Lớp văn K10 - Trường ĐH Tổng hợp Huế đi thực tế các di sản văn hóa Huế - Ảnh tư liệu
Vài tuần trước, mấy anh chị khóa đầu tiên khoa văn Trường đại học Tổng hợp (ĐHTH) Huế (nay là Trường đại học Khoa học) vừa có cuộc hội lớp nhân 45 năm. Lớp văn K1 - khóa đầu tiên học từ 1977 - 1981.
Chuyện họp lớp là bình thường, nhưng tại cuộc họp lớp kỷ niệm năm thứ 45 ấy, các thành viên lớp văn K1 đã kéo nhau lên núi Nhạn (Tuy Hòa) để tổ chức một đêm... thơ rất hoành tráng mang tên "Cùng về bên nhau".
"Đều thành thi sĩ đua nhau cầm đồ"
Những hình ảnh được truyền đi trong đêm thơ trên núi Nhạn bỗng thức dậy trong tôi cả một trời thương nhớ về đặc sản riêng có của sinh viên văn khoa ĐHTH ngày ấy: đêm thơ.
Chớm đông năm 1986, tôi thi đậu vào khóa 10, khoa văn. Tân sinh viên nhập trường khá muộn, tận cuối tháng 10. Vào học, nhận phòng ở ký túc xá xong thì Đào Tâm Thanh, bạn đồng hương học trước tôi một khóa, bảo: "Tối nay đi dự đêm thơ của lớp văn K7 tổ chức hay lắm!".
Tôi, cậu học trò nhà quê ra phố, lần đầu nghe thế thì mắt chữ O mồm chữ A hỏi: "Đêm thơ là chi?". Thanh cười: "Cứ đi rồi biết".
7 giờ tối, chúng tôi lên căn phòng lớn trên tầng hai bên phải tòa nhà ngay từ cổng vào. Đại bản doanh ĐHTH ngày ấy ở 27 Nguyễn Huệ vốn xưa là ngôi trường Thiên Hựu của Công giáo, một không gian vừa trang nghiêm nhưng không kém phần thơ mộng, nơi các anh chị lớp văn K7 tổ chức đêm thơ.
Trên tấm bảng đen, những chữ được viết bằng phấn màu nét tài hoa và bay bướm: Đêm thơ. Hình như có cả những nét vẽ cành tre rũ ngang vầng trăng. Thú thật từ bấy đến giờ đã hơn 35 năm, tôi không nhớ nhà thơ sinh viên nào của lớp văn K7 đã đọc bài thơ gì trong đêm đó, nhưng cảm giác sinh hoạt văn hóa của sinh viên đã gieo vào tôi ấn tượng khó phai mờ.
Nhất là cảm giác ấy cho tôi bước đầu nhận ra khoảng cách thế nào là sinh viên và thế nào là học sinh. À, sinh viên là thế này đây, tự chủ động bày biện những cuộc chơi cho mình; không như thời học trò, những cuộc chơi luôn được bắt đầu từ chỉ đạo của thầy cô giáo.
Chừng một tuần sau, khi khóa chúng tôi đã nhập học đông đủ, lại có thêm đêm thơ quy mô hơn. Lần này thì không phải của riêng một lớp tổ chức mà các anh chị năm thứ tư (văn K7), năm thứ ba (văn K8) và năm thứ 2 (văn K9) cùng phối hợp, mang tên "Đêm thơ chào đón đàn em tân sinh viên văn K10".
Với quy mô hùng hậu như thế nên chúng tôi, những đứa học trò chân ướt chân ráo vừa trở thành sinh viên, hơi "khớp".
Tất nhiên những anh chị khóa trên thì đã dạn dày "trận" thơ, những nhà thơ tương lai ấy người lim dim mắt đọc thơ tình, người thì chém tay vào không khí đọc thơ quảng trường như Mayakovsky, người lại bí ẩn với những câu thơ siêu thực...
Dĩ nhiên lớp đàn em sinh viên mới được "một tuần tuổi" như chúng tôi cũng được động viên tham gia, nhưng sự kính nể trước các đấng thi sĩ đàn anh khiến chúng tôi hơi rụt rè, khép nép. May sao lớp văn K10 chúng tôi có vài bạn vốn là học sinh chuyên văn ở các thành phố lớn có vẻ mạnh dạn tự tin hơn để tham gia vào đêm thơ "hùng hậu và tổng lực" đó.
Hóa ra những đêm thơ của sinh viên khoa văn ĐHTH Huế được diễn ra với mật độ đáng kinh ngạc! Sau đêm thơ chào đón tân sinh viên vào cuối tháng 10 thì liên chi đoàn khoa văn phát động cuộc thi thơ chào mừng ngày nhà giáo 20-11.
Lên đọc thơ trước các đàn anh thì chúng tôi còn lạ lẫm nhút nhát, chứ gửi thơ dự thi thì cứ thế xông lên.
Vài tuần sau, dịp 20-11, tổng kết cuộc thi thơ, chả hiểu thế nào mà những giải cao nhất lại đều vào lớp sinh viên năm nhất chúng tôi.
Hôm trao giải và trình diễn thơ, mặt mũi bọn "nhà thơ" lớp tôi đứa nào cũng nghĩ mình chuẩn bị thành... đại thi hào đến nơi.
Các anh chị lớp trên thì nhìn chúng tôi cười cười. Hóa ra truyền thống đêm thơ khoa văn, những cuộc thi thơ đầu năm như thế này luôn ưu ái trao giải cho bọn năm nhất để gieo vào lòng chúng tôi sự tự tin và khát vọng thành thi sĩ sau này.
Từ sự tự tin được gieo một cách âm thầm bí mật và ưu ái thế nên nền thi ca của khoa văn ĐHTH Huế ngày càng phát triển, nhại câu thơ của Tố Hữu "Lớp anh trước, lớp em sau/ Đều thành thi sĩ thi nhau... cầm đồ".
Thì bọn sinh viên khoa văn phải cầm đồ (quần, áo, phiếu cơm...) mới có tiền mà mua rượu gạo, sau vài chén rượu gạo thì đứa nào cũng tưởng mình là tiên tửu và thi tửu đầy năng lượng để mai đây tỏa sáng nền thi ca nước nhà!
Rồi các thế hệ đàn anh văn K7, K8, K9... ra trường, lớp văn K10 của chúng tôi lại tiếp nối truyền thống đêm thơ để đón các khóa đàn em. Thật may mắn là vượt qua những ảo tưởng của thời rượu gạo đọc thơ, các thế hệ sinh viên khoa văn ĐHTH Huế đã đóng góp cho thi ca nước nhà rất nhiều thi sĩ mà tác phẩm của họ đã được đông đảo công chúng biết đến.
Có thể kể đến các nhà thơ Văn Công Hùng, Hồ Thế Hà, Nguyễn Thanh Mừng, Trần Thị Huyền Trang, Phạm Đương, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Trần Tuấn, Nguyễn Hồng Hạnh, Từ Dạ Thảo...
Và rất nhiều thi sĩ thứ thiệt tài hoa mệnh bạc như Lê Viết Tường (văn K4), Hàn Nguyệt (văn K8), Nguyễn Tiến Đạt (văn K9), Nguyễn Trung Bình (văn K11), những người - văn - khoa ấy cho dù sớm rời cuộc chơi thì tác phẩm để lại cho đời vẫn lấp lánh yêu thương.
Sau 45 năm, cựu sinh viên khoa văn khóa đầu Trường ĐH Tổng hợp Huế vẫn không quên “đặc sản văn khoa” với đêm thơ trên núi Nhạn (Tuy Hòa) vào tháng 6-2022 - Ảnh: VĂN CÔNG HÙNG
Lấp lánh tình thơ
Nhưng chuyện yêu thơ, đêm thơ của sinh viên khoa văn ĐHTH Huế không chỉ là thơ ca văn nghệ một thời. Nó còn là sợi dây huynh đệ xuyên suốt nhiều thế hệ với anh em khoa văn trường này.
Một tháng trước đây, những anh em văn khoa Huế đã tổ chức ra mắt tập thơ cho một nhà thơ đàn anh đã mất từ hơn 30 năm trước mà chưa kịp in một tác phẩm riêng nào. Đấy là chuyện về nhà thơ Lê Viết Tường, sinh viên văn K4, khi anh ra trường lên Tây Nguyên công tác thì chúng tôi, thế hệ văn K10, mới vào trường.
Chúng tôi hay tin anh mất là mùa hè năm 1987, lúc chúng tôi vừa học xong năm nhất. Vậy mà 35 năm sau, một người bạn cùng lớp văn K10 của tôi, nhà thơ Trần Tuấn, đã quyết tâm lập nhóm anh em bạn bè của thi sĩ Lê Viết Tường tìm lại từng di cảo của anh để in cho anh tập thơ đầu tiên sau khi anh đã mất 35 năm!
Thật ra, đã là sinh viên khoa văn thì hầu hết ai cũng làm thơ. Nhưng trong trùng trùng người thơ ấy, Lê Viết Tường mang nhiều dự báo sẽ là nhà thơ lớn. Bài thơ Đưa em về nhận mặt quê hương của anh được nhiều thế hệ học sinh, sinh viên yêu thơ chép vào sổ tay.
Làm sao có thể hình dung được những năm tháng của thập niên 80 thế kỷ trước, anh đã viết: "Đưa em về nhận mặt quê hương/ đáng lẽ tôi sẽ chọn đưa em về trong niềm vui ngày hội/ nhưng sợ lòng mình giả dối/ bởi khuôn mặt mọi người sẽ làm bộ dễ thương...".
35 năm sau, có một nhà thơ thế hệ đàn em lọ mọ đi mò mẫm những trang báo cũ chép lại thơ Lê Viết Tường, đi gặp từng bạn bè của anh để chép lại những câu thơ trong trí nhớ rồi huy động đồng môn góp tiền để in thơ cho thi sĩ tài hoa yểu mệnh.
Tập sách "Đưa em về nhận mặt quê hương và những bài thơ tìm lại" gồm những bài thơ vừa được tìm thấy của Lê Viết Tường là một phác thảo chân dung nhà thơ qua ký ức bạn bè, hình ảnh tư liệu gia đình, di cảo, bút tích đã được Nhà xuất bản Thuận Hóa xuất bản đầu tháng 6-2022, đúng dịp giỗ 35 năm Lê Viết Tường.
Đó là vẻ đẹp lấp lánh tình thơ của sinh viên khoa văn ĐHTH Huế.
Từ những đêm thơ thời sinh viên nghèo khó cho đến câu chuyện tìm kiếm những bài thơ phủ bụi thời gian của những thi sĩ thế hệ đàn anh, như cựu sinh viên khoa văn Trần Tuấn đã làm với thi sĩ Lê Viết Tường, là một câu chuyện đẹp về tình thơ.
Nó không chỉ là chuyện thi ca. Chúng tôi đã từng tự hào về những thi sĩ xuất thân từ khoa văn. Nay chúng tôi càng thêm tin yêu về câu chuyện hành trình 35 năm của tập thơ Lê Viết Tường.
Tôi vẫn nhớ ngày đầu đời sinh viên của tôi, suốt đoạn đường đạp xe đến trường tôi cứ tự hỏi "mình sẽ đi bằng cổng nào để vào trường?".
Kỳ tới: Bách khoa thương yêu
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận