21/11/2020 09:01 GMT+7

Trả thù lao cho con

PHẠM PHONG
PHẠM PHONG

TTO - Đây là chủ đề tranh cãi không-ai-sai-cả của các bậc phụ huynh. Nhưng rốt cuộc, cái gì mới là quan trọng nhất?

Trả thù lao cho con - Ảnh 1.

Meghan Walbert là một nhà báo chuyên về giáo dục con cái. Trong một bài viết, cô nói vẫn nhớ khi còn nhỏ, mỗi lần nhận sổ liên lạc mang về nhà là cô vừa tự hào vừa tức giận. 

Tự hào vì đó là một bảng tổng kết toàn điểm A với điểm B mà cô kiếm được, nhưng tiếp theo là tức tối khi biết đám bạn cùng lớp nhiều đứa điểm không được như cô nhưng vẫn được bố mẹ thưởng, bằng tiền mặt hẳn hoi, thí dụ bạn Chrissy được hẳn 1 đô vì đạt điểm C, còn Meghan điểm A mà chẳng được gì.

Bố mẹ Meghan tóm lại không thưởng con vì học giỏi, họ chỉ phát cho cô tiền tiêu vặt. Vì cô đã làm việc nhà sao? Không, không liên quan, Meghan nhớ lại, có một số việc nhà cô bắt buộc phải làm, thí dụ như rửa rất nhiều chén đĩa sau mỗi bữa tối, nhưng làm việc nhà và được cho tiền là hai thứ không liên quan.

Đời bố mẹ ăn mặn, đời con khát nước. Khi có con, Meghan thưởng cho con cả vì học giỏi lẫn vì làm việc nhà, và cô làm thế sau khi đã xem xét nhiều "trường phái" dạy con khác nhau.

Ai cho tiền

Theo Meghan, bố mẹ nào cũng muốn dạy con mình thành người chăm chỉ, thành công và biết tiết kiệm. Để đạt mục tiêu này, các bố mẹ đã nghĩ ra các phương cách khác nhau, cái nào nghe cũng có lý.

Thí dụ, những người cho tiền con cái vì điểm tốt hoặc vì hoàn thành việc nhà cho rằng như thế là dạy trẻ hiểu được người ta cứ hoàn tất tốt "việc" của mình là nhận được tưởng thưởng về tài chính, lớn lên cũng thế thôi. 

Dĩ nhiên khi lớn rồi thì chẳng ai trả tiền cho ta khi ta lau nhà và giặt quần áo của chính ta, nhưng nếu làm tốt những việc mà công ty giao hay khách hàng giao thì sẽ có tiền. Tóm lại, bố mẹ trả tiền cho con là muốn con hiểu ra chân lý "tay làm hàm nhai", có lao động thì mới có tiền.

Thậm chí đã có hẳn một ứng dụng tên là BusyKid (Trẻ bận rộn) do Gregg Murset, một nhà kế hoạch tài chính và có sáu đứa con, lập nên. Ứng dụng này giúp bố mẹ và con cái kiểm soát việc được giao, tiền được trả, cái nào hoàn thành, phân bổ thế nào (tiết kiệm, mua bán, hoặc làm từ thiện).

Gregg cho rằng người ta nên gắn công việc với tiền bạc, luôn luôn là thế, theo một cách hợp lý và có ý nghĩa, bởi rồi trẻ lớn lên trong "thế giới thực" thì mọi sự sẽ là như thế. Bằng việc trả tiền cho trẻ vì làm tốt công việc, chúng ta đang giới thiệu cho chúng (và cho chúng thực hành nữa) khái niệm "kiếm sống" ở mô hình nhỏ của trẻ con. 

Việc này cũng giúp mở ra một cánh cửa đối thoại thường xuyên giữa bố mẹ và con cái về việc cân đối giữa tiết kiệm với tiêu pha và cho đi; dần dần khi chúng đi làm, kiếm được đồng ra đồng vào đều đặn thì mọi sự tính toán này cũng đã thành thói quen.

Trả thù lao cho con - Ảnh 2.

Ai không cho tiền

Khi khảo sát các "trường phái", Meghan nhận thấy những phụ huynh không trả tiền cho con cũng rất có lý. 

Họ muốn trẻ con tự thân phải thấy có động lực muốn làm tốt từ trong nhà ra đến trường lớp; muốn trẻ "thấm" được niềm vui của hoàn tất sau khi xong việc, sự tự hào về bản thân khi được điểm cao, khi được giúp đỡ gia đình… thay vì lấy động lực từ nguồn ngoại thân, tức là món tiền hay phần thưởng mà chúng trông chờ.

Cũng thế, Meghan nhận thấy một số trẻ có quần quật mấy thì điểm số vẫn làng nhàng, trong khi một số trẻ không cần mở sách thì vẫn "ngụp lặn" trong đại dương điểm A. Và theo chuyên gia về giáo dục Amy McCready đã nói, một chút thất bại như thế là tốt cho trẻ. 

Amy nói trả tiền cho trẻ mỗi khi được điểm tốt thì giúp trẻ giữ được điểm số đó vào những lần sau, nhưng cho phép trẻ thất bại (mà không thưởng không phạt) thì đem lại lợi ích còn lớn hơn. Theo bà, trong một thế giới đầy cạnh tranh, người ta sẽ khó sống khi phạm sai lầm vì sai một li đi một dặm. 

Đến đứng hạng hai cũng đã khó ở. Cho nên chấp nhận thất bại, học từ thất bại, đứng lên từ thất bại… là một kỹ năng hết sức cần thiết phải dạy cho trẻ. Trải qua nhiều lần như thế trẻ sẽ biết mình là ai. Việc để chúng học cách tự hồi phục và tự lập chính là chuẩn bị cho chúng một lợi thế khi vào đời.

Theo Amy, nếu cho tiền gắn hoàn toàn với làm việc nhà, một ngày kia trẻ sẽ cảm thấy thù lao ấy không đáng để phải đi đổ rác và hút bụi. Chúng sẽ không làm và không thèm lấy tiền, khi ấy bố mẹ lại phải nặng lời hay thỏa thuận lại. 

Như thế sẽ không giống với đời thực sau này khi ta không thể chỉ nhận làm những gói công việc "ngon" mà chê các gói "dở". Quả có thế, đời là làm rất nhiều việc kèm theo không muốn làm để được nhận và duy trì một vài việc mình rất muốn làm.

Phong cách dung hòa

Có một trường phái khác, ít phổ biến hơn nhưng được tính toán kỹ lưỡng, là tách biệt việc cho tiền với làm việc nhà ra. Tiền tiêu vặt thì vẫn cho nhưng không phải vì làm việc nhà, không phải vì được điểm tốt. Cho là cho.

Cách làm này nhìn bề ngoài có vẻ "sai sai", chẳng làm gì cũng cho tiền là việc không bao giờ tồn tại trong thế giới người lớn. Nhưng nhìn lại, số tiền ấy nào có lớn, chỉ nhỏ nhoi thôi và đủ để đứa trẻ có "công cụ" mà lưu thông với đời, học mua/bán, cho/nhận, tiết kiệm/tiêu hoang. 

Đến khi lớn lên và tự kiếm ra tiền, chúng đã học được những bài học căn bản về tiền. (Dĩ nhiên, bố mẹ phải giúp chúng phát triển thứ động lực "nội thân": không cho tiền vẫn học giỏi, vẫn giúp việc nhà, khi ấy sẽ phải nghĩ ra một hình thức tưởng thưởng đi đường vòng, hơi mất công nhưng rất đáng công).

Cá nhân tác giả Meghan đi dung hòa giữa tất cả các cách trên. Giống như bố mẹ cô trước kia, Meghan không cho con trai tiền mặt khi cháu được điểm tốt. 

Tuy cháu học tốt đấy nhưng cô muốn tập trung nhiều hơn vào những gì cháu đã nỗ lực và tiến bộ theo thời gian thay vì vào một kết quả cụ thể. Khi sổ liên lạc báo về điểm cao, cả nhà Meghan sẽ cùng ra tiệm ăn mừng nhưng nhấn mạnh ăn mừng thế này là do nỗ lực hay tiến bộ chung của cháu trong việc học.

Tuy nhiên nhà Meghan trả tiền cho trẻ con làm việc vặt. Trẻ có một danh sách các việc nhà cần làm; nếu làm mà không phàn nàn gì thì cuối tuần sẽ được phát chút tiền tiêu vặt. Còn nếu vừa làm vừa than hay trốn việc, hoặc phải để phụ huynh nhắc nhiều lần thì sẽ không có tiền - mà vẫn phải làm cho xong các việc. 

Theo Meghan, vế cuối là quan trọng, con trai cô đã "hiểu ra" sau một, hai lần bị mất tiền mà vẫn phải làm việc được giao. Còn khi cháu đang để dành tiền để mua thứ gì đó đặc biệt và muốn có thêm cho đủ, Meghan sẽ nghĩ thêm đầu việc cho làm, thí dụ hút bụi cả nhà là 1 đô, dọn máy rửa chén đĩa là 50 xu. Ở tuổi lên 10, con trai cô đã hiểu được phải làm sao để nhanh chóng đạt được mục tiêu tài chính: ấy là nhận thêm việc mà làm.

Theo Meghan, có những việc trong nhà cần giúp bố mẹ thì con cái vẫn phải giúp và vui vẻ giúp, với tư cách một thành viên đóng góp cho gia đình, và thế là dĩ nhiên không nhận được xu nào, nhưng ấy là việc đương nhiên.

"Còn đây là cách tôi làm"

Bên dưới bài viết của Meghan là những lời bình luận. Người thì kể lại hồi bé được thưởng thế nào, người khác lại rơi vào hoàn cảnh nhà quá nghèo, đến đóng tiền ăn cho con trong trường mà bố mẹ còn phải nợ, lấy đâu tiền thưởng. Tuy nhiên con nhà nghèo lại có cái ngoan của con nhà nghèo: độc giả ấy học được cách chia sẻ với khó khăn của cả gia đình và rất tiết kiệm.

Nhưng hóa ra có hai khía cạnh mà bài viết của Meghan mới đả động nhè nhẹ hoặc chưa nói tới, đó là "chế tài" và "đóng thuế". Một độc giả kể lại chuyện hai anh em nhà họ được bố mẹ thuê làm việc nhà, xong xuôi đâu đó họ bị trừ thuế (20%). 

Bố mẹ họ lý luận ấy là để các con quen với việc sau này tiền kiếm ra phải trừ thuế, tuy nhiên số tiền trừ đi ấy hình như bố mẹ bỏ túi cả. Nhân sự ấm ức của độc giả này, một số độc giả khác đề ra các giải pháp thú vị, thí dụ:

- trừ thuế của con, lấy số tiền đó để dành và mỗi quý sẽ hoàn thuế.

- lấy số tiền thuế gửi vào tiết kiệm cho con (nghe chẳng đáng là bao).

- dùng số tiền thuế đó làm quỹ "chế tài".

Về "chế tài", nhiều độc giả nêu ra chính sách của bố mẹ họ, hóa ra khá khắc nghiệt: điểm A, điểm B thì được thưởng bao nhiêu. Điểm C, D, F bị phạt tiền bao nhiêu. Làm việc nhà tốt thì được thưởng. Không làm thì bị phạt tiền, cắt tiền. 

Dĩ nhiên có những trường hợp tiền phạt nhiều hơn tiền thưởng và trẻ con thành ra nản chí, thấy có học có làm cũng chỉ là để trả nợ. Khi đó bố mẹ lại cần phải có những cách thức linh động, động viên, xé bỏ "giấy nợ"…

Tiêu thế nào mới là quan trọng

Nói chung mỗi đứa trẻ mỗi khác. Có trẻ ta phải phạt tiền nó mới chịu bớt đọc sách. Có trẻ phải thuê đọc sách mới chịu đọc. Có trẻ khôn lỏi, có trẻ ngây thơ, nên mỗi thỏa thuận mang tính khuyến khích trẻ đều khác nhau ở từng gia đình; mức "công xá" cũng tùy vào tình hình ví tiền bố mẹ. Nhưng bài học chung nhất có lẽ vẫn là dạy con tiêu thế nào đồng tiền mình kiếm ra - là đừng tiêu bo bo một mình.

Khi đọc bài báo của Meghan, tôi nhớ lại thời lớp chín của mình. Tôi được phát tiền đi học, tiền làm việc nhà, tiền học, ít ỏi thôi nhưng rất quý, vì với số tiền ấy tôi có thể ngày ngày mua quà cổng trường để ăn cùng một người bạn thân không-bao-giờ-có-tiền vì quá nghèo; vừa bao bọc vừa phải nhẹ nhàng sợ bạn tủi thân… 

Bạn ấy cũng vì quá nghèo mà giờ đã lưu lạc đâu không biết, nhưng bài học về tiêu hợp lý những đồng tiền nhỏ thì tôi vẫn mang theo để dạy con mình.

Tôi không cho con tiền đi học mà dạy con nuôi heo đất Tôi không cho con tiền đi học mà dạy con nuôi heo đất

TTO - Cô không cho đem tiền đi học, con không xin mẹ tiền tiêu vặt nữa, lớp con cũng không còn tình trạng bạn này bạn kia bị mất tiền.

PHẠM PHONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp