Tổng quan Dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM - Ảnh: Chế Thân |
Theo Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP, Dự án cải thiện môi trường nước có ý nghĩa quyết định đến việc cải thiện cuộc sống của người dân TP.HCM.
Xanh hóa những dòng kênh đen
Đi từ bến Bạch Đằng (Q.1) trên bốn chiếc canô chạy dọc sông Sài Gòn và rẽ vào kênh Tẻ, đoàn khảo sát đã nhận thấy sự cải thiện rõ rệt của dòng kênh Tẻ đoạn từ cầu Tân Thuận (Q.4, Q.7) đến cầu Nguyễn Văn Cừ (Q.5, Q.8).
Trên dòng kênh đã có cá sinh sống - chính là nhờ việc triển khai Dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 1 (đã hoàn thành năm 2011) và giai đoạn 2 (đang thi công).
Thế nhưng trên đoạn kênh Tẻ bắt đầu từ cầu Nguyễn Văn Cừ đến kênh Đôi dài khoảng hơn 10km, nước kênh vẫn trong tình trạng màu đen do ô nhiễm nặng, bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Theo một cán bộ UBND TP, theo kế hoạch triển khai giai đoạn 3, UBND Q.7 đã thực hiện giải tỏa xong nhiều nhà lụp sụp ven kênh Tẻ. Tuy nhiên vẫn còn một số nhà chưa giải tỏa vì “bám theo” một vài cơ quan nhà nước chưa giải tỏa.
Trong khi đó, phía Q.4, Q.8 cũng chưa thực hiện giải tỏa nên vẫn còn hàng ngàn hộ dân xây nhà ven kênh rạch, trong đó có nhiều nhà ọp ẹp, xiêu vẹo nằm trên những cây cừ tràm cắm ven bờ kênh.
Từ trên chiếc canô chạy giữa dòng kênh Tẻ, kênh Đôi mới thấy rõ cuộc sống người dân ở hai bên kênh đang phải chịu đựng ô nhiễm nặng nề.
Ông Lương Minh Phúc - giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM - cho biết trong thời gian qua TP đã hoàn thành Dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 1 có diện tích 915ha vào năm 2011 và đang triển khai thi công dự án giai đoạn 2 có diện tích 2.588ha.
Trong đó, đưa vào sử dụng nhà máy xử lý nước thải đã giải quyết một phần ô nhiễm cho tuyến kênh Bến Nghè và Tàu Hủ và chỉ mới chống ngập nước cho một số địa phương dọc theo tuyến kênh.
Do đó, việc cần triển khai dự án giai đoạn 3 nhằm hoàn thành toàn bộ Dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM.
Theo đó, toàn bộ dòng kênh Bến Nghé, Tàu Hủ, kênh Đôi và kênh Tẻ bị ô nhiễm nặng sẽ cải thiện để trở thành dòng kênh xanh, tạo điều kiện hình thành các tuyến du lịch trên sông, chống ngập nước và nâng cao cuộc sống của người dân trên toàn bộ lưu vực 4 con kênh trên.
Theo ông Phúc, khó khăn nhất trong việc thực hiện Dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 3 hiện nay là việc tổ chức đền bù giải tỏa và tái định cư khoảng 5.600 hộ dân.
Tạo điều kiện tái định cư cho các hộ ven kênh
Trả lời về việc này, ông Trần Trọng Tuấn - giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM - cho biết cái khó là giá đền bù giải tỏa nhà trên kênh và ven kênh rất thấp, do phần lớn nhà chiếm dụng đất bất hợp pháp và trị giá nhà thấp (phần lớn nhà cấp 4) nên người dân khó có điều kiện mua nhà tái định cư.
Vì vậy, ông Tuấn đề nghị UBND TP bên cạnh việc xây dựng nhà ở thương mại, TP cần cho phép sở phối hợp với các quận kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để tạo điều kiện cho người dân thuê nhà hoặc mua nhà trả góp.
Ông Tuấn cũng kiến nghị TP cần tái định cư cho người dân tại địa phương hoặc ở quận lân cận, không tái bố trí nhà ở các quận, huyện quá xa vì người dân khó chấp nhận.
Trong khi đó, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, chủ tịch UBND Q.8, cho biết hiện ở quận có khoảng 1.000 căn hộ ở ven kênh, rạch. Thời gian qua địa phương đã thực hiện di dời, giải tỏa khoảng 2.900 căn hộ của Dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 1 và giai đoạn 2 nên đã có kinh nghiệm thực hiện đền bù giải tỏa.
Hiện nay quận đã dự kiến dành quỹ đất tái định cư cho dự án giai đoạn 3 và mong dự án triển khai sớm để sớm cải thiện cuộc sống người dân.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã đánh giá cao sự hỗ trợ giúp đỡ của JICA đối với sự phát triển hạ tầng giao thông TP và đề nghị JICA tài trợ cho Dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 3.
Theo ông Phong, trong quá trình thực hiện dự án giai đoạn 3, TP sẽ quan tâm đền bù, giải tỏa hộ dân đến nơi ở mới có cuộc sống tốt hơn. Việc triển khai dự án có ý nghĩa lớn trong việc chỉnh trang đô thị TP.HCM.
Ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch UBND TP.HCM, trao đổi về sự cần thiết đầu tư Dự án cải thiện môi trường nước TP giai đoạn 3 - Ảnh: Chế Thân |
Ông Mori Mutsaya - trưởng đại diện văn phòng JICA Việt Nam - cho biết sẽ cố gắng hỗ trợ vốn vay ODA cho dự án từ nguồn vốn JICA Nhật Bản - Ảnh: Chế Thân |
Dự án 13.500 tỉ đồng Dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 3 có tổng mức đầu tư khoảng 13.500 tỉ đồng, trong đó vốn vay Chính phủ Nhật khoảng 8.700 tỉ để thực hiện công tác xây dựng và lắp thiết bị. Phần còn lại khoảng 4.600 tỉ là vốn ngân sách đối ứng cho công tác đền bù giải tỏa, thuế, chi phí quản lý dự án... Quy mô công trình: cải tạo tuyến kênh Đôi, kênh Tẻ, giải quyết nhu cầu thoát nước, chống ngập nước, tổ chức giao thông thủy và hoàn chỉnh các tuyến đường ven kênh Đôi, kênh Tẻ; thu gom nước thải đưa về nhà máy xử lý nước thải có công suất 100.000 m3/ngày và giai đoạn 2 là 170.000 m3/ngày. Xây dựng hệ thống thu gom nước thải lưu vực nam Sài Gòn gồm 33km tuyến cống nhánh, 10km tuyến cống chính, lắp đặt 10km cống thu gom nước mưa, nước thải, xây dựng 1 trạm xử lý nước thải cục bộ, công suất 35.000 m3/ngày…. |
Những ngôi nhà sống bên bờ kênh Đôi - kênh Tẻ thuộc phạm vi Dự án cải thiện môi trường nước thành phố - Ảnh: Chế Thân |
Những ngôi nhà sống bên bờ kênh Đôi - kênh Tẻ thuộc phạm vi Dự án cải thiện môi trường nước thành phố - Ảnh: Chế Thân |
Đoàn khảo sát lưu vực Dự án cải thiện môi trường nước thành phố chuẩn bị xuống tàu đi khảo sát - Ảnh: Chế Thân |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận