15/09/2019 15:05 GMT+7

Trách nhiệm quốc gia kế thừa nợ cũ - Kỳ 2: Nga không trả nợ thời Sa hoàng

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Tháng 4-2013, tòa án ở Pháp phán quyết nhà nước Liên bang Nga có quyền sở hữu đối với nhà thờ chính thống giáo Saint-Nicolas ở Nice.

Trách nhiệm quốc gia kế thừa nợ cũ - Kỳ 2: Nga không trả nợ thời Sa hoàng - Ảnh 1.

Nhà thờ Chính thống giáo Nga Saint-Nicolas ở Nice (Pháp) - Ảnh: La Croix

Nhà thờ này là công trình kiến trúc tôn giáo lớn nhất của Nga ở nước ngoài, được xây dựng từ năm 1902-1912 bằng tiền của Sa hoàng Nicholas II và đã được xếp hạng di tích lịch sử.

Năm 2006, sau khi Tổ chức văn hóa Chính thống giáo Nga tại Nice (ACOR) chiếm nhà thờ, Nga đã kiện ra tòa án Pháp với lập luận đất xây nhà thờ thuộc sở hữu của Sa hoàng. 

Hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm xét xử năm 2010 và 2011 nhận định dù ACOR phụ trách chăm sóc nhà thờ Saint-Nicolas nhưng hợp đồng thuê dài hạn năm 1909 (điều chỉnh năm 1923) đã quy định việc xây dựng và bảo trì nhà thờ thuộc quyền của Giáo hội Chính thống giáo Nga. 

Tòa giải thích giữa chế độ Sa hoàng với Liên bang Nga hiện nay có tính kế thừa về pháp lý.

Nợ nước ngoài là gánh nặng cho chính quyền mới trong bối cảnh nội chiến lan rộng.

Trang web Russia Beyond nhận xét tình hình nước Nga năm 1917

Dân Pháp ôm trái phiếu Nga

Kết quả giải quyết vụ tranh chấp nhà thờ Chính thống giáo Nga Saint-Nicolas ở Nice đã làm dấy lên niềm hi vọng đối với những người còn giữ trái phiếu cũ của Nga. 

Hiệp hội liên kết quốc tế những người sở hữu trái phiếu Nga tại Pháp (Afiper) lập luận nếu Nga công nhận bản án của tòa án Pháp về tính kế thừa đối với nhà thờ Saint-Nicolas thì cũng phải hành xử như thế với món nợ trái phiếu cũ của Nga.

Năm 1867, các công ty đường sắt thời Nga hoàng đã phát hành trái phiếu chính phủ bảo đảm bằng vàng. Trước Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918), 80% nợ nước ngoài của Nga do các nhà đầu tư ở Pháp nắm giữ. 

Hầu hết khoản nợ của Nga đều được phát hành tại trung tâm tài chính Paris. Chính phủ Pháp lúc bấy giờ đã khuyến khích người dân Pháp mua trái phiếu Nga với khẩu hiệu: "Cho Nga vay tiền cũng chính là cho nước Pháp vay". 

Ước tính có hơn 1 triệu công dân thời đệ tam Cộng hòa Pháp (1870-1940) mua trái phiếu Nga phát hành từ năm 1888-1914 với lãi suất 5%/năm. Nhiều người muốn kiếm chút tiền lãi an hưởng tuổi già bởi lúc đó chưa có chế độ bảo hiểm xã hội. Ngoài ở Pháp, nhiều người tại Anh, Bỉ, Đức và một số nước khác cũng mua trái phiếu Nga.

Cách mạng Tháng Mười Nga thành công. Ngày 3-2-1918, chính quyền Xô viết ban hành sắc lệnh hủy bỏ mọi khoản nợ của chế độ Nga hoàng và chính phủ lâm thời với lý do các chính sách kinh tế của chế độ Sa hoàng không nhằm phát triển đất nước mà chỉ làm giàu cho một nhóm thiểu số đặc quyền, tăng cường sức mạnh chuyên chế của Sa hoàng và tiến hành chiến tranh xâm lược. 

Trong nội chiến giữa Hồng quân và Bạch vệ, nước Nga Xô viết chiến thắng, quân các nước phương Tây rút lui. Liên Xô ra đời năm 1922. Trong 60 tỉ rúp nợ chế độ cũ để lại có 16 tỉ rúp là nợ nước ngoài.

Mùa xuân năm 1922, năm cường quốc tư bản, dẫn đầu là Pháp và Anh, đã tổ chức hội nghị quốc tế ở Genoa (Ý). Tài liệu hội nghị đã nêu yêu cầu Nga phải thừa nhận nghĩa vụ tài chính của Sa hoàng và chính phủ lâm thời, đồng thời kêu gọi thành lập một ủy ban giải quyết nợ Nga. 

Các nhà ngoại giao Nga kiên quyết bác bỏ yêu sách nêu trên. Họ dẫn chứng khi đệ nhất Cộng hòa Pháp ra đời ngày 22-9-1792 lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế, Pháp đã tuyên bố "chủ quyền của các dân tộc không bị hiệp ước của các bạo chúa ràng buộc", do đó đã xé bỏ các hiệp ước quốc tế và chỉ đồng ý thanh toán 1/3 nợ cũ quốc gia.

Cuối cùng phái đoàn Nga chỉ đồng ý trả một phần khoản nợ Sa hoàng (chủ yếu là nợ về xây dựng đường sắt) sau thời gian 30 năm nếu chính phủ các nước chủ nợ chính thức thừa nhận nước Nga Xô viết, tiếp tục cho vay song phương và đầu tư cho sản xuất. Hội nghị kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào.

Trách nhiệm quốc gia kế thừa nợ cũ - Kỳ 2: Nga không trả nợ thời Sa hoàng - Ảnh 3.

Nhiều công dân Pháp còn giữ trái phiếu cũ của Nga - Ảnh: 20 Minutes

Thương lượng và khép lại vấn đề nợ

Hiện nay, Nga tuyên bố vấn đề nợ chế độ cũ đối với Anh và Pháp đã khép lại. Chỉ trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Nga đã vay của Anh tổng cộng 5,5 tỉ rúp bảo đảm bằng vàng. 

Tháng 7-1986, Liên Xô và Anh đã ký thỏa thuận quy định Anh không tiếp tục đòi thanh toán các khoản nợ trước tháng 1-1939, đặc biệt là các món nợ và trái phiếu do chính phủ cũ hay cơ quan đại diện cho đế chế Nga phát hành trước ngày 7-11-1917. 

Bù lại, Liên Xô không đòi số vàng ký thác cho Ngân hàng Anh (tịch thu của Đức năm 1919) cũng như bất động sản và động sản. Thủ tục thanh lý trái phiếu được tiến hành từ tháng 11-1987 đến tháng 5-1990. Tiền bồi thường cho người sở hữu trái phiếu Nga ở Anh chiếm khoảng 10% giá trị trái phiếu.

Đối với Pháp, ngày 27-5-1997, tức sáu năm sau khi Liên Xô tan rã, Pháp và Nga đã ký thỏa thuận quy định hai nước từ bỏ mọi khoản nợ tài chính trên thực tế phát sinh trước ngày 9-5-1945 và không ủng hộ yêu sách đòi nợ của các công dân liên quan. 

Theo thỏa thuận, Nga chi trả cho Pháp 330 triệu euro đến năm 2000 và Pháp có trách nhiệm bồi thường cho những người giữ trái phiếu cũ của Nga. Trên thực tế chỉ có 10% trong số tiền này được chi trả cho những người giữ trái phiếu Nga theo luật tài chính sửa đổi ngày 30-12-1999.

Theo điều tra của Bộ Tài chính Pháp, có 316.219 người giữ khoảng 9,2 triệu trái phiếu Nga. Bộ Tài chính giải thích cho dù có thỏa thuận Pháp - Nga, những người giữ trái phiếu Nga dù đã nhận bồi thường vẫn có quyền đòi nợ cá nhân nhưng nhà nước không có nghĩa vụ hỗ trợ. 

Hiện nay, khoảng 400.000 người ở Pháp vẫn mong chờ được thanh toán trái phiếu cũ của Nga. Giá trị trái phiếu Nga kể cả lãi suất ước tính khoảng 1.000 tỉ euro.

Trách nhiệm quốc gia kế thừa nợ cũ - Kỳ 2: Nga không trả nợ thời Sa hoàng - Ảnh 4.

Khoảng 400.000 dân ở Pháp vẫn mong chờ được thanh toán trái phiếu cũ của Nga - Ảnh: Le Monde

26 năm giải quyết nợ Liên Xô cũ

Sau khi Liên Xô tan rã vào tháng 12-1991, nợ nước ngoài của Liên Xô ước tính khoảng 70 tỉ USD, chủ yếu là nợ trong giai đoạn cải tổ (perestroika) năm 1985-1991. Năm 1994, Nga nhận trách nhiệm đối với toàn bộ các khoản nợ nước ngoài của Liên Xô cũ, bù lại được sở hữu tài sản của Liên Xô.

Sau thập niên 1990 đầy khó khăn, vào đầu những năm 2000 Nga hưởng lợi khi giá dầu khí tăng vọt. Năm 2006, Nga đã giải quyết trước hạn nợ vay hơn 20 tỉ USD (95% nợ vay) cho 17 quốc gia chủ nợ của Liên Xô cũ tập hợp trong Câu lạc bộ Paris, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp. Nhiều nước ở châu Phi, châu Á và Nam Mỹ cũng được Nga giải quyết nợ cũ.

Đến năm 2017, Nga đã giải quyết xong xuôi nợ công nước ngoài của Liên Xô. Ngược lại, Nga đã xóa phần lớn các khoản nợ của các nước đang phát triển dưới thời Liên Xô cũ, trong đó có 30 tỉ USD của Cuba; 21,5 tỉ USD của Iraq; 11,1 tỉ USD của Mông Cổ; 11 tỉ USD của Afghanistan; 10 tỉ USD của CHDCND Triều Tiên và 20 tỉ USD của một số nước châu Phi.

Kỳ tới: Chính phủ Đức đã vay và có trả

Trách nhiệm quốc gia kế thừa nợ cũ - Kỳ 1: Trái phiếu Trung Quốc trước 1949 Trách nhiệm quốc gia kế thừa nợ cũ - Kỳ 1: Trái phiếu Trung Quốc trước 1949

TTO - Theo ABF, "từ 1900-1940, Trung Quốc phát hành hàng triệu USD nợ quốc gia, tiền trái phiếu để xây dựng sức mạnh kinh tế mà Trung Quốc hiện nay hưởng, do đó Trung Quốc phải thanh toán nợ". Thực tế Trung Quốc đã từng trả tiền cho Anh.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp