Xe buýt nhỏ chở học sinh lưu thông trên đường Trường Chinh (TP. HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đây là đề xuất từ dự án "Phát triển dòng xe mini buýt để tăng cường năng lực vận tải hành khách công cộng TP.HCM".
Đề án này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện để người dân bước ra khỏi nhà là gặp xe buýt...
Tuy nhiên, không ít ý kiến băn khoăn với loại hình buýt mini từng đưa vào sử dụng tại TP.HCM nhưng chưa mang lại hiệu quả.
Để dân dễ tiếp cận xe buýt
Theo dự án nói trên, dự kiến triển khai loại buýt mini này tại các quận 1, 10 và Tân Bình. Tổng mức đầu tư dự kiến là 77,3 tỉ đồng từ nguồn ngân sách TP.
Ông Trần Chí Trung, giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP, cho biết hiện nay vận tải hành khách công cộng TP chỉ đáp ứng gần 10% nhu cầu đi lại và có xu hướng bão hòa trong giai đoạn vừa qua.
Theo ông Trung, một trong những nguyên nhân chính là ở các quận như Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Bình Thạnh, Phú Nhuận, quận 10... có rất nhiều đường hẻm.
"Có tới 85% dân số tại các quận này sống trong hẻm và đa số hẻm ở đây chỉ có chiều rộng thực tế 3-6m, không phù hợp với xe buýt lớn và xe buýt tầm trung. Các tuyến xe buýt lớn không thể đi sâu vào các khu vực đông dân, nên người dân khó tiếp cận với xe buýt" - ông Trung cho hay.
Theo ông Trung, hiện nay khoảng cách để người dân tiếp cận xe buýt là từ 600m đến trên 1.000m, trong khi theo khảo sát thì khoảng cách hợp lý cho việc tiếp cận xe buýt là trong vòng bán kính 500m và hệ thống mini buýt sẽ giải quyết vấn đề này.
Ông Trung cho rằng dự án đưa xe buýt vào hẻm là một trong những kế hoạch nhằm tăng tỉ lệ người dân tiếp cận xe buýt theo mục tiêu của chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016-2020 đề ra: đến năm 2020 khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị đáp ứng 15% - 20% nhu cầu giao thông đô thị.
Cũng theo đề án, dự kiến thời gian thực hiện đề án là trong giai đoạn năm 2018 đến 2020.
Làm thí điểm để tránh lãng phí
Nói về dự án trên, nhiều chủ xe buýt cho rằng cần cân nhắc tính hiệu quả của dự án để tránh lãng phí đầu tư khi dự án được đề xuất lấy ngân sách TP thực hiện.
Theo một xã viên xe buýt thuộc Hợp tác xã vận tải và du lịch Đông Nam, trước đây xe buýt loại nhỏ từng được TP sử dụng, nhưng sau đó phải loại bỏ để nâng cấp thành các tuyến xe buýt cỡ 29-40 chỗ.
Vì vậy, nếu TP quyết tâm thực hiện dự án này thì nên thí điểm trước một tuyến để tính toán hiệu quả, tránh việc đầu tư ồ ạt hàng trăm xe buýt mini rồi ngưng, gây lãng phí.
"Quá trình thử nghiệm mới tính toán thực tế được nhu cầu đi lại của hành khách, khả năng thu hồi vốn, bến bãi trung chuyển khách..." - vị này nói.
Còn PGS.TS Chu Công Minh - giảng viên bộ môn cầu đường, khoa kỹ thuật xây dựng Trường đại học Bách khoa TP.HCM - cho rằng việc đầu tư hệ thống xe buýt mini để trung chuyển hành khách là cần thiết, nhưng cần phải nghiên cứu kỹ.
Trước mắt, theo ông Minh, nên chọn một quận thí điểm trước. Việc lựa chọn quận nào cũng phải dựa vào một số tiêu chí để điều tra, khảo sát trước như: nhu cầu sử dụng xe buýt; hệ thống đường sá phù hợp cho các hoạt động của xe buýt kết nối; đặc biệt, lộ trình và thời gian di chuyển của xe buýt mini phải phù hợp với lộ trình xe buýt lớn...
Ông Minh cũng lưu ý đi đôi với phát triển xe buýt mini là phải giải tỏa vỉa hè, hẻm bị lấn chiếm. Bởi có những hẻm rộng tới 6m nhưng thực tế bị chiếm dụng, ôtô không thể lưu thông được.
Ngoài ra, cũng cần có hình thức giảm giá vé hoặc miễn phí cho người sử dụng xe buýt mini trung chuyển để khuyến khích nhu cầu sử dụng, đồng thời phải tăng cường quảng bá cho người dân được biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận