Sinh viên háo hức đến Trường ĐH Bách khoa - Ảnh: Trường ĐH Bách khoa
1 Sau bao ngày chờ đợi kết quả thi, rồi đến chờ đợi điểm chuẩn thì điều tôi mong muốn cũng thành hiện thực. Không biết trời xui đất khiến sao tôi đậu vào khoa công nghệ thông tin, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, một trong những ngôi trường danh giá lúc bấy giờ.
Không như các bạn sinh viên ở tỉnh ngơ ngác, lạc lõng lên thành phố để vào trường đại học, tôi đang sống ở thành phố, thỉnh thoảng vẫn đi ngang ngôi trường Bách khoa mình chuẩn bị nhập học. Những tưởng sẽ rất quen thuộc khi bước chân vào trường này, nhưng không, tôi vẫn bỡ ngỡ, miệng vẫn chữ a, mắt chữ o vì ngạc nhiên, bối rối với những điều mới lạ mà mình chưa hề biết.
Tôi còn nhớ ngày đầu đời sinh viên của mình, ngay từ lúc mới thức dậy và suốt đoạn đường đạp xe đến trường, tôi cứ luôn tự hỏi "mình sẽ đi bằng cổng nào để vào trường?". Trường có ba cổng: một cổng đường Lý Thường Kiệt và hai cổng đường Tô Hiến Thành. Từ cổng số 1 tới cổng số 3 cách nhau khá xa nên tôi phải đi sớm để còn có thời gian tìm khoa, tìm lớp.
Bước vào cổng trường, tôi bắt đầu choáng ngợp bởi trường gì mà rộng quá, so ra trường cấp III của tôi thật nhỏ bé so với ngôi trường đại học này. Trường gì mà rộng từ cái bãi giữ xe đến cả lối đi. Phòng học thì nhiều dãy nhưng cách xa nhau chứ không san sát nhau như trường cấp III của tôi, và đặc biệt là nhiều cây xanh. Tôi vẫn nhớ trường được che chắn bởi hàng cây cọ, cây dầu lâu năm dọc bên đường Tô Hiến Thành, dọc lối đi, và trước các dãy lớp học được bao quanh bởi các cây liễu, cây điệp vàng và nhiều loại cây khác nữa.
Với một đứa đầu óc hay lãng đãng trên mây như tôi thì những hàng cây và những cánh dầu gió xoay xoay mỗi khi trời nổi cơn dông gió đã góp phần tiếp thêm sức mạnh cho tôi lê lết qua những môn học khô khan khó nhằn trong suốt những năm mài đũng quần ở ngôi trường này.
Cổng trường ở đường Lý Thường Kiệt (TP.HCM) - Ảnh: T.T. Dũng
2 Trước khi nhập học, tôi nghe đồn Trường ĐH Bách khoa toàn nam mà vẫn chưa tưởng tượng được vì lúc đi thi cũng có nhiều bạn nữ. Nhưng ngày đầu tiên tôi tới trường thì thật là choáng ngợp bởi bốn bề toàn nam là nam.
"Nữ ơi, các bạn ở đâu?", sĩ số lớp tôi 200 bạn mà chỉ có 14 bạn nữ kể cả tôi, nên nhìn đâu cũng toàn là nam. Bù lại thì vì nữ thuộc "thành phần quý hiếm" nên đi đâu cũng được các bạn nam galăng giúp đỡ nhiệt tình, nhiều lúc nhiệt tình một cách quá mức cần thiết nhưng cũng thiệt dễ thương.
Có một chuyện đến giờ tôi vẫn còn nhớ và thỉnh thoảng vẫn kể lại như ví dụ về chuyện nữ thì quý hiếm, nam thì bao la thời đó của Trường Bách khoa, đó là việc mặc áo dài hay đầm vào trường.
Với các bạn học bên Trường Kinh tế hay Trường Khoa học xã hội và nhân văn thì đó là chuyện thường ngày ở huyện. Nhưng với trường tôi, chỉ cần bạn mặc áo dài hay đầm đi vào trường ngày thường bất kể vì lý do gì, bất kể bạn ra sao, bạn sẽ thu hút mọi ánh nhìn và những tiếng huýt sáo, kêu gọi, hú, thậm chí hét vang lên của các bạn nam từ hành lang những dãy phòng học. Và trời ơi, lúc đó bạn chỉ ước gì có... cái lỗ cho bạn chui xuống để trốn vì mắc cỡ.
Giờ học đầu tiên của tôi được bắt đầu bằng môn học kinh tế chính trị ở giảng đường lớn, thực ra đó là cái hội trường rộng mênh mông. Tôi ngồi phía dưới, thầy đứng bục giảng, tôi chỉ nghe tiếng và thấy dáng thầy thôi chứ không nhìn rõ nét mặt thầy được. Môn học kinh tế chính trị tưởng chừng khô khan nhưng lại bất ngờ đầy niềm vui, do thầy lớn tuổi mà rất hài hước mang đến cho chúng tôi nhiều tiếng cười vui nhộn.
Tiếng là ở thành phố, học cấp III cũng ở thành phố, nên tôi cứ tưởng lên đại học ít nhất nhìn xung quanh chắc cũng gặp một gương mặt nào đó quen thuộc. Nhưng không, suốt một tuần đầu và cả khoảng thời gian dài sau đó mỏi mắt tìm kiếm, tôi vẫn không hề tìm được gương mặt nào quen thuộc. Tất cả xung quanh tôi đều xa lạ, để tôi phải bắt đầu hành trình tìm kiếm bạn mới ở ngôi trường đại học mới này.
Lúc đó, tôi vẫn còn là cô bé 18 tuổi nhút nhát, khó làm quen, khó chủ động bắt chuyện. Tôi chỉ bắt đầu chịu mở miệng nói chuyện khi bạn bắt chuyện trước với tôi, còn không thì tôi chỉ nhìn và quan sát chứ chẳng nói năng gì. Tôi còn nhớ người đầu tiên bắt chuyện với tôi là một bạn nam học khoa cơ khí ngồi bên cạnh tôi ngay trong ngày đầu tiên học môn kinh tế chính trị. Sau đó có thêm một bạn nữ nữa khoa dệt may cũng ngồi bên bắt chuyện, và chúng tôi trở thành bạn, cùng hẹn ai đi học sớm thì giữ chỗ cho hai người còn lại.
Trong suốt tuần đầu học, chúng tôi kể cho nhau nghe quê bạn có gì, quê tôi có gì, tại sao mình chọn học ngành này, tại sao bạn chọn học ngành kia, vì mới lạ nên mỗi giờ giải lao chúng tôi huyên thuyên không ngớt. Bạn nam (quê Bảo Lộc, Lâm Đồng) có biệt tài xếp giấy origami rất giỏi. Vừa ngồi nghe thầy giảng, bạn vừa xếp các con vật bằng giấy và chỉ tôi xếp theo. Rất tiếc là đến giờ ra trường đã 20 năm rồi, tôi vẫn không đủ duyên để gặp lại đôi bạn thuở ban đầu vào đại học ấy.
Đường vào trường ĐH Bách khoa rợp bóng cây xanh - Ảnh: T.T. Dũng
3 Còn việc tại sao tôi chọn ngành công nghệ thông tin lại học chung với các bạn cơ khí, dệt may thì lúc đó tôi cũng bất ngờ lắm. Vì khi đăng ký nhập học, tôi chỉ biết học theo hình thức tín chỉ, đăng ký môn nào học môn đó, mỗi học kỳ được phép đăng ký giới hạn trong vòng khoảng bao nhiêu tín chỉ, không được quá nhiều cũng không quá ít.
Sinh viên vẫn được chia theo lớp để dễ quản lý và để dễ sau này làm đồ án, luận văn, nhưng trong quá trình học thì sinh viên lớp này học chung với lớp khác là bình thường, vì các bạn đều đăng ký lớp đó, môn đó trong học kỳ này.
Tôi nghĩ cùng lắm mình chỉ học chung với các bạn cùng khoa thôi, nhưng bắt đầu ngày học đầu tiên môn kinh tế chính trị, con nhỏ lơ ngơ là tôi mới à ồ vỡ lẽ ra rằng với những môn đại cương thì khoa nào cũng có một số môn nhất định giống nhau như kinh tế chính trị, lịch sử đảng, toán cao cấp A1, A2, A3... nên tôi sẽ có cơ hội mở rộng tầm giao lưu sang khoa khác chứ không phải chỉ ở khoa mình.
Vào học rồi, tôi mới biết học đại học là không có mấy sách giáo khoa. Nhiều môn học phải photocopy giáo trình từ sách nước ngoài và phải tự học, tự mày mò rất nhiều. Sau này khi ra trường đi làm rồi, tôi và các bạn hay nói "điều tốt nhất mình học được ở ĐH Bách khoa là cách tự học và tự giải quyết mọi vấn đề".
Những bỡ ngỡ mới lạ của ngày đầu bước chân vào đời sinh viên rồi cũng mau trôi qua. Mỗi ngày, tôi lại biết thêm những điều mới, học thêm được những cái hay và được làm quen thêm với nhiều bạn. Cho dù không được học ngành xã hội như tôi mơ ước, nhưng tôi vẫn luôn cảm ơn quãng đời sinh viên tươi đẹp, cảm ơn ngành học đã giúp tôi có được việc làm tốt sau này và cho tôi được là tôi của ngày hôm nay.
Và bây giờ đã xa quê hương rồi, nhưng tôi vẫn nhớ mãi, nhớ mãi một thời sinh viên thương yêu...
Cái sự rộng của Trường ĐH Bách khoa thì tôi không có con số cụ thể để miêu tả, nhưng khi đăng ký môn học, tôi được cảnh báo cẩn thận vì nếu lỡ đăng ký hai lớp mà một lớp ở đầu này trường, một lớp ở đầu kia trường, thì kết thúc lớp học bên này xong đi qua lớp bên kia thầy đã dạy được 15 phút rồi. Sau này, chúng tôi hay nói cũng may trường rộng vậy, để sinh viên trong lúc đi từ lớp này qua lớp khác có thể thả hồn ra chút xíu cho đầu óc đỡ căng thẳng.
Thời sinh viên chúng tôi có một "đặc sản" mà sinh viên thời nay chắc chắn không có, đó là chuyện học bổng được trả bằng... gạo.
Kỳ tới: Thời sinh viên khát khao... gạo và tình yêu
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận