05/03/2018 09:17 GMT+7

'Trả lại tên' cho giáo sư, phó giáo sư

NGỌC HÀ - D.KIM THOA
NGỌC HÀ - D.KIM THOA

TTO - Nhiều quan chức ở Việt Nam dành thời gian làm giáo sư, phó giáo sư trong khi công việc quản lý bận rộn và nặng nề. Họ có nên đồng thời là giáo sư, phó giáo sư hay không?

Trả lại tên cho giáo sư, phó giáo sư - Ảnh 1.

Tuổi Trẻ tiếp tục ghi nhận các ý kiến khác nhau về vấn đề đang rất được dư luận quan tâm này.

Không thể "vừa xay thóc, vừa ẵm em"

Đại biểu Quốc hội LƯU BÌNH NHƯỠNG chia sẻ quan điểm: đã là quan chức - đặc biệt đã làm đến bộ trưởng, thứ trưởng - thì nên dừng lại việc làm giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS).

Là đại biểu Quốc hội, giám sát các bộ trưởng, nên tôi biết không bộ trưởng nào có chút thời gian rảnh rỗi để làm khoa học cả. Thậm chí kể cả ngày thứ bảy, chủ nhật, các bộ trưởng cũng rất bận rộn với công việc của mình.

Mỗi ngày có bao nhiêu công việc, sự vụ, báo cáo, không thể có thời gian giảng bài. Nói một cách nghiêm túc: các cán bộ quản lý như vậy không thể chủ trì một đề tài khoa học lớn, nếu có tên thì chỉ là do người khác làm mà thôi.

Trả lại tên cho giáo sư, phó giáo sư - Ảnh 2.

Còn nếu cán bộ quản lý chứng minh đủ điều kiện làm GS thì phải xem lại lịch công tác. Nếu khai báo không trung thực thì phải xử lý kỷ luật một cách nghiêm minh. Việc rà soát GS, PGS lần này cần làm rõ trắng đen, chứ không thể "vừa xay thóc, vừa ẵm em", vừa muốn có danh lại vừa muốn có thực.

Một bộ trưởng nên tập trung cao độ vào công việc của bộ trưởng. Là đại biểu Quốc hội, chúng tôi cần những cơ quan, những người lãnh đạo mà chúng tôi giám sát phải tập trung công việc, không lơ là sang việc khác. 

Chính phủ đang kêu gọi xây dựng chính phủ kiến tạo thì hãy tập trung thời gian vào đó. Đã đến lúc cần có những quy định rõ ràng để nếu là bộ trưởng thì đừng làm GS, còn nếu đam mê làm GS quá thì nên thôi chức bộ trưởng.

Đã là quan chức thì thôi làm GS

Với tư cách là chủ tịch hội đồng chức danh GS cơ sở hàng chục năm, đồng thời là thành viên hội đồng chức danh GS ngành kinh tế nhiều năm, GS ĐINH VĂN TIẾN (nguyên phó GĐ Học viện Hành chính quốc gia, cho rằng những người làm cán bộ quản lý như tổng giám đốc, cục trưởng, vụ trưởng, lên đến chức thứ trưởng, bộ trưởng thì không nên làm GS, PGS.

Theo ông, cho dù tiêu chuẩn chung cũng hạn chế đối tượng này bằng quy định tiêu chuẩn GS, PGS với thỉnh giảng phải gấp đôi bình thường, nhưng vấn đề là công việc hằng ngày của những quan chức này đâu phải là công việc chuyên môn của GS. 

Trả lại tên cho giáo sư, phó giáo sư - Ảnh 3.

"Công việc hằng ngày của lãnh đạo là chỉ đạo, quản lý, xét duyệt các mặt hoạt động hành chính, chứ không làm công tác giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu.

Vậy vì sao nhiều cán bộ quản lý tha thiết chức danh này đến thế? Tôi cho rằng nhiều vị lãnh đạo chạy đua đến chức danh này vì hai mục đích. 

Thứ nhất, mục đích trước mắt là gắn mác GS để giải quyết được vấn đề tâm lý, cho rằng mình có vị thế hơn, xã hội tôn vinh, trọng vọng hơn. 

Thứ hai, nhiều người cũng chuẩn bị cho tương lai khi sắp nghỉ hưu, có học hàm đó có thể trở lại các trường, viện để kéo dài thời gian công tác.

Nhiều năm qua, trong các quy định của Nhà nước về tiêu chuẩn, quy trình xét duyệt chức danh GS vẫn đề cập những người thỉnh giảng, làm quản lý. Quy định này chắc chắn phải sửa. Phải trở lại quy luật chung của thế giới: GS trước hết phải là giảng viên, làm việc ở các trường đại học, các viện, học viện có chức năng đào tạo, nghiên cứu", ông nói.

Phải giảm bớt đặc quyền, đặc lợi

Đại biểu Quốc hội TRẦN THỊ QUỐC KHÁNH (ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội) cho biết: tôi có điều kiện tìm hiểu ở các nước và thấy quan niệm GS trên thế giới trước hết phải là người giảng dạy trong các trường đại học. 

Còn ở Việt Nam, GS là chức danh khoa học mang theo nhiều đặc quyền đặc lợi - như kéo dài thời gian công tác, được tăng lương... khiến nhiều người muốn được phong học hàm GS, dù không tham gia hoặc rất ít tham gia giảng dạy.

Trả lại tên cho giáo sư, phó giáo sư - Ảnh 4.

Việt Nam đã hội nhập quốc tế, các quy định này cũng cần hội nhập ngay. Lãnh đạo cần có chí hướng phục vụ đất nước, toàn tâm toàn ý phụng sự nhân dân. Phải thay đổi quan niệm, suy nghĩ từ trên xuống dưới, các cấp tổ chức cần phải thực hiện gương mẫu.

Cần "trả lại tên cho em" trong quy trình phong GS như cách các nước đã làm và giảm bớt đặc quyền, đặc lợi ở chức danh này. Nhà nước chỉ đưa ra tiêu chí, còn việc bổ nhiệm cụ thể do nhà trường thực hiện theo nhu cầu của trường. Không nên duy trì quy trình xét duyệt đưa lên hội đồng nhà nước đồ sộ, bỏ phiếu kín, khiến cả người thực tài có khi cũng phải tìm cách "chạy".

Đưa các cán bộ lãnh đạo vào danh sách công nhận GS, PGS thì tất yếu phải cắt bớt đi số lượng chức danh ấy ở những người thực sự đang công tác tại các trường đại học, gây ấm ức trong giảng viên cơ hữu. 

Nhiều lãnh đạo gắn thêm mác GS vào tưởng là thành con người mỹ mãn, nhưng chính lĩnh vực mình đang quản lý thì vẫn đang khiến dân chúng bất mãn. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến cả những người khác cùng mang chức danh đó.

Đừng nghĩ bộ trưởng không nên, không thể làm GS, PGS

gs-pham-gia-khanh-1520139574217973598546

Theo GS PHẠM GIA KHÁNH (chủ tịch hội đồng chức danh giáo sư ngành y học), về nguyên tắc, cán bộ quản lý cấp cao không nhất thiết phải làm GS, PGS.

Tuy nhiên, nếu họ đã có một quá trình tham gia đào tạo, nghiên cứu và vẫn đang tiếp tục các công việc này, đạt đủ các tiêu chuẩn để được công nhận chức danh GS, PGS thì rất đáng trân trọng.

"Tôi đã đi nhiều nước cũng thấy có nước có bộ trưởng, thứ trưởng là GS. Đừng nói rằng bộ trưởng không có thời gian giảng dạy, nghiên cứu. Bộ trưởng là người đứng đầu ngành nên đương nhiên sẽ phải gánh vác rất nhiều việc. Nhưng bên dưới bộ trưởng còn có các thứ trưởng, cục trưởng, vụ trưởng, các chuyên viên...

Cho nên, đúng là nếu người quản lý kém cứ ôm đồm mọi việc, đầu tắt mặt tối thì lúc nào cũng bận rộn mà chưa chắc hiệu quả công việc đã cao. Còn ngược lại, nếu lãnh đạo giỏi sắp xếp, biết cách quản lý, điều hành thì sẽ vẫn có thời gian nghiên cứu và giảng dạy. Bộ trưởng làm nghiên cứu, đào tạo thì càng sát công việc hơn vì gắn bó với thực tiễn.

Cho nên, quan điểm của tôi là chức danh GS, PGS có hay không là phụ thuộc vào năng lực của từng người, chứ không nên cho rằng bộ trưởng, thứ trưởng thì không nên, không thể làm GS, PGS", ông nói.

Mỹ: không giảng dạy không còn giáo sư

Trong trao đổi với Tuổi Trẻ, chị Nguyễn Hoàng Quí Hà - nghiên cứu sinh tại Trường điện ảnh, Đại học Nam California (Mỹ) - cho biết tại Mỹ, việc phong hàm giáo sư, phó giáo sư theo ngành, theo trường và theo khoa. Các tiêu chuẩn phong hàm cũng khác nhau tùy vị trí của mỗi khoa, mỗi trường chứ không do hội đồng chức danh giáo sư nhà nước phong như ở Việt Nam.

Chẳng hạn, tại khoa của chị Hà, một tiến sĩ khởi đầu với việc xin làm giáo sư tập sự (assistant professor). Sau khoảng 5-6 năm sẽ làm hồ sơ xin nâng ngạch phó giáo sư (associate professor) nếu thấy đủ điều kiện. Thông thường, đây là thời gian bắt buộc trong bước nâng ngạch này, nếu không giáo sư tập sự sẽ bị mất việc.

Quyền lợi vật chất của việc thăng tiến từ các vị trí giáo sư tập sự, phó giáo sư rồi giáo sư là được tăng lương. Tuy nhiên, theo chị Hà, mức tăng này cũng không đáng kể so với công sức và cống hiến mà các giáo sư bỏ ra.

Điều đáng kể nhất với việc thăng tiến này chính là sự ghi nhận nỗ lực nghiên cứu và tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực nghiên cứu mà các giáo sư theo đuổi. Giáo sư là học hàm hướng đến của những ai theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu hàn lâm tại trường đại học, và một khi không còn tham gia giảng dạy thì danh hiệu giáo sư cũng không còn.

Anh Nguyễn Việt Linh, phó giáo sư toán thuộc khoa toán Trường đại học Tổng hợp Idaho, thành phố Moscow, bang Idaho (Mỹ), cho hay hè năm 2016 bắt đầu làm hồ sơ phong phó giáo sư. Hồ sơ có năm người phản biện ngoài trường (external revier). Việc phong cấp đi qua ba vòng, cũng là ba cấp xét duyệt gồm: khoa - trường - đại học (department - college - university).

Ở các trường đại học Mỹ, trong các khoa thường có hai ngạch: ngạch giáo sư và ngạch giảng viên. Những giảng viên (lecturer) thường chỉ tham gia giảng dạy, ít có tiếng nói trong khoa và không có cơ hội được phong giáo sư. Giáo sư mỗi năm chỉ dạy đúng một số tiết theo quy định, thời gian còn lại làm nghiên cứu.

NGỌC HÀ - D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp