21/02/2017 08:31 GMT+7

Trả vỉa hè cho người đi bộ

N.HÀ - Q.KHẢI ghi
N.HÀ - Q.KHẢI ghi

TTO - Bên cạnh các yêu cầu “đặt hàng” của người dân, lãnh đạo các quận ở TP.HCM cho biết đang thực hiện các biện pháp quyết liệt để tạo vỉa hè thông thoáng thuận lợi cho người đi bộ.

*** Error ***
Dải phân cách dành cho người đi bộ trước Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trên đường Võ Văn Kiệt, Q.5, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Trần Văn Dũng (phó chủ tịch UBND Q.Thủ Đức):

Lập lại trật tự 71 tuyến đường

Ngay từ tháng 1-2017, UBND quận Thủ Đức đã họp bàn, thống nhất ra kế hoạch lập lại trật tự lòng lề đường, xử lý kiên quyết tình trạng mua bán lấn chiếm tại 71 tuyến đường trên địa bàn quận. Đây là những trục đường chính trên địa bàn 12 phường.

Việc đục bỏ các con dốc, đường dẫn trên lề đường vào nhà gây cản trở người đi bộ đã được quận thực hiện từ năm 2013 - 2014. Các mái che, bãi giữ xe, nơi bán quán cà phê trên vỉa hè... cũng được xử lý trong thời gian trên.

Trong năm 2017, quận tiếp tục chỉ đạo phải tái kiểm tra xử lý kiên quyết tình trạng lấn chiếm tại 71 tuyến đường như trên với mục tiêu vỉa hè chỉ để dành cho người đi bộ. Đây cũng là cách tạo điều kiện cho người dân có không gian để đi bộ theo lời kêu gọi của lãnh đạo thành phố.

Ông Lê Quốc Tuấn (phó chủ tịch UBND quận 5):

Lắp lan can trên vỉa hè

Hiện tại, quận 5 đã lắp đặt lan can trên vỉa hè để phân định ranh giới phần đường cho người đi bộ ở trước Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (trên đường Võ Văn Kiệt). Đó cũng là một biện pháp nhằm hạn chế việc lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán, bước đầu thấy có hiệu quả nhất định. Đây cũng sẽ là một giải pháp mà quận 5 áp dụng trong kế hoạch giành lại vỉa hè cho người đi bộ sắp tới.

Trước đây, các tuyến đường có vạch sơn kẻ cho phép người dân sử dụng một phần lề đường theo quyết định 74 về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè. Quận 5 đang chờ UBND thành phố sửa đổi quyết định trên để tính toán lại cho các vỉa hè trên địa bàn quận.

Ông Võ Khắc Thái (chủ tịch UBND quận 3):

Tạo các dải cây xanh trên vỉa hè

Quận 3 thực hiện chỉ đạo của thành phố về việc lập lại trật tự lòng lề đường, trước hết thực hiện tại 12 tuyến đường kiểu mẫu (5 tuyến của quận và 7 tuyến cấp thành phố).

Trong thực tế thời gian qua, khi lực lượng giữ trật tự đô thị của phường, quận không có mặt thì người buôn bán trở lại lấn chiếm vỉa hè nên không duy trì tình trạng vỉa hè thông thoáng.

Hiện nay, quận giao cho hệ thống chính trị ở phường, ở khu phố, công an, cảnh sát khu vực phải chốt giữ. Vấn đề là phải thực hiện kiên quyết để chuyển đổi dần ý thức của người dân.

Bên cạnh đó, quận 3 sẽ áp dụng thêm một số biện pháp khác để ngăn người dân lấn chiếm vỉa hè.

Ví dụ như một vài đoạn của tuyến đường Trương Định có trồng cây tạo thành dải cây xanh phía trong (sát tường các công trình) và phía ngoài (giáp với bó vỉa hè), chỉ chừa phần vỉa hè cho người đi bộ. Sau khi thực hiện việc này, đoạn đường đó giảm được tình trạng lấn chiếm vỉa hè để làm nơi kinh doanh.

Một số tuyến đường trước đây cho phép giữ ôtô, xe máy trên vỉa hè thì nay kiên quyết dẹp các bãi xe này để tạo vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ. Ở những tuyến đường khác, quận sẽ tập trung tuyên truyền giáo dục cho người dân.

Hi vọng hiệu quả thông thoáng vỉa hè từ những tuyến đường kiểu mẫu sẽ lan tỏa dần sang những tuyến đường khác, như thế mới tạo không gian cho người đi bộ để ngày càng có nhiều người dân tham gia đi bộ theo lời kêu gọi của lãnh đạo thành phố.

Sinh viên Nguyễn Thị Trúc Cẩm (23 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp):

Tôi phải đi bộ dưới lòng đường

Tôi thường xuyên đi bộ từ nhà đến trường. Tôi ở trọ trên đường Hồ Văn Huê (Q.Phú Nhuận), trường tôi học là Trường đại học Mở ở đường Phổ Quang, sau chuyển về đường Nguyễn Kiệm (Q.Gò Vấp). Từ nhà tôi đến trường có xe buýt đi ngang nhưng tôi vẫn chọn đi bộ.

Đi bộ đến trường, với tôi, đó như cơ hội để tập thể dục, rèn luyện sức khỏe, thay vì buổi tối phải bỏ tiền, thời gian đến các phòng tập hay ra công viên chạy bộ như bạn bè. Trong suốt quãng đường đi bộ, tôi hay nghĩ nhờ thế này mình sẽ khỏe hơn, dẻo dai hơn, không lo béo bụng nên thấy tâm trạng rất vui vẻ, đó là động lực để tôi không thấy nản, mệt.

Đi bộ rất tốt và mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên để người dân TP.HCM chọn đi bộ thì cũng phải thay đổi rất nhiều thứ để thuận lợi cho họ.

Ở thành phố không phải tuyến đường nào cũng có vỉa hè rộng rãi, bằng phẳng cho người đi bộ. Vỉa hè nhiều tuyến đường lồi lõm. Không những thế, hàng rong, buôn bán lấn chiếm vỉa hè, xe taxi, ôtô cá nhân đậu trên vỉa hè choán hết lối đi của người đi bộ.

Ví dụ như vỉa hè của đường Hoàng Minh Giám, Nguyễn Kiệm, khu vực đường đi qua công viên Gia Định... nhiều người bán hủ tiếu, hột gà nướng, bán đồ điện tử... chiếm hết vỉa hè khiến tôi phải đi xuống lòng đường.

Ở những con đường một chiều, xe cộ chạy rất nhanh, việc đi xuống lòng đường như vậy rất nguy hiểm. Nhiều lần tôi đã bị người đi xe máy chạy qua va quẹt trúng vai đau điếng.

Để người dân lựa chọn đi bộ đi làm, tôi nghĩ trước tiên phải đảm bảo vỉa hè được thông thoáng, dẹp được buôn bán hàng rong lấn chiếm. Thành phố phải tăng cường thêm các bãi xe, nơi giữ xe ôtô cá nhân, taxi có chỗ đậu, không đậu lên vỉa hè choán hết chỗ của người đi bộ như hiện nay.

Hiện nay, do kẹt xe, ùn tắc nên giờ cao điểm, nhiều xe máy đã lao lên vỉa hè để đi cho nhanh, như vậy sẽ gây nguy hiểm cho người đi bộ. Do đó, phải có biện pháp xử lý để không còn tình trạng này.

Vỉa hè nhiều tuyến đường hiện nay chưa đồng bộ, cao thấp rộng hẹp khác nhau. Phải làm sao vỉa hè được bằng phẳng, đúng chuẩn, có vạch dò để thuận lợi cho cả người khiếm thị khi đi bộ.

M.Phượng ghi

N.HÀ - Q.KHẢI ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp