Bạn trẻ tìm hiểu thông tin giới thiệu việc làm tại sàn giao dịch việc làm - Ảnh minh họa: Quang Định |
Các bạn trẻ giận dữ không phải chỉ bởi cách trả lời có phần tự cao mà còn vì những bình luận với từ ngữ đầy miệt thị dành cho ứng viên là sinh viên một trường đại học khá nổi. Từ việc này, chúng ta quan tâm ở đây là kỹ năng của người đi tìm việc và cả nhà tuyển dụng.
Vấn đề mà T.Đ. nêu ra khi cho rằng hồ sơ của ứng viên thiếu thư giới thiệu bản thân (cover letter) hay làm sơ yếu lý lịch (CV) sơ sài thật ra hoàn toàn có cơ sở. Nhu cầu được hướng dẫn viết cover letter và CV là có thật, và nên được trường đại học xem là một “dịch vụ” phải có dành cho sinh viên của trường mình, giúp các bạn trang bị “vũ khí” cần thiết khi xông pha trên “mặt trận” tìm việc làm.
Ở một khía cạnh khác, khi VN ngày càng gia nhập nhanh vào quá trình quốc tế hóa, các nhà tuyển dụng cũng cần linh hoạt hơn trong vấn đề CV, nên để ứng viên tự tạo mẫu CV cho bản thân mình, tạo dấu ấn và khác biệt giữa từng ứng viên hơn là buộc ứng viên phải nộp CV theo mẫu đã có từ lâu lắm, trong đó kê khai cả cha mẹ làm gì, ở đâu từ mấy chục năm trước như cách mà nhiều doanh nghiệp vẫn đòi hỏi. Theo một người làm trong ngành nhân sự, rất hiếm doanh nghiệp, tổ chức quy định văn hóa trả lời email cho nhân viên. Người ta mặc định rằng đó là kỹ năng cần biết và người càng ở chức cao thì đương nhiên là kỹ năng này càng cao. Thế nên khi đọc email trả lời của T.Đ. - ở vị trí là giám đốc của một bộ phận - trả lời cho ứng viên, nhiều người tỏ ra bị sốc, không thể tin nổi là anh này lại có thể phản hồi kèm những bình luận không hay trên trang cá nhân của mình như thế.
Kỹ năng “mềm” không phải chỉ học vài ba buổi là xong mà nó cũng như kinh nghiệm làm việc, phải không ngừng được tích lũy qua năm tháng. Hãy bắt đầu từ kỹ năng nhỏ nhưng quan trọng khi làm “sếp”: biết cách trả lời email sao cho có văn hóa!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận