14/11/2014 12:05 GMT+7

​TPP có thể về đích vào đầu năm sau

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TT - Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết như vậy trên chuyên cơ từ Bắc Kinh về Hà Nội, sau khi kết thúc Hội nghị cấp cao APEC vào đêm 11-11.

Các nước tham gia đàm phán TPP. Ảnh: nippon.

Đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) khởi động từ tháng 3-2010 và đã trải qua gần năm năm đàm phán.

Trước khi lãnh đạo các thành viên TPP gặp nhau tại Bắc Kinh vào ngày 10-11, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cùng 11 bộ trưởng thương mại khác đã có một báo cáo chung, trong đó cho biết thách thức lớn nhất là xác định lộ trình kết thúc các gói cam kết tham vọng về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, dịch vụ tài chính, nhập cảnh tạm thời và mua sắm chính phủ.

Số lượng vấn đề còn lại không nhiều

Gặp nhau tại Đại sứ quán Mỹ trên đất Trung Quốc nhân dịp Hội nghị cấp cao APEC 22, các nhà lãnh đạo 12 thành viên tham gia đàm phán TPP đã đưa ra tuyên bố cho biết “chúng tôi phấn chấn” khi thấy khoảng cách còn tồn tại đã thu hẹp.

Giải thích về tuyên bố này, ông Vũ Huy Hoàng cho rằng so với cuộc gặp cấp cao TPP một năm trước ở Bali (Indonesia), việc đàm phán giữa các thành viên tại thời điểm này đạt được nhiều kết quả tích cực hơn.

“Tất cả nhà lãnh đạo tại cuộc gặp đều cho rằng đây là thời điểm hết sức quan trọng cho việc đàm phán hiệp định này, và đã đến lúc cần phải có quyết định chính trị để định hướng cho việc kết thúc đàm phán trong thời gian ngắn tới đây” - ông Hoàng nói.

Trong khi đó, trả lời báo chí tại Bắc Kinh, người phụ trách đàm phán của Nhật Bản là Bộ trưởng Akira Amari khẳng định tốc độ đàm phán sẽ được tăng lên.

Theo ông Vũ Huy Hoàng, hiện nay còn lại một số vấn đề phải đàm phán song phương, ví dụ như giữa Mỹ và Nhật Bản, giữa một số thành viên khác.

“Do số lượng vấn đề còn lại không nhiều, nên các nhà lãnh đạo bày tỏ hi vọng có thể sớm kết thúc đàm phán trong thời gian tới”. 

Tháo gỡ vướng mắc về “quy tắc xuất xứ”

Đến thời điểm hiện nay, một trong những vấn đề lớn nhất của Việt Nam trên bàn đàm phán TPP là “quy tắc xuất xứ” đã được tháo gỡ cơ bản.

Theo một số thành viên trong đoàn đàm phán của Việt Nam, trong TPP có nguyên tắc là những ưu đãi về thương mại đạt được sau khi đàm phán kết thúc chỉ dành cho các nước TPP, nghĩa là không để cho nước ngoài TPP lợi dụng ưu đãi này để xuất khẩu hàng hóa vào các nước thành viên TPP.

Đặc biệt với Việt Nam là lĩnh vực dệt may và da giày, do nhiều sản phẩm gia công nên phải nhập khẩu vật tư, nguyên liệu từ nước ngoài TPP.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói: “Đến giờ phút này vấn đề xuất xứ hàng hóa trong TPP, bao gồm hàng dệt may, đã tìm được một công thức về cơ bản có thể gặp nhau được”.

Theo báo cáo của các bộ trưởng thương mại TPP, 12 nước đạt được tiến bộ đáng kể về quy tắc xuất xứ chung đối với rất nhiều sản phẩm. Điều này được cho là rất quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất và tạo thuận lợi, tăng cường cho các chuỗi cung ứng giữa các nước TPP.

“Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch kết thúc đàm phán quy tắc xuất xứ, bao gồm cả những vấn đề nhạy cảm có thể cần đến quyết sách của các bộ trưởng” - báo cáo nêu trên viết.

Cũng tại Bắc Kinh, Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy ý tưởng về Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) nhân dịp APEC 22.

Ông Vũ Huy Hoàng cho biết ý tưởng này có từ năm 2006 và đến nay các bên làm được nhiều việc, nhưng tại APEC 22 xác định FTAAP sẽ tiếp tục được trao đổi ở các hội nghị cấp cao tới mà chưa có tuyên bố khẳng định. 

 

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp