Đông nghẹt du khách tắm biển Đà Nẵng - Ảnh: Đoàn Cường |
“Dân than phiền rất nhiều rằng đến chỗ nào cũng có nhân viên, hàng rào của các resort ngăn lại. Họ ngang nhiên cấm không cho dân đi qua bãi biển” - ông nghị Huỳnh Phước (nguyên giám đốc Sở Khoa học và công nghệ Đà Nẵng) đã “tố” thẳng thừng như vậy tại phiên chất vấn HĐND TP hôm 9-7.
Cũng tại diễn đàn này, nhiều đại biểu cho rằng hàng loạt khách sạn, resort ven biển Đà Nẵng có hành vi “cát cứ”, biến của chung thành của riêng để độc quyền kinh doanh.
Trước đó, vì quá bức bí chuyện tìm đường ra biển tắm mà nhiều cử tri Đà Nẵng lẫn Quảng Nam đã lên tiếng yêu cầu chính quyền hai địa phương này phải tổng rà soát lại tất cả dự án du lịch vốn đã được cấp phép trước đó nhưng không triển khai.
Mục đích là buộc chính quyền sở tại phải thu hồi các dự án xí phần để lập ra các bãi tắm công cộng cũng như mở đường ra biển cho dân.
Bởi trên thực tế, hàng loạt dự án được cấp phép chạy ken dày từ Đà Nẵng đến Hội An nhưng đều trong cảnh rào dựng lên đó rồi bỏ hoang. Trong khi trên thực tế, người dân muốn tắm biển phải đi vòng rất xa...
Và rồi trước những yêu cầu thiết thực đó, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã quyết định thu hồi ba dự án. Ba dự án so với 32 dự án chậm, chưa triển khai chạy dọc ven biển Đà Nẵng bị thu hồi là một con số khá khiêm tốn. Thế nhưng điều đó cũng cho thấy tiếng kêu của người dân đã ít nhiều được hồi âm.
Đà Nẵng từng một thời ồ ạt trải thảm đỏ để kêu gọi đầu tư, nhất là các dự án du lịch ven biển. Và sau nhiều năm tìm lối đi, cuối cùng thành phố biển này cũng đã xác định du lịch là kinh tế mũi nhọn, là nguồn thu chính cho ngân sách.
Và điều này đã không phụ lòng khi sáu tháng đầu năm 2015 trong khi du lịch cả nước sụt giảm hơn 11% tổng lượng khách thì du lịch Đà Nẵng vẫn tăng 25% với doanh thu du lịch tăng 35%. Điều đó cho thấy Đà Nẵng đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách.
Thế nhưng chỉ vì “quyền được tắm biển” của du khách không thôi mà quên đi “quyền được tắm biển” của người bản địa thì quả là không công bằng. Vậy nên quyết định của ông Trần Thọ đã khiến rất nhiều người dân mát lòng.
Trong khi Đà Nẵng đang nỗ lực lấy lại không gian sinh hoạt cho dân thì nhiều địa phương ven biển khác lại đang phải loay hoay đối mặt với những tấm bảng kiểu như “Vui lòng không xâm phạm” (của Tập đoàn Dewan Ấn Độ tại bãi biển Nha Trang) hay tại khu nghỉ mát Ana Mandara (trên đường Trần Phú, Nha Trang)...
Đã đến lúc các địa phương ven biển cần phải xem lại quyền được tắm biển của người dân địa phương mình, không nên để người dân thèm biển khi xung quanh mình là biển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận