19/08/2021 07:57 GMT+7

TP.HCM triển khai năm học mới ra sao?

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - Các trường có thể dạy học trên Internet từ 4 đến 6 tuần vào đầu năm học mới, hoặc từ 6 đến 10 tuần hoặc hết học kỳ I tùy theo diễn biến của dịch COVID-19.

TP.HCM triển khai năm học mới ra sao? - Ảnh 1.

Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Trần Hưng Đạo Q.1, TP.HCM trong ngày khai giảng năm học mới 2020-2021 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Đó là đề xuất của Sở GD-ĐT với UBND TP.HCM về kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022 đối với giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố.

249 trường đang làm khu cách ly

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, hiện nay toàn thành phố có 249 trường học đang được trưng dụng làm khu cách ly, 453 trường hỗ trợ hoạt động xét nghiệm và tiêm vắc xin. Trong thời gian sắp tới, các địa phương chưa thể bàn giao những trường đang được sử dụng trong phòng chống dịch để tổ chức giảng dạy năm học mới. 

Chưa kể, toàn TP.HCM hiện có đến 1.960 giáo viên và 5.898 học sinh thuộc diện F0, F1. Ngoài ra, sở cũng cho biết nhiều công trình xây dựng, sửa chữa trường lớp bị tạm ngưng, nhiều trường ngoài công lập (nhất là mầm non) đã bị giải thể.

"Ngay cả công tác tuyển sinh lớp 1, lớp 6 cũng đang gặp nhiều khó khăn mặc dù các địa phương, cơ sở giáo dục thực hiện trực tuyến. Chúng tôi dự kiến sẽ kết thúc công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp trong tháng 8-2021. 

Nhưng trên thực tế nhà trường đang không liên hệ được với phụ huynh để làm thủ tục nhập học cho con em. Đặc biệt, các lớp 1, 2, 6 năm nay sẽ sử dụng sách giáo khoa mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhưng hiện nay công đoạn phân phối sách của các nhà xuất bản chưa hoàn thành nên một số trường vẫn chưa nhận được sách" - một cán bộ Sở GD-ĐT TP thông tin.

Bên cạnh đó, cũng theo vị cán bộ trên, trong tình hình hiện nay năm học mới khó có thể bắt đầu bằng hình thức trực tiếp. Các cơ sở giáo dục khi hoàn thành nhiệm vụ chống dịch, bàn giao lại cho ngành giáo dục thì phải mất ít nhất hai tuần để sửa chữa, cải tạo cho phù hợp. 

Ngành GD-ĐT đã dự kiến và xây dựng các phương án để học sinh bắt đầu năm học mới bằng hình thức học trên Internet, chỉ đạo các trường xây dựng trước các bài giảng qua Internet trong khoảng 10 tuần đầu năm học.

"Việc bắt đầu năm học sớm sẽ tránh được việc dồn ép tiến độ cuối năm học để đảm bảo các kỳ thi cuối cấp, nhất là kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Đồng thời, việc tổ chức tựu trường, khai giảng theo hình thức trực tuyến cũng không hiệu quả, không mang nhiều ý nghĩa" - vị này nhấn mạnh.

Ba phương án theo diễn biến dịch bệnh

Từ thực tế trên, Sở GD-ĐT đề xuất không tổ chức tựu trường, khai giảng. Việc tổ chức dạy học trên Internet sẽ diễn ra với thời điểm cụ thể như sau:

Các trường THCS, THPT sẽ tổ chức hướng dẫn học sinh kỹ năng, phương pháp học trên Internet và củng cố kiến thức từ ngày 1 đến 5-9. Từ ngày 6-9 sẽ bắt đầu giảng dạy theo chương trình năm học mới. 

Ở bậc tiểu học, nhà trường sẽ tổ chức lớp, hướng dẫn kỹ năng, phương pháp học tập trên Internet và củng cố kiến thức từ ngày 8 đến 19-9. Từ ngày 20-9 thực hiện giảng dạy theo chương trình năm học.

Riêng với bậc mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng do đặc thù phải dạy - học trực tiếp nên có thể bắt đầu và kết thúc năm học với khung thời gian riêng, chậm hơn bậc học phổ thông. 

Trong thời gian chưa thể bắt đầu đi học, Sở GD-ĐT TP sẽ tiếp tục chỉ đạo các trường mầm non tổ chức cho giáo viên xây dựng một số đoạn phim ngắn để hướng dẫn trẻ sinh hoạt, vui chơi, giáo dục kỹ năng với sự tham gia, phối hợp của phụ huynh. 

Như vậy, các trường mầm non sẽ khai giảng chậm hơn; khi tình hình dịch được kiểm soát, học sinh có thể đến trường.

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Sở GD-ĐT thông tin: Chúng tôi thống nhất đề xuất với UBND TP.HCM ba phương án tổ chức dạy và học căn cứ vào tình hình diễn biến dịch cho từng giai đoạn.

- Phương án 1: Đến ngày 15-9, dịch COVID-19 đã được khống chế và kiểm soát. Các cơ sở giáo dục dần hoàn thành nhiệm vụ phòng, chống dịch và từng bước bàn giao cho ngành GD-ĐT. 

Đây là phương án rất lý tưởng và các nhà trường chỉ dạy - học trên Internet khoảng từ 4 đến 6 tuần đầu năm học. Riêng đối với lớp 1 thì sẽ có những đoạn phim bài giảng và đưa lên Internet để giúp phụ huynh hướng dẫn trẻ học, làm quen dần với việc học từ xa.

- Phương án 2: Dịch COVID-19 sẽ được khống chế và kiểm soát từ cuối tháng 9-2021. Từ tháng 10-2021, các cơ sở giáo dục dần hoàn thành nhiệm vụ phòng, chống dịch và từng bước bàn giao cho ngành GD-ĐT. 

Nếu như thế, các trường sẽ dạy - học trên Internet khoảng từ 6 đến 10 tuần đầu năm học. Tùy từng trường hợp cụ thể mà ngành GD-ĐT sẽ quyết định việc dạy học trực tiếp. Có thể sẽ ưu tiên lớp 1, lớp 2, các lớp đầu cấp và cuối cấp. Hình thức dạy học trực tiếp là sẽ chia nhỏ lớp để học sinh được đến trường, các khối lớp khác tiếp tục học trực tuyến đến khi ổn định trở lại.

- Phương án 3: Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đến cuối năm 2021 mới kiểm soát được. Nếu như thế, các trường sẽ dạy học trên Internet trong suốt học kỳ I năm học 2021 - 2022. Và trường phổ thông phải bố trí phụ đạo, ôn tập, củng cố cho học sinh lớp 1 và các lớp cuối cấp, nhất là lớp 12. 

"Chúng tôi sẽ tính toán và tham mưu UBND TP để có thể kéo dài thời gian năm học với các khối lớp này đến cuối tháng 6-2021 (lớp 12 có thể kéo dài đến thời điểm thi tốt nghiệp THPT) nhằm đảm bảo chương trình và kết quả học tập" - vị lãnh đạo trên nói.

Đề xuất từ giáo viên, phụ huynh

- Cô H.Th. - giáo viên ở TP Thủ Đức, TP.HCM: "Tôi chỉ băn khoăn về việc ghi hình các tiết dạy. Nếu mỗi trường tiểu học hoặc mỗi phòng GD-ĐT đều phải làm các clip dạy học thì rất áp lực đối với giáo viên và lãng phí sức người, sức của.

Hiện chương trình và sách giáo khoa đã được thống nhất trên toàn thành phố. Vì vậy, tôi cho rằng Sở GD-ĐT nên chọn những giáo viên giỏi của thành phố lên tiết dạy và ghi hình cho học sinh toàn thành phố học.

Mỗi giáo viên sẽ có thế mạnh khác nhau và sẽ được ghi hình ở những môn học khác nhau. Clip đó có thể đăng trên trang web của các trường hoặc được phát trên truyền hình để những học sinh nhà không có máy tính nối mạng, điện thoại thông minh vẫn có thể học được".

- Bà Nguyễn Hoàng Thảo Uyên, phụ huynh ở quận Tân Phú, TP.HCM: "Nếu UBND TP quyết định năm học mới bắt đầu ngay từ giữa tháng 9 thì nên có hướng dẫn cụ thể về việc mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập.

Loại hàng hóa này phải được xem là mặt hàng thiết yếu để phụ huynh có thể mua trên mạng và shipper có thể giao từ quận này sang quận khác".

TP.HCM: Đề xuất cấp II, III bắt đầu năm học mới từ 6-9, tiểu học từ 20-9 TP.HCM: Đề xuất cấp II, III bắt đầu năm học mới từ 6-9, tiểu học từ 20-9

TTO - Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có tờ trình về phương án và kế hoạch thời gian năm học 2021-2022. Theo đó, bậc THCS, THPT sẽ bắt đầu năm học mới từ 6-9, bậc tiểu học từ 20-9.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp