tươi nên họ đổ xô đi mua, bán không kịp” - chị Hạnh giải thích.
Việc thưởng tết năm nay đến trễ cũng là lý do khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất có kế hoạch kinh doanh chủ động, cụ thể đều thắng lợi trong tình hình sức mua chung không mạnh.
Ông Trần Quốc Dũng, giám đốc kinh doanh nội địa Công ty Saigon Food, cho biết sức mua mùa tết tăng hơn so với dự kiến 6%, nhưng cũng có một số mặt hàng đến các ngày cận tết sức mua đã tăng đột biến nên không đủ cung cấp (ước tính khoảng 10% bị thiếu) ra thị trường.
Bà Lê Thị Thanh Lâm, phó tổng giám đốc Công ty Saigon Food, cho biết: “Tình hình sức mua cả năm quá yếu làm chúng tôi cũng dè dặt trong việc sản xuất chế biến dự trữ nhiều, chỉ dự đoán tăng khoảng 10%. Nhưng có lẽ vào thời điểm cuối năm, nhờ tác động của nhiều yếu tố đã kích thích mua sắm và sức mua tăng vọt”.
Tương tự, ông Phan Văn Thiện - phó tổng giám đốc Công ty Bibica - cho hay tình hình kinh doanh khả quan khi lượng hàng bán ra vượt 15% so với kế hoạch. Nhiều nhóm mặt hàng thậm chí còn không kịp sản xuất bao bì để bán do sức mua tăng mạnh.
Theo ông Thiện, sản xuất hàng tết năm nay có nhiều thay đổi, xu hướng mua sắm cũng thay đổi nhiều. Tuy nhiên Bibica vẫn chủ động do việc nghiên cứu, tính toán sản phẩm cũng như kế hoạch sản xuất phù hợp nên không xảy ra tình trạng dư thừa hàng hóa, bao bì cũng không bị đứt hàng giữa chừng.
Tiên liệu đúng
Trong khi đó, do đã tiên liệu được sức mua vào dịp tết năm nay sẽ kém hơn năm ngoái ít nhất 10-15% nên phần lớn doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng không lâm vào cảnh hàng tồn chất đống như nhiều năm trước đó.
Theo ông Nguyễn Hữu Phụng - chủ tịch HĐQT Công ty thời trang Việt (NinoMaxx), dù sức mua có bật lên vào những ngày của tuần cuối giáp tết, thậm chí có doanh số bán hàng tăng 70-80% so với các ngày bình thường trước đó, “nhưng tựu trung mùa kinh doanh tết năm nay doanh số vẫn giảm 10-15% so với tết năm ngoái.
Điều này chúng tôi không bất ngờ vì đã được dự báo trước nên kế hoạch sản xuất hàng hóa đều đúng định hướng đã đặt ra, hàng tồn gần như không có” - ông Phụng khẳng định.
Ông Phụng cho rằng do năm nay tết đến muộn, sức mua gần như đã “ăn trọn” vào tháng Noel và Tết dương lịch trước đó nên công ty đã có phương án cho mùa vụ sản xuất hàng hóa bán Tết âm lịch khá chi tiết.
“Lượng hàng sản xuất của chúng tôi chủ động giảm ngay từ đầu. Còn hàng hóa sản xuất dự phòng cho khả năng thị trường tăng đột biến cũng có, nhưng nếu không có tình trạng hút hàng vào giờ chót thì nó sẽ được bán tiếp tục cho hàng loạt ngày lễ lớn trong tháng 3 và tháng 4 nên mới nói không có hàng tồn là vậy” - ông Phụng thông tin.
Giám đốc DNTN giày Long Thành Trần Hữu Thành cũng nói dù luôn kỳ vọng thị trường sẽ hút hàng vào giờ chót, nhưng thực tế điều này không xảy ra. Theo ông Thành, sở dĩ nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng tết như công ty ông ngày một ít bị thiệt hại “vì công tác đánh giá, nghiên cứu thị trường đã được doanh nghiệp chuẩn bị rất kỹ. Yếu tố này rất quan trọng đến sự thắng - thua trong kinh doanh mùa tết và điều này còn dựa vào sự tinh nhạy riêng của từng doanh nghiệp”. Ông Thành cho biết dù tiên liệu được sức mua giảm, nhưng ông vẫn dành ra một giải pháp mở là vẫn sản xuất một lượng hàng dự phòng nhất định nhằm “đón” thị trường nếu sức mua tăng đột biến. “Nếu thị trường hút, tôi có hàng bán ngay. Nếu không, tôi lại lấy lượng hàng này bán tiếp cho dịp lễ 8-3 vì đặc trưng của ngành giày dép là thời gian sau tết vô công nhân đi làm trễ”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận