Chiều 14-7, ông Đồng Văn Lâm - chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh - khẳng định văn bản chuyển Sở Lao động - thương binh và xã hội chấp thuận cho Công ty China Chengda Engineering tuyển hơn 2.100 lao động Trung Quốc đến làm việc tại công trình Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 là đúng quy định pháp luật.
Phóng to |
Lao động Trung Quốc làm việc trên công trường Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 (Trà Vinh) - Ảnh: B.D. |
Tuy nhiên, ông Lâm cũng cho biết UBND tỉnh sẽ rút kinh nghiệm cho đăng tuyển rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân trong và ngoài tỉnh biết về nhu cầu tuyển dụng này.
Sẽ bổ sung văn bản uốn nắn
Chưa nắm trình độ chuyên môn của lao động nước ngoài Bà Phan Thị Thanh Bình, giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Trà Vinh, cho biết hiện nay có 1.212 người lao động nước ngoài làm việc tại công trình xây dựng Trung tâm nhiệt điện Duyên Hải. Còn việc phân tích theo trình độ chuyên môn thì sở đang yêu cầu các đơn vị báo cáo chi tiết, khi có số liệu chi tiết sở sẽ cung cấp thông tin. |
Theo ông Đồng Văn Lâm, trong quá trình doanh nghiệp nước ngoài muốn tuyển dụng lao động sẽ lên kế hoạch, sau đó cơ quan chức năng mới rà soát tình hình thực tế.
Việc phê duyệt dựa trên nguyên tắc đảm bảo mức độ ngành nghề, công việc đó phải tạo điều kiện, phải ưu tiên cho lao động Việt Nam. Khi nào tuyển không được lao động Việt Nam mới tính đến việc tuyển lao động nước ngoài.
Hơn 2.100 lao động này được tuyển từ năm 2014-2017, thời gian lao động làm việc trong giai đoạn này thấp nhất một năm, nhiều nhất ba năm và lao động chỉ làm công việc xây dựng cơ bản.
Trả lời câu hỏi “UBND tỉnh rút kinh nghiệm sẽ cho đăng tuyển rộng rãi trên cả nước, nghĩa là phải rút lại văn bản chấp thuận cho tuyển?”, ông Đồng Văn Lâm cho rằng văn bản chấp thuận chỉ gửi duy nhất cho Sở Lao động - thương binh và xã hội chứ chưa gửi cho cơ quan nào, kể cả phía nhà thầu Trung Quốc.
Do đó sẽ có những văn bản tiếp theo để bổ sung, uốn nắn. Bởi kế hoạch phê duyệt kéo dài sẽ có những thay đổi cần thiết theo hướng tạo điều kiện cho lao động Việt Nam vào làm việc càng nhiều càng tốt.
Trao đổi những khó khăn khi tuyển dụng lao động Việt Nam, ông Đồng Văn Lâm nêu ra nhiều trở ngại đang gặp như thời gian lao động không ổn định, người lao động có tay nghề đăng ký thời gian ngắn quá nên ngại, quá trình phỏng vấn còn gặp khó khăn, môi trường mới, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng còn giới hạn.
Bên cạnh đó, phía nhà thầu Trung Quốc yêu cầu trình độ ngoại ngữ khiến rất nhiều lao động Việt Nam khó đáp ứng mặc dù điều kiện tay nghề phù hợp với công việc.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ đấu tranh quyết liệt với phía nhà thầu Trung Quốc để họ gỡ bỏ yêu cầu về ngoại ngữ nhằm tạo điều kiện cho lao động Việt Nam” - ông Đồng Văn Lâm nói.
Ngoài ra, ông Đồng Văn Lâm cũng cho biết sẽ có nhiều cuộc làm việc với cơ quan chức năng để yêu cầu phía nhà thầu Trung Quốc khi triển khai các gói thầu, dự án tại tỉnh Trà Vinh phải có kế hoạch sử dụng lao động cụ thể về trình độ, chuyên môn để đảm bảo thời gian cho tỉnh triển khai đào tạo nguồn lao động đáp ứng nhu cầu công việc, cam kết ưu tiên sử dụng lao động Việt Nam.
“Cần thiết chúng tôi sẽ sử dụng ngân sách của tỉnh đào tạo nguồn lao động theo nhu cầu dự án để tạo công ăn việc làm cho lao động của tỉnh” - ông Đồng Văn Lâm cho biết.
Lao động Trung Quốc sử dụng giấy phép giả
Trước đó, Bộ Lao động - thương binh và xã hội đã có buổi làm việc với tỉnh Trà Vinh xung quanh vấn đề lao động Trung Quốc.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thanh Hòa, thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội, cho biết: “Chúng tôi có góp ý và đề nghị tỉnh Trà Vinh cần rút kinh nghiệm trong việc này, khi cho đăng tuyển dụng thì không nên đăng thông tin chỉ ở tỉnh Trà Vinh mà phải đăng tuyển dụng rộng rãi hơn ra các tỉnh, khu vực lân cận, đăng nhiều trên các phương tiện truyền thông khác ngoài Trà Vinh”.
Về việc hiện có nhiều lao động Trung Quốc làm việc ở tỉnh Trà Vinh, trong đó có nhóm đối tượng sử dụng giấy phép năm năm kinh nghiệm, ông Hòa cho hay: “Giấy phép năm năm kinh nghiệm theo quy định của chúng ta không phải là thiếu sót, cái cần bàn ở đây là vấn đề kiểm tra, kiểm soát. Đối với lao động Trung Quốc vào làm việc ở Việt Nam dạng này đúng là không thể biết được giấy phép thật hay giả, do không thể kiểm tra ở đâu được.
Ở Trung Quốc chưa có một tổ chức cụ thể để cấp và kiểm soát loại giấy tờ này. Không như ở Hàn Quốc và Nhật Bản, họ có những trung tâm cụ thể trong vấn đề này, khi chúng tôi muốn kiểm tra, liên hệ là có ngay. Vấn đề này khi triển khai cũng bàn rất kỹ, nhưng đúng là chưa có giải pháp kiểm soát căn cơ. Hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Lao động - thương binh và xã hội xem xét lại vấn đề này để có giải pháp căn cơ hơn”.
Ông Hòa nói thêm: “Chúng ta cũng đã phát hiện được vài trường hợp sử dụng giấy tờ giả loại này nên phổ biến kinh nghiệm rộng rãi cho các địa phương. Tuy nhiên, căn cơ nhất vẫn là tìm giải pháp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hơn”.
Đừng tự hại dân mình Trong 263 ý kiến phản hồi bài “Giở “chiêu trò” để không tuyển lao động Việt Nam” (Tuổi Trẻ ngày 13-7) đã có rất nhiều ý kiến đặt vấn đề trách nhiệm của UBND tỉnh Trà Vinh khi để tình trạng lao động trong nước bị o ép như vậy. Nhiều bạn đọc bức xúc với câu hỏi: UBND tỉnh Trà Vinh có nghĩ đến số lao động đang thất nghiệp trên địa bàn tỉnh không? Đi vào hướng giải pháp căn cơ hơn với việc nhà thầu Trung Quốc thường tìm cách đưa lao động nước họ vào các dự án ở nước ta, nhiều bạn đọc cho rằng cần phải có những quy định chặt chẽ hơn về vấn đề này. Bạn đọc Lê Uyên Nhi phân tích: “Mối quan hệ giữa chủ đầu tư và nhà thầu là quan hệ giữa ông chủ và người làm thuê. Nếu như có sự thỏa thuận ban đầu với điều kiện nhận thầu là buộc phải tuyển lao động Việt Nam, khi phía Việt Nam không có khả năng cung ứng lao động mới tuyển lao động Trung Quốc thì làm sao có chuyện lao động Trung Quốc tràn ngập được?”. Trong luồng ý kiến này, bạn đọc Kim Phương giới thiệu kinh nghiệm ở nước ngoài: “Ở Canada, nếu công ty trong nước hoặc công ty có vốn đầu tư nước ngoài muốn tuyển một lao động nước ngoài thì cần phải tạo công việc cho năm lao động trong nước có quốc tịch hoặc thường trú vĩnh viễn tại Canada. Điều kiện tuyển dụng phải đáp ứng theo nhu cầu lao động tối thiểu có đầy đủ mọi quyền lợi của Canada, chứ không phải theo tiêu chí của nước ngoài. Các dự án đầu tư tại bất kể nước nào cũng phải ưu tiên mục đích tạo công ăn việc làm cho công nhân trong nước thì họ mới mời đầu tư. Còn trên đất của người Việt lại tạo công ăn việc làm cho người Trung Quốc thì người Việt đã hại người Việt rồi!”. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận