16/08/2018 14:18 GMT+7

Trả giá vì hủy hoại môi trường: Tội ác hủy diệt sinh thái

TRẦN NGỌC LONG
TRẦN NGỌC LONG

TTO - Ngày 26-6-2017, báo chí New Zealand đồng loạt giật tít "Nữ sinh viên kiện bộ trưởng".

Trả giá vì hủy hoại môi trường: Tội ác hủy diệt sinh thái - Ảnh 1.

Trận lụt kinh hoàng tàn phá bang Uttarakhand (Ấn Độ) vào tháng 6-2013 - Ảnh: samvada.org

Hôm ấy, tòa án ở thủ đô Wellington mở phiên tòa xét xử vụ nữ sinh viên luật Sarah Thomson (26 tuổi) kiện Bộ trưởng Môi trường Paula Bennett vì chống biến đổi khí hậu quá thụ động. 

Chính phủ ấn định mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm 11% khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với năm 1990. Sarah Thomson đánh giá mục tiêu này chưa đủ. 

Sau bầu cử quốc hội vào tháng 9-2017, Thủ tướng đắc cử Jacinda Ardern đã cam kết sẽ phấn đấu đạt mục tiêu giảm 50% khí thải vào năm 2050 như Sarah Thomson mong muốn. Hai tháng sau, tòa án tối cao bác đơn của cô với lý do mục đích kiện không còn nữa.

Chúng ta hãy thức tỉnh và hành động ngay bây giờ vì khí hậu

Chuyên gia KIRA VINKE của PIK

Thế hệ tương lai sẽ lãnh đủ!

Đây là lần đầu tiên tại New Zealand có phiên tòa "nữ sinh viên kiện bộ trưởng". Nếu tính theo đầu người, New Zealand phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính đứng thứ năm trong Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dù dân số chỉ 4,8 triệu người. 

Gần 50% khí thải có nguồn gốc nông nghiệp vì New Zealand nuôi bò và là nhà xuất khẩu sữa số 1 thế giới.

Cô sinh viên Sarah Thomson giải thích: "Đối với một nước giàu như New Zealand, mục tiêu đã nêu chưa đủ. 

Thỏa thuận Paris đã xác định các nước phát triển phải đi đầu trong đấu tranh chống biến đổi khí hậu nhưng đến giờ chính phủ vẫn tránh né trách nhiệm...". 

Cô nhận xét: "Chính phủ tăng cường cấp phép khai thác dầu mỏ và đầu tư xây dựng đường sá nhưng lại phát triển quá ít về giao thông công cộng, xe đạp, ôtô điện và còn làm ngơ với khí thải từ khai thác nông nghiệp". 

Giải thích vì sao đi kiện, cô khẳng định: "Nếu không làm vậy, tôi sẽ không thể bảo vệ được con cái tôi sau này".

Tại Ấn Độ, cô bé Ridhima Pandey cũng có suy nghĩ như thế. Tháng 6-2013, một trận lụt kinh hoàng tàn phá bang Uttarakhand (5.700 người chết) đã in đậm trong tâm trí cô bé Ridhima Pandey mới lên 5 tuổi. 

Đến tháng 3-2017, em đã gửi kiến nghị dài 52 trang đến tòa án môi trường quốc gia đòi đưa khí hậu vào các chương trình nghiên cứu, thiết lập chế độ khí thải CO2 để đánh thuế các ngành công nghiệp gây ô nhiễm, siết chặt pháp luật bảo vệ rừng... 

Ở tuổi lên 9, em phát biểu rất chững chạc: "Chính phủ đã thất bại trong các biện pháp điều phối và giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tình hình trì trệ này sẽ tác động đến các thế hệ tương lai chúng em".

Thành lập tòa án quốc tế riêng

Nữ luật gia Pháp Valérie Cabanes nhận xét vụ kiện của nữ sinh viên Sarah Thomson đã chứng minh tội ác hủy diệt sinh thái không tác động trực tiếp nhưng đe dọa điều kiện sống còn của các thế hệ tương lai. 

Cụm từ "tội ác hủy diệt sinh thái" đã được Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme sử dụng lần đầu tiên trong một hội nghị quốc tế khi nói về quân đội Mỹ rải chất độc da cam ở Việt Nam. 

Đến nay, luật pháp quốc tế vẫn chưa thừa nhận loại tội ác này.

Giữa tháng 9-2016, không chờ các nước sửa đổi Quy chế Rome, công tố viên trưởng Tòa án hình sự quốc tế (ICC) Fatou Bensouda thông báo lần đầu tiên ICC sẽ thực hiện thẩm quyền xét xử đối với một số hành vi hủy hoại môi trường như khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên, chiếm hữu đất đai trái phép và phá hủy môi trường. 

Nhiều luật gia mong muốn ICC phải xét xử hành vi hủy diệt sinh thái như tội ác thứ năm sau tội ác diệt chủng, tội ác chống nhân loại, tội ác chiến tranh và tội ác xâm lược.

Từ năm 2013, qua phong trào "Chấm dứt tội ác hủy diệt sinh thái trên trái đất", luật gia Valérie Cabanes đã tích cực đấu tranh để luật pháp quốc tế thừa nhận hủy diệt sinh thái là một hình thức tội ác riêng. 

Một số luật gia còn vận động thành lập một tòa án hình sự quốc tế về môi trường chuyên xét xử tội ác hủy diệt sinh thái. Tội ác này sẽ bao gồm mọi hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản chung nhân loại như khí quyển, đại dương hoặc các hệ sinh thái sống còn. 

Một khi tội ác này được công nhận, các công ty đa quốc gia buộc phải cẩn trọng hơn khi thực hiện các dự án có nguy cơ đe dọa môi trường.

Hiện nay, nhiều nước đã quan tâm đến sáng kiến thành lập tòa án hình sự quốc tế về môi trường và đang tổ chức thảo luận ở cấp khu vực tại Nam Mỹ, Trung Phi. Luật gia Valérie Cabanes cũng đã mời gọi các nước châu Á - Thái Bình Dương thảo luận vấn đề này.

Lời cảnh tỉnh chưa muộn màng

Giữa tháng 7-2017, Ngân hàng Phát triển châu Á hợp tác với Viện nghiên cứu Potsdam về tác động của biến đổi khí hậu ở Đức (PIK) đã công bố báo cáo kết luận tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng, an ninh lương thực, tính đa dạng sinh học và di dân do khí hậu.

Dự báo đến cuối thế kỷ, nhiệt độ khu vực sẽ tăng 6°C, thậm chí lên 8°C tại tây bắc Trung Quốc, Tajikistan, Afghanistan và Pakistan. 

Do nhiệt độ tăng, bão sẽ mạnh hơn, mưa nhiều hơn, nước biển sẽ dâng lên. Thời tiết cực đoan sẽ tàn phá mạnh như bão Haiyan ở Philippines vào tháng 11-2013. 

Các vùng thấp ven biển sẽ bị ngập nặng. 19/25 thành phố chỉ còn cao hơn mực nước biển 1m, trong đó có 7 thành phố ở Philippines. Indonesia sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất. 

Đến năm 2100, lũ lụt sẽ ảnh hưởng đến 5,9 triệu người mỗi năm.

Thời tiết cực đoan cũng sẽ đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe. Hiện nay đã có 3,3 triệu người chết mỗi năm do ô nhiễm không khí. Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh là bốn nước bị ô nhiễm nặng nhất. 

Dự báo đến năm 2050, số người già tử vong do nắng nóng tăng 52.000 ca mỗi năm.

kỳ-7-ảnh-3-new-3(read-only)

Lũ bùn kéo sập nhà tại tỉnh Hiroshima (Nhật) trong mưa lũ vào tháng 7-2018 - Ảnh: Kyodo

Lũ lụt ở Nhật do biến đổi khí hậu

Từ ngày 6-7-2018, mưa lớn bất thường trút xuống các tỉnh Hiroshima, Ehime, Yamaguchi, Gifu, Okayama và Kyoto ở Nhật. Trong vòng 72 tiếng, nước dâng cao đến 1m.

Cơ quan Khí tượng Nhật ghi nhận mưa như thế 50 năm mới xảy ra một lần. Mưa lớn kéo dài, lũ bùn và lở đất ập đến.

Quang cảnh chẳng khác gì động đất và sóng thần vào tháng 3-2011. 2 triệu người được lệnh sơ tán. 219 người thiệt mạng và 21 người mất tích.

Vì sao lũ lụt gây thiệt hại nặng nề đến thế? Có nhiều nguyên nhân nhưng chuyên gia Hideo Shiogama tại Viện Nghiên cứu môi trường quốc gia Nhật nhấn mạnh: "Không còn nghi ngờ gì nữa, biến đổi khí hậu gây mưa lớn. Chắc chắn kiểu mưa lũ này sẽ xảy ra thường xuyên hơn".

TRẦN NGỌC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp