
Nhân viên Starbucks Việt Nam làm việc tại quầy pha chế có cồn trong cửa hàng Reserve quận 1 - Ảnh: HỒNG PHÚC
Không chỉ mở lại cửa hàng theo mô hình cao cấp Starbucks Reserve, hãng còn lựa chọn đặt địa điểm tại một trong những khu vực sầm uất bậc nhất TP.HCM, với mức thuê ước tính lên tới hàng tỉ đồng mỗi tháng. Tại đây, sẽ có những món nước được bán với giá trên 200.000 đồng.
Tháng 8-2024, Starbucks Việt Nam đóng cửa hàng Reserve trên đường Hàn Thuyên, cửa hàng đầu tiên theo mô hình Reserve tại Việt Nam sau bảy năm hoạt động.
Hãng cho biết lý do là hết hạn hợp đồng và không đạt được thỏa thuận theo giá cũ. Theo các sàn môi giới, giá thuê tại thời điểm đó hơn 500 triệu đồng/tháng và hiện nay hơn 700 triệu đồng/tháng cho diện tích 210m².
Dù từng cho rằng việc tìm mặt bằng mới cho Reserve là "rất mất thời gian và công sức", chỉ bốn tháng sau khi đóng cửa hàng ở đường Hàn Thuyên, Starbucks tiết lộ đã tìm được mặt bằng mới.
Cụ thể, một cửa hàng Reserve hai tầng với diện tích hơn 250m², được mở tại Bitexco, tòa nhà biểu tượng kiến trúc và trung tâm tài chính năng động bậc nhất TP.HCM.
Cửa hàng mới tại Bitexco sẽ khai trương vào ngày 20-4.
Tầng một phục vụ các món đặc trưng quen thuộc của Starbucks, trong khi tầng hai dành riêng cho quầy Reserve và quầy pha chế có cồn (Mixology Bar), giá mỗi món tại khu vực này có thể trên 200.000 đồng.
Thời gian hoạt động của các khu vực trong cửa hàng cũng được phân chia khác nhau như quầy Reserve mở từ 7h, còn Mixology Bar bắt đầu phục vụ từ 15h.
Theo mức giá cho thuê công bố trên thị trường khoảng 150 USD/m², tổng chi phí thuê cho cửa hàng mới của Starbucks Việt Nam có thể lên đến 1,9 tỉ đồng mỗi tháng (chưa tính các ưu đãi, chiết khấu riêng hay các thỏa thuận khác).
Đại diện Starbucks Việt Nam không xác nhận cụ thể mức giá thuê, nhưng cho biết sẽ không thuê lại mặt bằng cũ ở Hàn Thuyên và tiết lộ kế hoạch mở thêm một cửa hàng cao cấp khác tại trung tâm quận 1. Hiện thương hiệu này vận hành 126 cửa hàng trên toàn quốc.
Cuối năm 2023, ông Hồ Mai Hồ trở thành CEO Starbucks Việt Nam, thay cho bà Patricia Marques, người đã gắn bó với thương hiệu này từ những ngày đầu vào thị trường Việt Nam (2013). Đến cuối năm 2024, bà Patricia Marques trở lại ngành F&B với vai trò CEO chuỗi Phúc Long thuộc Tập đoàn Masan.
Ông Hồ Mai Hồ là người ít chia sẻ trước truyền thông. Khác với người tiền nhiệm thường xuyên xuất hiện và phát biểu tại các sự kiện, ông gần như không trả lời trực tiếp báo chí. Mọi phát ngôn đều được bộ phận truyền thông của công ty thực hiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận