So với tháng 12-2014, chỉ số giá tiêu dùng TP.HCM đã tăng 0,34%. Tính bình quân cùng kỳ, CPI TP.HCM đã tăng 0,67%.
Đóng góp vào mức tăng chung của chỉ số giá tiêu dùng TP.HCM trong tháng có 7/11 nhóm hàng tăng giá. Trong đó, nhóm y tế có mức tăng cao nhất (tăng 1,36%) do tiếp tục lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,13%; trong đó nhóm lương thực giảm 0,03%, nhóm thực phẩm tăng 0,26%, riêng nhóm ăn uống ngoài gia đình không biến động.
Nhóm may mặc mũ nón, giày dép tăng 0,23%; trong đó quần áo may sẵn tăng 0,37%, giày dép tăng 0,12%.
Cũng giống như Hà Nội, mặc dù giá xăng được điều chỉnh giảm từ ngày 4-7, nhưng do đợt tăng giá xăng dầu ngày 19-4 vẫn nằm trong kỳ tính giá, cộng thêm cước vận tải đường sắt tăng, nên tính chung nhóm giao thông tăng 0,09% so tháng trước.
Ở chiều ngược lại, có 2 nhóm giảm giá là nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt (giảm 0,19%) và nhóm văn hóa, giải trí, du lịch (giảm 0,03%). Không biến động so với tháng trước có nhóm bưu chính viễn thông và giáo dục.
Theo Cục Thống kê TP.HCM, nhóm nhà ở, điện, nước, vật liệu xây dựng giảm nhẹ 0,19% so với tháng trước chủ yếu do giá gas và giá dầu hỏa giảm với mức giảm bình quân lần lượt -2,10% và -3,7%; còn lại các mặt hàng khác trong nhóm biến động không đáng kể: điện tăng 0,52%, vật liệu xây dựng tăng 0,67%, nước giảm 0,1%.
Không nằm trong rổ tính chỉ số giá, chỉ số giá vàng tháng 7 giảm 1,49% so với tháng trước; chỉ số giá USD giảm 0,01% so với tháng trước.
Trước đó, Cục Thống kê Hà Nội cũng công bố, CPI tháng 7 trên địa bàn thủ đô tăng 0,18% so với tháng trước; tăng 0,77% so với cuối năm 2014 và tăng 0,98% so với cùng kỳ.
Với việc CPI tháng 7 của hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP.HCM đều tăng nhẹ (0,18% và 0,11%), có thể dự báo CPI tháng 7 của cả nước sẽ tiếp tục tăng, song mức tăng sẽ nhẹ hơn nhiều so với tháng trước và có thể chỉ tương đương như tháng 5.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận