Đặng Hiếu Vương tẩn mẩn tỉ mỉ kiểm tra búp, nụ trên cây trà hoa vàng - Ảnh Q.Thế |
Để có được trái ngọt, hoa thơm trên những quả đồi thường xuyên bị khô hạn đã nói lên công sức, tâm huyết rất lớn của các bạn thanh niên như Vương, Bình. Trong thời gian tới nếu đoàn viên có nhu cầu học hỏi kinh nghiệm giữa các vùng trồng cây ăn quả, chăn nuôi thì chúng tôi sẽ tổ chức giao lưu, tham quan các mô hình |
GIÁP XUÂN THU (bí thư Huyện đoàn Lục Ngạn) |
Trong những mô hình đó phải kể đến dự án trồng cây trà hoa vàng (người dân địa phương gọi là cây chè rừng) do Đặng Hiếu Vương (21 tuổi, ở thôn Na Lang, xã Phong Minh), người dân tộc Dao, làm chủ.
“Dự án” lạ
Học xong lớp 12, Vương không đi làm công nhân hay làm nghề tự do như những thanh niên khác tại Na Lang, mà chọn mà ở lại địa phương để phát triển giống cây chè rừng. Trên đường đưa chúng tôi từ đường liên huyện về nhà, Vương mải miết kể về quá trình tìm, giữ giống trà hoa vàng.
“Ngày mình còn học cấp III đã theo bố vào rừng đào giữ lại giống hoa chè. Có hôm đi từ sáng đến chiều chỉ tìm được một vài cây bé. Nếu thời đó không cấp tốc đào kịp thì bây giờ đã mất hết giống sang Trung Quốc rồi” - Vương kể.
Ông Đặng Văn Hương (40 tuổi, bố Vương) nhớ lại vào năm 2010 có một số người ở Thái Nguyên đi thăm dò khoáng sản rồi phát hiện bãi vàng ở núi Vạn Cung. Khi thông tin này tiết lộ ra bên ngoài, mỗi ngày có đến hàng trăm người đến đây đào bới tìm vàng.
Đúng vào lúc này thương lái Trung Quốc tìm đến bản để hỏi mua hoa và cả lá, rễ cây chè rừng với giá rất cao. Vậy là người dân tứ xứ cứ vừa bới tung đất đá tìm vàng và phá nát cả bụi rậm tìm hoa.
“Biết có giá trị nên tôi huy động vợ con vào rừng đào giữ lại những cây quý đó để sau này trồng nhân rộng ra. Từ ngày có thương lái đến mua thì chỉ sau gần hai năm, cả cánh rừng rộng lớn không còn một cây chè rừng. Tìm được vài cây ban đầu đến nay con trai tôi nhân ra hơn 1.000 gốc trà hoa vàng” - ông Hương cười tươi khoe.
Để cây sống được và trổ bông đẹp như trong rừng, Vương lên mạng tìm đọc thông tin rồi quyết định nhân rộng dưới tán cây vải thiều. “Trồng xen canh dưới cây vải thiều giúp đất giữ được độ ẩm, vừa khai thác hoa chè, cây vải lại siêu trái hơn” - Vương lý giải.
Có thời điểm được giá 1kg bông trà khô bán gần 2 triệu đồng, trừ mọi chi phí mỗi vụ cho tiền lãi gần 100 triệu đồng. Không chỉ thị trường Trung Quốc mà trà hoa vàng đã qua Malaysia, Nhật Bản.
Thấy mô hình của ông chủ 9X không phải bón phân, phun thuốc trừ sâu mà mang lại hiệu quả kinh tế cao, người dân trồng cây ăn quả lâu năm các huyện lân cận truyền tai nhau kéo đến học hỏi kinh nghiệm.
Vương hướng dẫn cặn kẽ từ khâu trồng đến cách chăm sóc, bắt sâu rồi thu hoạch. Vương kể lại: “Ban đầu nhiều người nói tôi là người không bình thường mới trồng chè rừng dưới tán cây vải thiều như vậy. Nhưng rồi thấy mình làm hiệu quả nên đến nay hơn 20 hộ dân ở Na Lang cũng trồng theo”.
“Gia đình cháu Vương đã bảo tồn được giống cây dược liệu quý hiếm. Là cây quý nên giá trị kinh tế rất cao, bởi vậy chúng tôi mới rủ nhau thuê cả ôtô qua đây để học hỏi. Có nhiều hộ dân bỏ ra cả chục triệu đồng tiền giống nhưng thất bại vì cây chết hết. Gia đình tôi đã trồng được hơn 100 cây chỉ mong sau này hiệu quả như mô hình này...” - ông Triệu Văn Hội (45 tuổi, ở xã Quế Sơn, huyện Sơn Động, Bắc Giang) tâm sự.
Hai năm trước, khi thu hoạch hết bông, thương lái Trung Quốc tìm đến tận nhà hỏi mua mỗi một cành bé kèm theo lá, búp với giá 120.000 đồng nhưng Vương nhất quyết không bán.
“Nếu mình chỉ vì lợi nhuận trước mắt mà bán hết cho họ lấy tiền thì bây giờ không còn gì để làm kinh tế nữa” - Vương bộc bạch.
Trái ngọt
Không như Đặng Hiếu Vương, trường hợp của Nông Văn Bình (sinh 1990, ở thôn Hả, xã Tân Sơn) lại rất khác. Đang học lớp 11, cha mất sau nhiều năm chạy chữa khắp nơi nhưng không khỏi, Bình phải bỏ dở việc học phụ giúp mẹ làm vườn kiếm sống.
Để có thêm thu nhập những lúc nông nhàn, chàng trai trẻ xuống các xã vùng thấp buôn trâu. Rồi được tiếp cận các vườn trồng cam thấy hiệu quả, Bình mạnh dạn mua cây giống về trồng mong được “đổi đời”. Nhưng do chưa hiểu về cách chăm sóc, hơn 100 gốc cam cứ rụng lá rồi chết khô.
“Ban đầu không có vốn nên tiền mua giống cam để trồng phải vay ngân hàng và anh em trong gia đình. Thấy cây cứ chết xót xa lắm nhưng rồi được sự động viên của người thân nên gượng dậy, tiếp tục học thêm kỹ thuật chăm sóc và mua cây mới để trồng, nuôi hi vọng” - bà Nguyễn Thị Tọa (56 tuổi, mẹ Bình) nhớ lại.
Bên cạnh cây vải thiều truyền thống, từ năm 2014 chỉ tính riêng diện tích cam ngọt, cam Vinh, bưởi da xanh bắt đầu cho thu hoạch, Bình thu nhập sau mỗi vụ trên 100 triệu đồng. Để có được kinh tế khấm khá như ngày hôm nay, Bình bảo đã trải qua nhiều lần thất bại.
Lãi sau những vụ thu hoạch bưởi, cam ngọt, chàng trai 9X mới xây cất được ngôi nhà hai tầng khang trang vào diện đẹp nhất xã.
Bình tâm sự: “Trồng cây ăn quả không nên vì năng suất mà phun ồ ạt thuốc trừ sâu. Với tôi để phát triển bền vững cần phải sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, chỉ phun thuốc bảo vệ thực vật trong phạm vi cho phép mới giữ được bạn hàng”.
Bình dự kiến năm nay là thời điểm cây cam và bưởi ở độ trưởng thành sẽ cho lượng quả nhiều hơn, đạt trên 10 tấn. Ngoài thị trường Hà Nội, hiện nay tiểu thương các thành phố phía Bắc cũng đến Tân Sơn để mua.
Bí thư Huyện đoàn Lục Ngạn Giáp Xuân Thu cho biết trồng trà hoa vàng và cam ngọt là các mô hình mới ở hai xã Tân Sơn và Phong Minh do chính đoàn viên thanh niên làm chủ đã mang lại kinh tế cao cho địa phương.
Trong các cuộc tiếp xúc thương mại, huyện đoàn thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng giới thiệu sản phẩm nông sản của thanh niên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận