“Cư xá màu xanh” 27 Nguyễn Huệ - Huế của chúng tôi - Ảnh tư liệu
Niềm sung sướng vỡ òa. Tôi cùng đứa bạn cùng đậu đại học năm đó, cầm tờ giấy báo trúng tuyển và đạp xe 15 cây số dưới nắng hè, từ chỗ ban tuyển sinh huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế, lúc đó vẫn còn là tỉnh Bình Trị Thiên) về nhà mà lòng cứ lâng lâng không một chút mệt nhọc.
Đường lên đỉnh... đại học
Kể lại cảm giác thi đậu sung sướng ngây ngất đó, nhiều bạn thí sinh không tin, vì việc đậu đại học hồi ấy cũng hiếm hoi như rớt đại học bây giờ. Năm đó, 1987, làng Nam Phổ Hạ (xã Lộc An) của tôi chỉ có ba đứa đậu đại học.
Cầm được tờ giấy trúng tuyển rồi nhưng vẫn chưa thể bước chân vào trường đại học. Tôi còn phải vượt qua nhiều "chướng ngại vật" là những hàng rào thủ tục quá ư khốn khổ.
Việc đầu tiên là phải về ủy ban xã để xin cắt hộ khẩu. Tôi và đứa bạn thập thò trước cửa văn phòng ủy ban xã thì ông trưởng công an xuất hiện, lạnh lùng hỏi: "Tới đây làm chi?". Khi biết mấy đứa này tới xin cắt hộ khẩu để đi học đại học, ông lắc đầu: "Không đại học đại hơ chi hết".
Nói xong ông bỏ đi, để lại hai cậu học trò "tân khoa" ngẩn ngơ. Tôi choáng váng vì cứ tưởng là sẽ nhận một lời khen, ai ngờ là một câu bẽ bàng.
Sau gần một tháng chạy ngược chạy xuôi "vượt chướng ngại vật", cuối cùng tôi cũng "về đích" với tờ đơn xin cắt hộ khẩu có mấy chữ "đồng ý" với những cái dấu đỏ chót. Phải có tờ giấy đó tôi mới được "nhập khẩu" vào sổ hộ khẩu tập thể của trường đại học, mới được cấp chế độ lương thực 15kg gạo/tháng và 1.150 đồng học bổng.
Cắt hộ khẩu là cắt quyền lợi (đất đai, lương thực...), đồng thời cũng cắt luôn nghĩa vụ (thuế, lao động, quân sự...), là rời khỏi sự kiểm soát của địa phương, nên việc cắt cái "hậu khổ" ấy nó khó khăn như leo núi. Nhưng dù có khó nhọc đến mức nào chúng tôi vẫn vượt qua, bởi vì vào đại học mới là mục tiêu đáng giá.
Bây giờ khu cư xá đã trở thành lịch sử - Ảnh: NGUYỄN NHƯ NGỌC
"Thưa các anh chị sinh viên..."
Bỏ lại sau lưng những nhọc nhằn của các thứ thủ tục hành hạ nhau một cách vô lý, tôi bước vào cánh cổng trường đại học mà lòng lâng lâng với biết bao dự định cùng sách vở chữ nghĩa. Ngôi trường Đại học Tổng hợp Huế vốn là cơ sở của Trường trung học Thiên Hựu trước 1975.
Tiết học đầu tiên là nhập môn văn học dân gian do cô giáo Phan Thị Đào dạy. Tiết học tiếp theo là môn học khiến các tân sinh viên ngạc nhiên với cái tên rất lạ: mỹ học. Các cô cậu cứ thắc mắc: chắc là môn học về nước Mỹ?!
Dạy môn mỹ học là thầy Phạm Phú Phong, nói giọng Quảng Nam với cách truyền đạt rất lôi cuốn và một khối tri thức đầy hấp dẫn. Thầy bước vào lớp và nhìn chúng tôi một cách trang nghiêm: "Mời các anh chị ngồi xuống!".
Hai tiếng "anh chị" đầy trang trọng khiến chúng tôi bỡ ngỡ. Thầy mở đầu tiết học đầu tiên không phải bằng câu "Mác-xim Goóc-ki nói văn học là nhân học", mà là lời giao ước: "Từ hôm nay, các anh chị đã là sinh viên đại học. Vì vậy, chúng tôi là người hướng dẫn để các anh chị nghiên cứu, không phải dạy dỗ như các em học sinh nữa".
Sau 35 năm, trường vẫn một khung trời xanh ngát - Ảnh: M.TỰ
"Bao người muốn vào đại học mà không được"
"Hán văn là môn học khiến nhiều anh chị sinh viên văn khoa khổ sở, nhưng cũng là môn học thú vị, vì lần đầu tiên được "giải mã" những con chữ vuông mà lâu nay mình vẫn thường gặp nhưng không biết bằng cách nào để viết nó. Ban đầu cứ tưởng khó lắm không học nổi, nhưng rồi càng học càng thấy thích thú, như khám phá một thế giới bí ẩn.
Chẳng hạn như chữ nhân - con người - quá đơn giản, chỉ "quẹt" hai nét là xong, ai viết cũng được, nhưng lại mang ý nghĩa rất lớn lao. Đó là hình tượng một người đứng giữa trời đất. Con người là một trong ba thành tố cơ bản thiên - địa - nhân cấu thành tiểu vũ trụ, là không gian chúng ta đang sống. Chữ nhân còn hàm nghĩa là yêu thương con người, và lòng nhân ái là cốt lõi của đạo làm người.
Dạy môn Hán văn là thầy Nguyễn Đình Thảng, một chuyên gia Hán Nôm thâm hậu. Thầy nói giọng Quảng Ngãi to như quát, tính nóng như lửa, nhưng rất thương sinh viên.
Sau một hồi quát mắng mấy đứa không làm bài tập, thầy dịu giọng: "Gắng mà học các anh chị ạ. Được chữ nào hay chữ đó. Cái chữ này khó vậy, nhưng không phải ai cũng được học nó đâu. Các anh chị lại được học đại học là may mắn lắm. Có bao người muốn vào đại học mà không được".
Lời dạy của thầy khiến chúng tôi quý trọng hơn cơ hội học hành mà mình đang có. Cả miền Trung từ Bình Trị Thiên vô tới Phú Khánh mà mỗi khóa chỉ tuyển khoảng 30 sinh viên tổng hợp văn.
Lên chùa ôn thi
Tháng 6, ve kêu râm ran sân trường. Chúng tôi vào mùa ôn thi học kỳ 2, thì các thí sinh cũng vào đoạn nước rút luyện thi đại học. Trong khu "cư xá màu xanh" 27 Nguyễn Huệ, Huế của chúng tôi bắt đầu xuất hiện nhiều sĩ tử từ Phú Khánh, Nghĩa Bình, Gia Lai - Kon Tum... "cơm đùm gạo bới" ra Huế luyện thi.
Trời nóng nực, nước máy nhỏ giọt, mà "thần dân" của các khu cư xá sinh viên nào cũng đông. Mùa thi, đi chậm là thư viện của trường không còn chỗ để ngồi học. Hội trường ở tầng hai lúc nào cũng đông người học bài cả ngày lẫn đêm.
Có anh chàng còn bắt bóng điện dưới gốc cây rồi kê bờ lô đặt tấm ván làm bàn, ngồi đọc sách đến khuya. Sau này, anh ta trở thành một tiến sĩ sử học nổi tiếng cả nước.
Trên các hành lang, dưới sân trường, chỗ nào yên tĩnh mà có bóng cây im mát là có người "xí phần" để học bài. Hết chỗ học, nên các anh chị sinh viên kéo theo các em sĩ tử lên chùa học thi.
Vườn chùa rợp mát bóng cây, sân chùa sạch sẽ và tĩnh lặng, cổng chùa luôn rộng mở, quý thầy thì rộng lòng, vì vậy đó là nơi học hành tuyệt vời của sinh viên Huế. Đông nhất là các chùa Báo Quốc, Diệu Đế, Từ Hiếu, Tây Thiên, Tra Am, Thiền Lâm...
Những ngày đó, bước vào những ngôi chùa này, là thấy ngay những cô cậu tay cầm sách vở, mắt lim dim, miệng lẩm bẩm như đang tụng kinh.
Dưới những gốc nhãn, cội bồ đề, bên hồ nước, dưới hiên chùa, dưới gác chuông, nhà bia... chỗ nào mát là có người ngồi học. Khát nước thì có giếng chùa, nước khi nào cũng mát lạnh. Đói bụng thì vô bếp chùa, có được củ sắn, củ khoai, trái chuối là quý lắm rồi.
Hồi đó, sinh viên hầu như đứa nào cũng nghèo, mà nhà chùa thì cũng nghèo lắm, nên chúng tôi không dám làm phiền đến nồi cơm nhỏ bé của chùa. Được quý thầy hoan hỷ cho vào chùa học bài là quý lắm rồi.
Mà không chỉ cái thời nghèo khó, chỗ học hành không đủ thì sinh viên mới lên chùa ôn thi. Cho đến bây giờ, khi việc học hành đã "số hóa", có rất nhiều chỗ để học bài, thì sinh viên Huế vẫn lên chùa ôn thi.
Không gian yên tĩnh của những ngôi chùa thật đáng là chỗ để học hành, nghiên cứu. Vì vậy, khung trời đại học của sinh viên xứ Huế hẳn là phải có một góc sâu lắng chốn thiền môn!
Nhớ mãi hai tiếng "anh chị"
35 năm trôi qua, tôi vẫn không quên hai tiếng "anh chị" đầy trang trọng của ngày đầu tiên đại học. Ngay lúc đó, tôi hiểu rằng mình đã là người lớn, tự quyết mọi việc học hành và chịu trách nhiệm cuộc đời mình. Mà quả thật, hồi đó chúng tôi đứa nào cũng chững chạc và chí thú học hành.
-----------
Từ một câu nhắc vu vơ, chúng mình đã bước chân vào đại học 30 năm rồi đấy. Ai đó thảng thốt trách móc ông thần thời gian cứ hay chơi trò thót tim. Vuốt mặt một cái, 30 năm đã trôi qua rồi ư?
Kỳ tới: Đám mây thanh xuân trong "khu rừng" đại học
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận